Bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước nạn bạo hành

05:12, 14/12/2018

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. 

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. 

Hội thi tuyên truyền pháp luật BĐG, phòng chống BLGĐ góp phần hiệu quả, làm chuyển biến hơn công tác BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.
Hội thi tuyên truyền pháp luật BĐG, phòng chống BLGĐ góp phần hiệu quả, làm chuyển biến hơn công tác BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.

Bạo lực gia đình, vết thương âm ỉ mãi

Thời gian qua, tình trạng BLGĐ giữa vợ chồng, cha con, mẹ con... rất đáng lo ngại. Số vụ án mạng xuất phát từ nguyên nhân này ngày càng nhiều và rùng rợn hơn.

Đó là cảnh chồng đốt vợ con, giết vợ phi tang... Hoặc chồng giết vợ chỉ vì từ chối "chuyện chăn gối"; trong nhiều vụ án vợ giết chồng bởi họ là nạn nhân của BLGĐ và đã quá sức chịu đựng;..

Điều đáng lo ngại hiện nay là phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của vụ BLGĐ mà còn là đối tượng để mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo hành ngoài phạm vi gia đình.

Dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì BLGĐ và xâm hại trẻ em không chỉ để lại hậu quả về thể chất và tinh thần mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội. BLGĐ đang là vấn đề nhức nhối khiến dư luận và xã hội quan tâm.

Tại Vĩnh Long, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.527 vụ BLGĐ, trong đó phần lớn là bạo lực thân thể với 1.213 trường hợp, bạo lực tinh thần 999 trường hợp… Người gây ra BLGĐ chủ yếu là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già, trẻ em. Nhiều trường hợp BLGĐ nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, thân thể của nạn nhân, từ đó làm xói mòn giá trị đạo đức và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Cuối tháng 4/2018, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh người chồng đánh, rồi dùng dây cột cổ vợ kéo lê trên mặt đường ở khu vực chợ Phước Yên (xã Phú Quới- Long Hồ) rất dã man khiến dư luận rất bất bình, lên án.

Tại cơ quan công an, người chồng khai do uống rượu nên nhớ chuyện vợ bỏ nhà ra ở riêng và có lần đã bị vợ lấy dao rượt chém sau khi vợ chồng cự cãi.

Theo ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, thì nhẫn nhịn, cam chịu là một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ trở nên nghiêm trọng. 

Nhận thức của gia đình, của xã hội về nạn BLGĐ còn ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến. Tình trạng gia trưởng, “chồng chúa vợ tôi”, nhiều người đàn ông vẫn thường “nói chuyện tay chân” dã man đối với cả những người phụ nữ đầu ấp tay gối với họ.

Rồi những người lớn trong gia đình như ông bà, cha mẹ luôn coi mình là đúng nên có quyền dạy con cái bằng roi vọt. Quan điểm đó lạc hậu, thậm chí vi phạm pháp luật.

Song, xã hội nhìn nhận vấn đề này chưa triệt để, chưa thực sự tiến bộ. Rồi sự thờ ơ của cộng đồng đối với những hành vi BLGĐ với suy nghĩ chuyện gia đình là riêng tư, nên không ít người không can thiệp vào những chuyện BLGĐ nơi cộng đồng mình đang sống.

Xin đừng bạo hành con trẻ

Con trẻ là đối tượng cần được gia đình, xã hội bảo vệ. Tuy nhiên, rất khó nhận biết các cuộc bạo hành diễn ra trong gia đình bởi nó thường diễn ra phía sau cánh cửa. Chúng ta chỉ nhận ra đó là bạo hành khi đứa trẻ bị tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, thể xác.

Những áp lực trong cuộc sống song hành với chuyện con cái nói không nghe… dẫn đến không ít người thiếu kiên nhẫn khi dạy con.

Một đứa trẻ, nhất là trẻ nhỏ, bị bạo hành bởi bất kỳ ai, sau những trận bạo hành có thể sẽ chẳng có nổi giấc ngủ ngon, các khó khăn về mặt tâm lý không mời cũng có thể tự đến như: ám ảnh sợ, trầm cảm, rối loạn hành vi, tưởng tượng tiêu cực, mặc cảm, khép mình, ngại giao tiếp xã hội, cảm giác bất an…

Tất cả sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách và nhiều mặt trong đời sống cá nhân của trẻ sau này.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, đối với BLGĐ, phụ nữ chính là người đóng vai trò hòa giải. Song, phụ nữ muốn gia đình êm ấm không phải là im lặng, chịu đựng.

Dù yêu thương nhưng phải tỉnh táo, tìm nguyên nhân khiến người đàn ông đó, người cha đó phải sử dụng vũ lực.

Phụ nữ phải thể hiện thái độ kiên quyết, không chấp nhận bạo lực và hướng người chồng đến việc giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa, thẳng thắn.

Ngay từ lần đầu nảy sinh bạo hành, phụ nữ vốn tinh tế và bao dung, nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi ấy để có hướng giúp chồng điều chỉnh, tránh trường hợp khi mâu thuẫn trở nên nặng nề, khó cứu vãn.

Hãy dùng thêm sức mạnh của cộng đồng, từ cơ quan chức năng, các hội, đoàn thể, hàng xóm, người thân trong gia đình.

Với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 (từ ngày 15/11- 15/12) được UBND tỉnh Vĩnh Long phát động đến tất cả các ngành, đơn vị, địa phương. 

Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2018 khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự quan tâm, vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết về một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phân công cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới.

Công tác bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả khả quan. Các mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới đang làm tốt hoạt động tăng cường kiến thức, kỹ năng tự vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ kịp thời các nạn nhân của bạo lực.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Nguyễn Ngọc Thiện nói rõ: “Theo thống kê, tại Việt Nam, BLGĐ làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm.

Các nghiên cứu về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một trong 3 hình thức BLGĐ. Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ…”.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh