Qua nhiều nghiên cứu, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Trong đó, có khoảng 600.000 người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động gây ra, con số này sẽ tăng lên trên 8 triệu người vào năm 2020.
Qua nhiều nghiên cứu, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Trong đó, có khoảng 600.000 người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động gây ra, con số này sẽ tăng lên trên 8 triệu người vào năm 2020.
Và, nếu các biện pháp phòng chống hữu hiệu tác hại của thuốc lá không được tích cực thực hiện thì trong thế kỷ này thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người.
Khói thuốc lá- kẻ giết người thầm lặng. |
Khi cầm điếu thuốc trên tay, chắc hẳn nhiều người vẫn biết được rằng, việc làm của mình không chỉ trực tiếp đưa các chất độc hại vào cơ thể của chính mình, mà còn gián tiếp gây tổn hại đến sức khỏe của những người khác. Trong đó, có cả những người thân trong gia đình.
Nhưng có lẽ, ít người hiểu rằng khói thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ cao gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút trực tiếp lẫn người hút thụ động
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về y tế, thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi từ 10- 20 lần; tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành từ 10- 15 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch từ 1,5- 2 lần, và tăng nguy cơ tai biến mạch máu não từ 2- 4 lần…
Ngoài ra, thuốc lá còn là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em, và gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn nhịp tim, phình động mạch chủ…
Trong đó, nhiều trường hợp đã dẫn đến đột tử. Với nhiều người, đây không phải là những con số quá mới mẻ, thế nhưng không ít người vẫn cứ thờ ơ, chỉ khi nào đứng giữa lằn ranh cái chết và sự sống; phải chiến đấu với thần chết để giành giật lại sự sống từng phút từng giây, thì mới nhận ra những tác hại khôn lường của khói thuốc lá.
Nhiều người dù hiểu rõ điều đó, nhưng sửa sai thì vẫn là điều hiếm thấy. Bởi, tất cả những hình ảnh mà người hút đã được tận mắt chứng kiến trong thực tế hoặc xem qua báo đài về những tác hại ghê gớm của khói thuốc lá vẫn không thể cưỡng lại được cái cảm giác thèm hút.
Và như thế thì việc cầm điếu thuốc trên tay, và hút ở bất cứ nơi nào, mãi mãi là thói quen khó lòng thay đổi.
Trong số 600.000 người tử vong do hút thuốc lá thụ động mỗi năm, thì có đến 64% nạn nhân là phụ nữ, 20% bệnh nhân tử vong do ung thư phổi là phụ nữ chưa một lần hút thuốc lá.
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ hút thuốc thụ động tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức khá cao, với tỷ lệ hút thuốc thụ động trong nhà là hơn 62%, tại nơi làm việc là gần 42,6%, trên các phương tiện giao thông công cộng là 19,4%, tại các cơ sở chăm sóc y tế là 18,4%, và 16% ở các trường đại học, cao đẳng.
Theo cảnh báo của ngành chuyên môn thì khói thuốc lá có thể ảnh hưởng trong phạm vi từ 7- 10m, và các chất độc hại bám lại phải mất đến 6 tháng mới phân hủy hoàn toàn.
Vì vậy, việc hút thuốc lá tại nhà sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh của những thành viên trong gia đình càng cao, đặc biệt là trẻ em.
Đó cũng là lý do khiến cho Việt Nam đứng trong top 4 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, và cứ 6,5 giây lại có 1 người chết vì thuốc lá.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi năm nước ta phải mất 22.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá và hơn 23.000 tỷ đồng cho chi phí điều trị những loại bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Nguy cơ đã được cảnh báo, thiệt hại có thể tính toán được, thế nhưng nhiều người vẫn tiếp tục thờ ơ với sức khỏe, tính mạng của bản thân, và những người thân trong gia đình.
Người hút thuốc lá nên ngưng thuốc lá ngay bây giờ vì sức khỏe của mình và những người thân, vì sức khỏe cộng đồng cũng vì sức khỏe cho thế hệ mai sau. Hãy thay đổi nhận thức ngay từ bây giờ, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Tại Việt Nam, khói thuốc lá chính là nguyên nhân đã giết chết hơn 40.000 người mỗi năm. Điều này có nghĩa là, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những căn bệnh do thuốc lá gây ra, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 người mỗi năm vào năm 2030. So với tỷ lệ người chết do HIV/AIDS ở nước ta tích lũy từ ca đầu tiên phát hiện vào năm 1992 đến nay mới ghi nhận được 38.000 ca tử vong, hay so với tai nạn giao thông mỗi năm ghi nhận từ 13.000- 14.000 ca tử vong, thì vẫn còn ít hơn rất nhiều so với số ca tử vong do khói thuốc lá gây ra một cách âm thầm. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin