Chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn

01:12, 04/12/2018

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), năm 2018, Vĩnh Long tiếp tục đạt những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người LĐ.

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), năm 2018, Vĩnh Long tiếp tục đạt những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người LĐ.

Hiệu quả từ các mô hình điển hình

Niềm vui của bà Nguyễn Thị Cảnh trong ngày bàn giao nhà từ Đề án 1956.
Niềm vui của bà Nguyễn Thị Cảnh trong ngày bàn giao nhà từ Đề án 1956.

Cuối tháng 11 vừa qua, huyện Tam Bình phối hợp UBND xã Tân Lộc tổ chức bế giảng lớp dạy nghề xây dựng dân dụng khóa I năm 2018, kết hợp bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại địa phương.

Sau hơn 3 tháng học, 18 học viên của lớp trải qua các buổi học lý thuyết kết hợp mô hình thực hành là xây dựng nhà tình thương cho hộ bà Nguyễn Thị Cảnh (ngụ Ấp 8, xã Tân Lộc).

Căn nhà có diện tích 25,5m2, được xây dựng kiên cố với mái tôn, vách tường và nền gạch men, có tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng.

Tại buổi bế giảng, sau khi cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho các học viên và bàn giao căn nhà trên cho bà Cảnh.

Bà Cảnh mừng rơn: “Già rồi, mần dành dụm mà hổng có đủ tiền để cất lại nhà mới. Nay được các chú cất cho nhà tường, gạch bông để ở, tui mừng dữ lắm. Tui cám ơn rất nhiều”.

Các học viên trực tiếp thực hành xây đường đan ở địa phương, cất tô nhà cho hộ nghèo cũng là việc ý nghĩa mà các học viên vừa được học, vừa được thực hành giúp ích cho địa phương mình.

Có thể thấy hiệu quả của các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng từ Đề án 1956 trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Từ đầu năm đến nay, huyện Tam Bình mở 51 lớp dạy nghề, với 1.068 LĐNT tham gia, đạt trên 133% kế hoạch năm. Đạt kết quả trên là do huyện đẩy mạnh nhiều nghề như đan đát, may gia công mang lại thu nhập khá, giúp LĐNT có thu nhập đều đặn, ổn định cuộc sống. 

Ngoài ra, huyện còn linh hoạt hơn trong việc mở nhiều lớp đào tạo đa dạng về độ tuổi, hoàn cảnh sống, sở thích… để phát huy những đặc trưng, lợi thế của địa phương.

Mục tiêu giúp LĐ có tay nghề, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; chuyển đổi nghề sang tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ…

Sau khi được học lớp kỹ thuật nuôi gà thả vườn, chị Thạch Thị Quyên (xã Loan Mỹ- Tam Bình) tự tin nuôi gần 200 con gà.

Chị cho biết: “Đi học nhờ thầy dạy chăm sóc nuôi gà, cách làm chuồng trại và phòng trị bệnh cho gà nên tui an tâm hơn. Hy vọng lứa gà này thành công để có thêm tiền để dành cho con ăn học”.

Nâng chất dạy nghề nông thôn

Phụ nữ ở nông thôn có thêm thu nhập từ nghề đan thảm lục bình.
Phụ nữ ở nông thôn có thêm thu nhập từ nghề đan thảm lục bình.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, đào tạo nghề cho LĐNT giờ đây không còn cứng nhắc, áp đặt mà được thực hiện theo đơn đặt hàng của các cơ sở, doanh nghiệp và nhu cầu thực tế. NLĐ được chủ động chọn ngành nghề và thời gian học.

Chị Trần Thị Kim Khuyên- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chánh Hội- cho biết, công tác đào tạo nghề ở nông thôn được quan tâm và có định hướng phát triển bền vững, đặc biệt là hình thành các tổ hợp tác sản xuất và gần đây nhất là thành lập được hợp tác xã nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Trong những tháng đầu năm đã dạy nghề có trên 100 phụ nữ tại địa phương, góp phần ổn định cuộc sống cho hội viên.

Thu nhập của các LĐ sau khi được đào tạo cũng tương đối ổn định. Với LĐ nông nhàn, nếu chỉ tranh thủ thời gian nhàn rỗi thì thu nhập khoảng từ 2,2- 2,5 triệu, còn nếu LĐ chính thì có thể đạt từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần rất nhiều để giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Qua các năm mở các ngành nghề dạy cho LĐNT, ngành lao động- thương binh và xã hội mở rộng sang các lĩnh vực làm đẹp, may công nghiệp, công nghệ thông tin, điện dân dụng, hàn, tiện, trồng nấm,…

Các mô hình điểm còn tổ chức 6 lớp đào tạo nghề trồng nấm bào ngư xám cho 130 LĐNT thuộc hộ nghèo gắn với hỗ trợ 42000 phôi nấm để nuôi trồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; duy trì tốt mô hình đào tạo nghề chăn nuôi gắn với Dự án hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo với gần 400 con bò giống.

Điều này cho thấy, các cơ sở đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực, thích ứng với nhu cầu học nghề của NLĐ và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Trồng lúa thì có cập nhật giống lúa cao sản, chất lượng, cách bón phân phun thuốc; nuôi bò thì có hướng dẫn nuôi bò sinh sản, vỗ béo, cách ủ rơm, làm đá liếm,... Đem nghề cho LĐNT là không hề thừa.

Có nơi, làm được vậy vừa giải quyết được khâu đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp tiết giảm đầu tư chi phí và ô nhiễm môi trường,..

 Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã mang đến niềm vui cho nhiều người dân nông thôn ở khắp các địa phương trong tỉnh. Những hiệu quả thiết thực mà chương trình mang lại đó là sự thay đổi về nhận thức của người dân.

Đồng thời trang bị cho bà con những kiến thức cần thiết để chọn việc làm phù hợp, trên cơ sở những suy nghĩ, tính toán cách làm riêng sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, để cải thiện và nâng cao đời sống gia đình.

Ngoài ra, hiệu quả từ đề án này còn là cơ sở quan trọng để Vĩnh Long từng bước chuyển dịch cơ cấu LĐ, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh