Xuất khẩu lao động- hướng tới giảm nghèo bền vững

03:12, 28/12/2018

Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giải quyết việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp trong lực lượng lao động trẻ, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giải quyết việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp trong lực lượng lao động trẻ, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Đông đảo lao động đến tham quan các gian hàng tư vấn xuất khẩu lao động, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.
Đông đảo lao động đến tham quan các gian hàng tư vấn xuất khẩu lao động, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.

Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Nhờ có con đi XKLĐ, nhiều gia đình đã thoát cảnh khó nghèo, mua đất, cất nhà, có vốn làm ăn. Như gia đình chú Nguyễn Văn Vui (xã Trà Côn- Trà Ôn) có 2 người con đi XKLĐ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chú Vui chia sẻ: “Trước đây, gia đình nằm trong diện khó khăn, không có đất nên vợ chồng tui phải mần thuê. Nhờ mạnh dạn vay mượn tui cho con trai giữa đi mần ở Hàn 5 năm. Tiền con gởi về vợ chồng tui trả hết nợ, cất được nhà khang trang và có vốn cho tiếp trai út đi Nhật”.

Rồi chú Vui cười tươi: “2 con trai tui qua đó, chịu khó mần nên tích lũy số vốn khá cho vợ chồng tui an tâm dưỡng già. Về nước, đứa thì làm việc ở công ty Hàn ở Bình Dương; đứa thì làm công ty Nhật ở Sài Gòn, thu nhập cũng khá lắm. Gia đình tui nhờ mạnh dạn cho con đi XKLĐ mà thành công đó”.

Do thấy hiệu quả XKLĐ mang lại, anh Nguyễn Văn Sơn (ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) ủng hộ con trai lớn Nguyễn Vũ Linh tham gia XKLĐ ở thị trường Nhật Bản. Chỉ sau một thời gian làm việc, Vũ Linh tích cóp, gửi tiền về xây dựng lại nhà cửa, giúp ba mẹ không phải vất vả mưu sinh như trước đây.

Sau khi hết hạn hợp đồng, Linh xin gia hạn thêm 2 năm, để tận dụng sức trẻ làm việc ở đất nước có nền công nghiệp hiện đại. Với Linh, việc ở lại ngoài có thêm số vốn còn giúp em có thêm trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống, nâng cao những năng lực cần thiết cho tương lai.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh, thời gian qua, Vĩnh Long tập trung triển khai, đẩy mạnh công tác XKLĐ, nhất là đối với LĐ nghèo. Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ đến hoạt động tại địa phương. Hiện có 33 doanh nghiệp chính thức đăng ký tham gia thông tin tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng LĐ tại tỉnh.

Chính sách đặc thù riêng của tỉnh về hỗ trợ vay vốn đi XKLĐ bước đầu phát huy hiệu quả. Riêng trong năm 2018, ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho 348 LĐ vay vốn, với trên 28,6 tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho LĐ.

Bà Nguyễn Thị Mười (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) phấn khởi nhờ được hỗ trợ từ nguồn vốn vay này mà bà có điều kiện cho con đi XKLĐ. “Con sang Nhật làm có gởi tiền về giúp tui trang trải. Tui sẽ sớm hoàn tiền vay để Nhà nước còn giúp những hộ khó khăn khác được đi XKLĐ nữa chứ”.

XKLĐ- hướng tới bền vững

Với 1.574 người đi XKLĐ trong năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đã vượt kế hoạch gần 105%. Dù công tác XKLĐ của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua đạt được một số kết quả nổi bật, nhưng số lượng LĐ, nhất là LĐ có chuyên môn nghề nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng LĐ trên địa bàn vẫn còn thấp so với các tỉnh-thành khác.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, hàng năm, số người bước vào độ tuổi LĐ khá lớn, số người hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương chưa có việc làm, học sinh tốt nghiệp ra trường, LĐ thất nghiệp tồn đọng gây áp lực không nhỏ cho vấn đề giải quyết việc làm.

Do vậy, Vĩnh Long xác định XKLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người LĐ, đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Ngoài ra, XKLĐ cũng nhằm đào tạo nguồn LĐ có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe,…

Đây cũng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này. Từ đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ XKLĐ, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và đồng tình đi LĐ nước ngoài.

Để chuẩn bị sang Nhật làm việc, hàng ngày em Nguyễn Trần Vân Anh cùng bạn rèn luyện thêm tiếng Nhật.
Để chuẩn bị sang Nhật làm việc, hàng ngày em Nguyễn Trần Vân Anh cùng bạn rèn luyện thêm tiếng Nhật.

Cuối tháng 3/2019, em Nguyễn Trần Vân Anh (22 tuổi, xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) sẽ “bay” sang Nhật Bản với công việc điều dưỡng. “Em đạt trình độ N4 tiếng Nhật rồi và vẫn trau dồi tiếng mỗi ngày. Sang làm trong các cơ sở y tế tại Nhật sẽ giúp em học nhiều kỹ năng, nghiệp vụ trên phương tiện tiên tiến, hiện đại. Em cố gắng thi đậu chứng chỉ Điều dưỡng quốc gia để có thể ở làm việc ở Nhật luôn”.

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước Nguyên Gia Liêm cho rằng: “Để XKLĐ hiệu quả, Vĩnh Long cần tăng cường công tác truyền thông vào địa phương quan tâm, đẩy mạnh XKLĐ.

Đồng thời, khi có người thật việc thật từ những LĐ làm việc nước ngoài thành công thì những thắc mắc của người dân, LĐ muốn tham gia sẽ được giải đáp từ chính LĐ này trở về. Từ đó, người dân tin tưởng và quan tâm hơn đến công tác XKLĐ”.

Tháng 8/2018 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hội nghị thu hút 39 doanh nghiệp XKLĐ, cơ sở đào tạo và trên 1.500 LĐ, sinh viên, học sinh, người dân tham gia các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, thông tin về XKLĐ, việc làm, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, hội thảo về giải pháp tạo nguồn, hợp tác đẩy mạnh XKLĐ. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.


Xác định tuyên truyền, tư vấn là khâu mũi nhọn, ngay từ đầu năm, ngành lao động- thương binh và xã hội tỉnh phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- cho biết: “Ngành phối hợp với địa phương tiếp tục tuyên truyền cả chiều sâu lẫn chiều rộng để gia đình có con em trong độ tuổi LĐ thấy được hiệu quả đi LĐ nước ngoài. Tuyên truyền làm sao để khi đi đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng,… ở quê cũng nói chuyện XKLĐ”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh