Hơn 2 năm hoạt động, Cơ sở Massage Ánh sáng và Niềm tin đã thực sự mang lại sự an yên, hạnh phúc và hy vọng cho người khiếm thị. Nơi thực hiện ước mơ có nghề nghiệp, tự nuôi sống bản thân… và gieo hi vọng cho những người khiếm thị khác.
Hơn 2 năm hoạt động, Cơ sở Massage Ánh sáng và Niềm tin đã thực sự mang lại sự an yên, hạnh phúc và hy vọng cho người khiếm thị. Nơi thực hiện ước mơ có nghề nghiệp, tự nuôi sống bản thân… và gieo hi vọng cho những người khiếm thị khác.
Cơ sở massage Ánh sáng và Niềm tin lúc khai trương. |
Đi tìm ánh sáng
Nếu muốn biết cảm giác của người khiếm thị thế nào, hãy sống trong cảnh bị bịt kín mắt 1 ngày. Hàng ngàn người khiếm thị đã bị “bịt mắt” nhiều ngày, thậm chí từ khi mới lọt lòng mẹ đã không nhìn thấy ánh sáng.
Anh Phan Anh Khoa (38 tuổi, ở Phường 3, TP Vĩnh Long) đã học và làm việc ở cơ sở từ khi mới khai trương đến nay. Anh Khoa là anh lớn nhất trong gia đình có 4 anh chị em.
Nói về căn bệnh đã cướp đi gần như toàn bộ ánh sáng của cuộc đời mình, anh Khoa nhẹ giọng: “Năm đó, tôi học lớp 1, bị bệnh mắt và mất đi thị giác một bên, bên còn lại đã phẫu thuật nhưng bị nhãn cầu đảo nên giờ chỉ còn biết sáng và tối”.
7 tuổi, anh Khoa đã cảm nhận được tất cả nỗi đau của một người bị mất đi ánh sáng, hụt hẫng và sợ mình là gánh nặng cho ba mẹ.
Anh Khoa tâm sự: Dần lớn lên, tôi không muốn mình là gánh nặng cho ba mẹ nên cố gắng học hỏi, làm việc nhiều hơn.
Đưa đôi bàn tay lên, anh nói: “Lúc nhỏ phụ mẹ bán nước mía, róc mía trầy trụa hết hai tay vì có thấy cây mía đâu”. Với ánh sáng mờ ảo có được ngày còn thanh niên, anh Khoa đi theo thùng tuốt làm công với nhiệm vụ cho lúa vào máy.
Anh Khoa cười: “Cứ đều tay nhắm mà thảy lúa vào nhưng càng lớn càng không làm được vì mắt và sức khỏe đều giảm”.
Giờ có nghề massage, anh Khoa đã có thu nhập ổn định, đủ sống và có thể giúp đỡ gia đình chút ít. “Công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân chính là mơ ước của tôi”- anh Khoa nói thêm- “Tôi vẫn mong cơ sở được mở rộng, tân tiến hơn để giúp đỡ nhiều người khiếm thị hơn nữa.
Là người nhỏ tuổi nhất ở cơ sở (23 tuổi) cũng là người ở xa nhất (xã Thới Hòa- Trà Ôn), Nguyễn Thị Cẩm Nhan vẫn còn rụt rè và rưng rưng khi nói về đôi mắt của mình.
Sinh ra trong gia đình khó khăn có đến 6 anh chị em, Nhan bẩm sinh thị lực kém và cần phẫu thuật. Nhan cho biết: “Mẹ em kể, bác sĩ nói lớn chút thì lên bệnh viện phẫu thuật, nhưng đến khi em lên bệnh viện thì không còn phẫu thuật được nữa”.
Dù nhà xa lại khó khăn, 8 tuổi Nhan đã được lên Trung tâm Hòa nhập trẻ khuyết tật Vĩnh Long để học chữ nổi. Từ lúc biết chữ, được gặp nhiều bạn bè Nhan cũng tự tin và vui vẻ hơn.
Ươm hy vọng vươn lên
Tìm một công việc thích hợp giúp người khiếm thị ổn định cuộc sống. |
Cô gái có giọng nói trong trẻo, gương mặt dễ thương Trần Thị Ngọc Tuyền quê ở xã Đồng Phú (Long Hồ) đã từng là vận động viên bơi lội của TP Vĩnh Long. Tuyền còn là gương mặt quen thuộc với nhiều người vì từng tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ.
Năm 1 tuổi, Tuyền bị sốt ban do gia đình không có điều kiện chữa trị sớm nên em bị hỏng mắt phải, thị lực mắt trái chỉ còn 10%.
Ao ước được đến trường như bạn bè cùng trang lứa với Tuyền thật xa xôi vì thị lực của em không đáp ứng được chương trình học.
Nhưng ước muốn được biết chữ thôi thúc, Tuyền năn nỉ chị Hai dạy chữ cho mình. Tuyền cười tươi, giọng tự tin: “Học ở nhà như vậy nên trước khi học chữ nổi thì em đã biết viết chữ thông thường rồi”.
Trần Thị Ngọc Tuyền Điều Tuyền băn khoăn là có hàng ngàn người khiếm thị như em chưa hòa nhập được với cộng đồng. Tuyền cho rằng: “Các trung tâm dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật hiện nay rất nhiều. Em mong các bạn khiếm thị được đi học sớm, tự tin hòa nhập và tự nuôi sống bản thân”. |
Cơ duyên đưa Tuyền đến với Hội Người mù của tỉnh, đến với những người cùng hoàn cảnh với mình và Tuyền được cho đi học chữ nổi, được học nghề, học nhạc, được theo cô Phóng học đàn…
“Hồi đó em nghe đài, chương trình gây quỹ của CLB khiếm thị, rồi em chủ động gọi tổng đài xin số điện thoại của hội”.
Vốn thông minh và có khiếu âm nhạc, Tuyền thích nghi nhanh với cuộc sống mới và giờ đã vững tay nghề massage.
“Hồi nhỏ, em ước mơ được làm ca sĩ, giờ… em cũng được cộng tác với đài phát thanh để hát”- Tuyền nói.
Trong khi đó, đối với Cẩm Nhan được đi học là được quen với những người bạn mới, cho Nhan biết hy vọng vào cuộc sống.
Tại lớp học chữ nổi, Nhan có 8 người bạn cùng cảnh ngộ và “nhiều bạn có nghề ổn định, có bạn đang học ĐH sắp ra trường”.
Đó chính là động lực, là niềm tin của Nhan vào cuộc sống. Nhan chia sẻ: “8 tuổi, đến trung tâm đầy mặc cảm nhưng khi được tiếp xúc các bạn, các em bại não, da cam, tự kỷ,… em thấy mình vẫn còn may mắn hơn”.
Điều mà ba mẹ thường lo lắng nhất cho cô con gái út Nhan kém may mắn “sẽ sống sao khi ba mẹ không còn” đã được giải tỏa- Nhan nói “em đã có công việc ổn định và đủ sống rồi, mong cơ sở càng phát triển để em được làm việc hoài hoài”.
Cơ sở Ánh sáng và Niềm tin có doanh thu 154 triệu đồng/ năm, với thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/tháng/kỹ thuật viên.
Số tiền tuy không nhiều nhưng đã mang lại công việc với thu nhập ổn định, giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng và ươm mầm hy vọng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, quy mô cơ sở massage với 4 kỹ thuật viên hiện tại còn nhỏ so với gần 900 người khiếm thị trong tỉnh. Nhiều người khiếm thị cần có việc làm, muốn được tự nuôi sống, tự chăm sóc bản thân.
Ông Phạm Quốc Việt- Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sau khi đi tham quan các tỉnh về mô hình tạo việc làm cho người khiếm thị, chúng tôi quyết định cho hội viên đi học nghề massage, nhằm tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hội viên. Ngoài ra, hội còn triển khai cho hội viên vay vốn với lãi suất 0,275 %/tháng. Hiện nay, Tỉnh hội đang quản lý 260 triệu đồng từ nguồn phân bổ của Trung ương Hội Người mù. Tất cả hội viên đều sử dụng vốn vay hiệu quả, không có nợ quá hạn và vốn tồn đọng trong ngân hàng. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin