"Vĩnh Long chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau"- là chủ đề của phong trào thi đua được tỉnh Vĩnh Long triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, nhằm huy động các tập thể, cá nhân có những việc làm thiết thực, giúp hộ nghèo giảm nghèo và thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
“Vĩnh Long chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”- là chủ đề của phong trào thi đua được tỉnh Vĩnh Long triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, nhằm huy động các tập thể, cá nhân có những việc làm thiết thực, giúp hộ nghèo giảm nghèo và thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp của tỉnh. |
Vượt khó sẽ thoát nghèo
Khi người nghèo có ý thức vươn lên thì các chính sách của Nhà nước thật sự phát huy hiệu quả một cách tích cực.
Chị Nguyễn Thị Bé Hai (Ấp 10, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) thuộc diện hộ nghèo, không có vốn sản xuất. Khi được dự án “Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống”, vợ chồng chị được hỗ trợ 1 con bò giống và vay tiền ưu đãi mua thêm 1 con bò, mong có thêm thu nhập.
Sau hơn 2 năm, 2 con bò đều lớn nhanh và đã sinh sản. Gia đình chị cũng đã trao 1 con bê từ dự án cho hộ nghèo khác ở trong xã. Hiện 2 bò giống của gia đình chị sắp đẻ lứa thứ 2. Nhờ đó mà gia đình chị thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Vợ chồng anh Hồ Hoàng Thái (xã Tân Hạnh- Long Hồ) trước đây miệt mài may gia công nhưng cuộc sống vẫn khó khăn do tiền công ít. Được giúp sức kịp thời từ nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm, anh Thái có cơ hội phát triển nghề may túi xách, đảm bảo thu nhập tốt hơn.
Anh Thái cho biết: “Ngoài việc được vay vốn ưu đãi, tui còn được hưởng chính sách về nhà ở. Giờ đây, gia đình thật sự vượt qua nghèo khó, thu nhập ổn định, tui mừng lắm”.
Cùng với hỗ trợ sinh kế, tăng thu nhập thì chăm lo về nhà ở là một trong những chính sách quan trọng để góp phần giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, từ năm 2016, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long triển khai hỗ trợ xây dựng hơn 1.500 căn nhà cho gia đình đồng bào dân tộc Khmer đang gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Dự án đã giúp bà con Khmer nghèo an cư, tập trung làm ăn, ổn định cuộc sống. Là hộ nghèo, kinh tế gia đình chị Na Vuy (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình- TX Bình Minh) dần cải thiện từ khi được giúp con bò để nuôi và căn nhà 40 triệu đồng (do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ). Chị còn mạnh dạn vay vốn cải tạo hơn công vườn tạp trồng mận xanh đường, thu huê lợi ổn định.
Chị Na Vuy chân chất nói: “Nghèo thì khổ lắm, cố gắng mần mà thiếu vốn cũng khó. Nhờ đài cho nhà, hỗ trợ bò rồi được vay vốn ưu đãi nữa nên mừng lắm. Cả nhà cùng xúm nhau mần, nên sống khỏe hơn”.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Xuân 2019, hàng ngàn gia đình nghèo ở Vĩnh Long được sum họp trong những “mái ấm đồng đội”, “mái ấm công đoàn”, “mái ấm tình thương”, “căn nhà chữ thập đỏ”, “nhà đại đoàn kết”, “nhà nhân ái”,… hạnh phúc trong căn nhà mơ ước, ấm lòng trong sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng.
Bà Võ Thị Năm (xã Phú Thành- Trà Ôn) xúc động trong buổi lễ trao nhà do UBMTTQ Việt Nam tỉnh vận động Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết An Giang hỗ trợ.
“Ở tuổi ngoài 60 vậy, tiền mần mướn bữa có bữa không nên tui muốn mà hổng dám mơ có ngày mình có nhà ở khang trang vậy. Tui chỉ ước nhà có vách để đủ che mưa che nắng thôi. Tuổi này được nhà vậy tui mừng, biết ơn lắm”- bà Năm cho biết.
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ vay vốn không lãi suất để tham gia xuất khẩu lao động đã phát huy hiệu quả. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành- đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền để đưa chính sách xuất khẩu lao động đến với các gia đình.
Những năm qua, nhiều lao động trở về có nguồn vốn tích lũy, là điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình thương binh Nguyễn Văn Chiến (xã Trà Côn- Trà Ôn) có cuộc sống tốt hơn nhờ chính sách xuất khẩu lao động. Với tỷ lệ thương tật 82%, ông Chiến sống nhờ vào thu nhập từ mấy công vườn, cuộc sống 5 người khá chật vật. Khi các con lớn và tham gia chương trình xuất khẩu lao động, gia đình ông mới có thể ổn định.
Ông Chiến phấn khởi: “Tiền các con gởi về tui dùng chăn nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản. Sau đó, mua thêm vài công đất. Hiện thu nhập của gia đình mỗi năm gần 200 triệu đồng”.
Sau 3 năm hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020; nhận được đồng thuận cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và toàn xã hội, cùng hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện, đã mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người nghèo.
Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Cần xem phong trào thi đua là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương; phát huy tinh thần tự vươn lên của hộ nghèo.
Đồng thời, tiếp tục gắn kết phong trào thi đua “Vĩnh Long chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2016- 2018, Vĩnh Long vận động xã hội hóa trên 800 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo, cùng với đó là tăng cường xuất khẩu lao động, các dự án, mô hình giảm nghèo được triển khai lồng ghép hiệu quả, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,26% vào đầu năm 2016 xuống còn 2,69% vào cuối năm 2018. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin