Cồn Giông (xã Tân Hội) là "điểm nóng" sạt lở của TP Vĩnh Long. Vừa qua, UBND thành phố vừa có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình gia cố những đoạn sạt lở tuyến đường đan đê bao Cồn Giông- (đoạn từ kè rọ đá đến giáp nhà ông Chí Trường).
Một điểm trước nhà ông Chiến đã được gia cố các mùa trước nhưng vừa lở tiếp, khoét hàm ếch sâu vào bờ. |
Cồn Giông (xã Tân Hội) là “điểm nóng” sạt lở của TP Vĩnh Long. Vừa qua, UBND thành phố vừa có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình gia cố những đoạn sạt lở tuyến đường đan đê bao Cồn Giông- (đoạn từ kè rọ đá đến giáp nhà ông Chí Trường).
Hiện người dân nơi đây rất mong công trình sớm được thi công để thoát khỏi nỗi lo sạt lở, đặc biệt vào mùa mưa bão.
15 năm nuôi cá tra ở cồn Giông, chị Ngô Thị Bé Chính (ấp Tân Thạnh) lo lắng nói: Khu này rộng khoảng 1,4ha, sản lượng khoảng 500 tấn/năm, kinh phí đầu tư rất lớn nên hễ tới nước rong, mưa dầm, gió chướng là lo lở.
Bởi đất ở đây là đất pha cát nên thường chỉ 1- 2 cơn mưa đầu mùa là xuất hiện chỗ bị “giựt chân”, khoét hàm ếch liền, đường đan bị nghiêng luôn. Chị Ngô Thị Bé Chính cho biết thêm, “đoạn nào lở quá thì tôi tự gia cố tạm bằng tràm, tre, bao đất… nhưng vẫn phập phồng lắm, mong sao sớm được làm kè để yên tâm làm ăn, sinh sống”.
Chỉ chúng tôi những “đọt” cừ tràm tấn mé còn nhô lên mặt nước nhưng cách khá xa bờ, ông Nguyễn Văn Mới- Phó Trưởng ấp Tân Thạnh- rầu rầu: “Đó, đoạn này đã được gia cố hồi mấy mùa trước nhưng bị lở tiếp nên chỉ còn “cái trớn” ngoài kia thôi”. Ông Nguyễn Văn Mới cho biết thêm, tuyến đê bao cồn Giông dài khoảng 800m qua 2 ấp Tân Thạnh và Mỹ Thuận của xã Tân Hội.
Trong đó, đoạn qua ấp Tân Thạnh thường xuyên bị sạt lở nên hàng năm đều “đổ” hàng trăm triệu đồng để gia cố. “Từ đầu năm đến giờ, trừ đoạn 120m đã được đóng cọc bê tông, thả rọ đá… hết khoảng 800 triệu đồng vào năm 2017 là “yên ổn”, các đoạn còn lại xuất hiện vết lở chi chít.
Đoạn nặng nhất kéo dài khoảng 300m trước nhà ông Chiến, có chỗ khoét hàm ếch vô tới nửa đường đan nên rất nguy hiểm. Gia cố tạm bằng cừ tràm mùa trước thì mùa sau là lở tiếp nên cần gia cố bằng bê tông kiên cố hóa”- ông Nguyễn Văn Mới chia sẻ.
Một đoạn bê tông hóa gia cố năm 2017 nên hiện không bị sạt lở. |
Theo ông Đỗ Tiệp- Chủ tịch UBND xã Tân Hội, từ nhiều nguồn kinh phí của Nhà nước và nhân dân, địa phương đã thực hiện bê tông hóa một số tuyến đường trọng điểm, cũng như các tuyến đê bao của xã. Hệ thống giao thông, thủy lợi những năm gần đây được đầu tư, kết hợp với giao thông nông thôn đã tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay tuyến đê bao cồn Giông kết hợp giao thông nông thôn thuộc ấp Tân Thạnh ven sông Tiền có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, cụ thể như đoạn từ nhà ông Chiến đến nhà ông Chí Trường dài khoảng 300m đã bị sạt lở, không đảm bảo an toàn, có nguy cơ vỡ đê, sụp đường đan hở hàm ếch ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực.
Nếu không gia cố kịp sẽ ảnh hưởng đoạn này có khoảng 100 hộ dân, nuôi trồng thủy sản và trên 25ha diện tích vườn cây ăn trái. Do tình hình cấp bách nêu trên, UBND xã Tân Hội đã trình đến UBND TP Vĩnh Long xem xét khảo sát cho chủ trương gia cố đoạn nói trên.
Từ thực trạng trên, UBND TP Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Gia cố những đoạn sạt lở tuyến đường đan đê bao cồn Giông xã Tân Hội- TP Vĩnh Long (đoạn từ kè rọ đá đến giáp nhà ông Chí Trường xã Tân Hội).
Dự án có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng từ nguồn kết dư ngân sách TP Vĩnh Long (nguồn thu tiền sử dụng đất), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Vĩnh Long làm chủ đầu tư. Theo Ban Quản lý dự án thành phố, dự kiến đóng và mở thầu dự án vào đầu tháng 10/2018.
Ông Đỗ Tiệp cho biết, nhân dân cồn Giông đề nghị sớm triển khai thực hiện gia cố tuyến đê bao để yên tâm làm ăn, sinh sống. Mặt khác, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phân khu Khu sinh thái Cồn Giông và nhà vườn kết hợp nuôi trồng thủy sản xã Tân Hội.
Định hướng phát triển khu chức năng du lịch sinh thái theo hướng người dân tự khai thác theo quy hoạch, nuôi trồng thủy sản và nhà vườn. Những hạng mục ưu tiên đầu tư: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng những trục đường bộ chính, bến tàu… gắn nối các khu chức năng với nhau, thuận tiện giao thông cả thủy lẫn bộ, tạo điều kiện cho người dân, nhà đầu tư tự khai thác có hiệu quả.
Do đó, gia cố những đoạn sạt lở tuyến đường đan đê bao cồn Giông nhằm bảo vệ ao nuôi cá, vườn cây ăn trái, đảm bảo an toàn tính mạng người dân vào mùa mưa lũ, đồng thời tạo vẻ mỹ quan, tạo thuận lợi thu hút đầu tư nên rất cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Mới- Phó Trưởng ấp Tân Thạnh Ở Cồn Giông này bà con chăn nuôi thủy sản và trồng cây ăn trái nhưng đất ở đây là đất không chân, lại hứng “giọt nước” từ đầu nguồn đổ về… nên lở thường xuyên. Hàng ngày, anh em chạy đò thường xuyên quan sát, kiểm tra các điểm xung yếu hay sạt lở; anh em trong ấp thường xuyên kiểm tra cống bộng để kịp thời gia cố.
Tuy nhiên, hàng năm, từ khoảng tháng 5- 6 âl tới mùa bão lũ là ăn ngủ không yên. Điện thoại phải “trực chiến”, đêm hôm khuya khoắt mà có người điện báo nước tràn bờ bao là chạy xuống liền, tùy theo tình hình mà huy động lực lượng xử lý, khắc phục kịp thời. Cho nên, mong được làm kè kiên cố đoạn lở nặng này để… bớt khổ. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin