Vùng ĐBSCL bước vào mùa nước nổi. Đây cũng là thời điểm, số người bị rắn độc cắn gia tăng, đe dọa đến tính mạng người dân.
Vùng ĐBSCL bước vào mùa nước nổi. Đây cũng là thời điểm, số người bị rắn độc cắn gia tăng, đe dọa đến tính mạng người dân.
Phòng ngừa và điều trị các trường hợp bị rắn độc cắn kịp thời là vấn đề mà người dân vùng ĐBSCL cần quan tâm.
Chiều 1/10, ông Nguyễn Văn Khế, nông dân ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, sau khi đi ra đồng về bất ngờ bị rắn độc cắn và ngã quỵ. Gia đình đã đưa ông đến Khoa cấp cứu rắn độc của Trung tâm Nuôi trồng- Nghiên cứu, chế biến dược liệu thuộc Quân khu 9 (tức trại rắn Đồng Tâm) tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để điều trị. Tại đây, y bác sĩ đã tận tình cứu chữa, tiêm thuốc kháng huyết thanh, khử nộc độc của rắn nên đã cứu được mạng sống.
Tại Khoa Cấp cứu rắn độc của Trại rắn Đồng Tâm hiện đang điều trị nội trú cho hơn 10 bệnh nhân bị rắn độc cắn từ nhiều địa phương vùng ĐBSCL; trong đó có 1 trường hợp là trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong nhà. Sau khi vào điều trị 3-4 ngày, các bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe và xuất viện.
Lãnh đạo Trại rắn Đồng Tâm cho biết, vào mùa nước nổi số ca bị rắn độc cắn tăng từ 20-30% so với thời điểm khác trong năm. Nguyên nhân làm cho nhiều người bị rắn cắn là nước ngập thu hẹp nơi sinh sống, trú ngụ của loài rắn. Do đó, rắn không ở trong hang mà bò vào nhà, trú ngụ tạm vào bụi rậm, đường đi… Khi con người vô ý chạm vào sẽ bị rắn cắn.
Trong 3 tháng qua, khi nước lũ tràn về, cơ sở này đã điều trị hơn 330 ca bị rắn độc cắn. Các địa phương có số ca đến đây điều trị nhiều là : Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp…Tính trong 10 tháng qua, cơ sở này đã chữa trị hơn 1.000 ca bị rắn độc cắn; do cấp cứu kịp thời nên các bệnh nhân đều được cứu sống. Điều đáng nói là các bệnh nhân vào đây chỉ chi trả tiền thuốc cho Trung tâm, còn các chi phí điện, nước... đều được miễn phí. Đội ngũ y, bác sĩ của Khoa cấp cứu rắn độc ở trại rắn Đồng Tâm đều là lính quân y, tận tình chăm sóc bệnh nhân trên tinh thần phục vụ là chính.
Ngoài việc trực tiếp điều trị tại Khoa cấp cứu, các cán bộ, nhân viên của trại rắn Đồng Tâm còn tích cực làm công tác hướng dẫn, tư kỹ thuật, kỹ năng thực hành cấp cứu rắn độc cho các cơ sở y tế và người dân xa gần khi có yêu cầu. Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng- Nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 cho biết, vào mùa lũ như hiện nay, người dân vùng ĐBSCL phải cảnh giác với các loài rắn độc như: rắn Lục đuôi đỏ, và các loại rắn hổ.
Về phía Trung tâm đã chuẩn bị nhân lực, thuốc men sẵn sàng để phục vụ bệnh nhân 24/24: “Đến mùa nước nổi số lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn gia tăng. Để phòng trị, nhất là về con người đảm bảo phục vụ tốt, cơ số thuốc cũng như chế độ trực đêm đảm bảo 24/24 sẵn sàng nhận các ca nặng từ các cơ sở y tế chuyển đến. Trong quá trình điều trị các bệnh nhân bị rắn độc cắn mà đến đây thì được điều trị khỏi ra viện, chưa có ca nào bị thất bại khi điều trị”.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện ở vùng ĐBSCL đều có khả năng điều trị rắn độc cắn. Riêng trại rắn Đồng Tâm thuộc Cục Hậu Cần Quân Khu 9, có địa chỉ tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là nơi chuyên trị các loài rắn độc cắn từ nhiều năm nay với đội ngũ y, bác sĩ sẵn sàng phục vụ bệnh nhân bất kể ngày đêm. Bác sĩ Vũ Ngọc Lương khuyến cáo, mọi người dân vùng ĐBSCL cần đề cao cảnh giác với loài vật này; cần áp dụng các biện pháp xua đuổi, phòng ngừa, không để tiếp xúc với rắn độc. Các trường hợp không may bị rắn cắn phải đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, chữa trị kịp thời./.
Theo Nhật Trường/VOV – ĐBSCL
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin