Đề xuất bổ sung quy định bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam

07:11, 27/11/2018

Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã cùng đại diện 15 tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam vừa đề xuất bổ sung một số quy định để bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.

 

 

Giải cứu 1 cá thể gấu chó 15 tuổi bị nuôi nhốt tại Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Giải cứu 1 cá thể gấu chó 15 tuổi bị nuôi nhốt tại Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã cùng đại diện 15 tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam vừa đề xuất bổ sung một số quy định để bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Ngày 27/11, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thái cho biết các tổ chức này lo ngại mất đa dạng sinh học, trong đó có nguyên nhân chính từ hoạt động bẫy, bắt, săn bắn bất hợp pháp trong các khu rừng ở Việt Nam. 

Các giám sát bằng bẫy ảnh và điều tra ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn 5 năm gần đây cho thấy quần thể động vật hoang dã suy giảm rất lớn. 

Nhiều loài động vật hoang dã như Hổ, Sao la, Báo gấm, Cầy mực, Tê tê vàng không còn ghi nhận từ điều tra thực địa và có thể mất đi mãi mãi.

Quá trình tuần tra bảo vệ cho thấy, lượng bẫy bắt trái phép động vật hoang dã còn phổ biến ở hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, các loài động vật hoang dã di chuyển chậm như loài rùa ở Việt Nam đang bị khai thác quá mức bởi nguyên nhân chính do săn bắt khi người dân vào rừng khai thác các lâm sản ngoài gỗ.

16 tổ chức cho rằng cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vào rừng và lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 157/2013/NĐ-CP về bảo vệ động vật hoang dã vì hành vi này luôn đi kèm việc chặt cây, lấy gỗ và săn bắt động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, các khu rừng đặc dụng nên xây dựng phương án cho phép khai thác có kiểm soát một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Kết quả tuần tra bảo vệ của Đội Bảo vệ rừng chuyên trách Vườn Quốc Gia Pù Mát cho thấy, thông thường chỉ bắt được người vi phạm khi họ đang mang dụng cụ săn bắt trái phép trên các tuyến đường mòn hoặc tại các lán trại trong rừng, rất ít khi bắt được hành vi đang sử dụng công cụ săn bắt động vật. 

Hành vi mang công cụ thủ công săn bắt động vật hoang dã đã bị phạt tiền trong Nghị định 157/2013/NĐ-CP nhưng vẫn không giữ được động vật hoang dã. 

Nếu không triệt phá được các hoạt động bẫy bắt động vật, Việt Nam sẽ đối diện với việc tuyệt chủng hàng loạt các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong thời gian gần nhất. 

Bởi vậy, cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi mang dụng cụ thủ công vào rừng săn bắt động vật hoang dã tại các khu rừng cấm săn bắt.

Hành vi săn bắt bằng chó đang là vấn nạn lớn cho sự tuyệt chủng của các loài rùa, tê tê và các loài thú khác, còn có nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh cho các loài ngoài tự nhiên, do đó nên bổ sung các quy định xử phạt tăng nặng với các hành vi mang và sử dụng bẫy, dụng cụ săn bắt, chó săn vào khu vực rừng cấm săn bắt với số lượng lớn, góp phần răn đe những người săn bắt chuyên nghiệp trong rừng cấm săn bắt./.

Theo MINH NGUYỆT (TTXVN/VIETNAM+) 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh