Chọn học nghề để xuất khẩu lao động

02:10, 09/10/2018

Những năm gần đây, ngoài việc liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo đầu ra cho sinh viên, một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên thông qua kênh xuất khẩu lao động (XKLĐ). 

Những năm gần đây, ngoài việc liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo đầu ra cho sinh viên, một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên thông qua kênh xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Nhờ vậy số lượng sinh viên sau khi ra trường tham gia vào thị trường XKLĐ tăng dần qua các năm. Nhiều em còn tính kế lâu dài khi chọn lựa xét tuyển ở các trường ĐH, CĐ, với những ngành nghề dễ tham gia XKLĐ, để có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.

Tiết thực hành của sinh viên lớp hàn tiện Trường CĐ Nghề số 9.
Tiết thực hành của sinh viên lớp hàn tiện Trường CĐ Nghề số 9.

Học nghề để tham gia XKLĐ

Tại Trường CĐ Nghề số 9, tiếng gõ keng keng, tiếng “xẹt xẹt” của lửa đã tạo thành âm thanh đặc trưng của lớp thực hành cơ khí chế tạo- hàn. Các học viên được trang bị dụng cụ bảo hộ LĐ, đang thực hành hàn theo hướng dẫn của giáo viên.

Em Trần Thanh Hùng (23 tuổi, TX Bình Minh) cho biết: “Nghề thợ hàn và cơ khí có nhu cầu tuyển dụng cao và nhiều cơ hội đi XKLĐ. Khi học xong CĐ, em sẽ đăng ký đi XKLĐ Nhật”. Còn em Lê Văn Cường (18 tuổi, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) thì hào hứng: “Tụi em sẽ được học về hàn cơ bản, học gò, tiện, nguội, hàn công nghệ cao,…

Các thầy cho biết, nghề này “hot” ra trường có thể tìm được việc trong nước, đặc biệt XKLĐ lương cao lắm. Em quyết tâm đi XKLĐ nên em sẽ đăng ký học thêm tiếng Nhật nữa”.

Đang theo học lớp Điện Công nghiệp tại Trường CĐ Nghề số 9 và cũng quyết tâm được đi XKLĐ, em Huỳnh Hữu Dung tự tin: “Đi làm việc ở Nhật ngoài mức lương hấp dẫn em còn học hỏi kiến thức, nâng cao tay nghề. Là bộ đội xuất ngũ nên em tin mình sẽ rèn được kỷ luật, tác phong công nghiệp để đi XKLĐ”.

Hiện nay, những ngành nghề thuộc nhóm kỹ thuật như: hàn, tiện, cơ khí, điện công nghiệp, công nghệ ô tô... thường dễ dàng tham gia xuất khẩu ở các thị trường nước ngoài, nhất là Nhật Bản, với mức lương cao gấp 2 đến 3 lần thu nhập trong nước với cùng ngành nghề, trình độ.

Bên cạnh đó, thời gian đào tạo cũng có nhiều cấp bậc từ trung cấp, CĐ, ĐH, LĐ có thể lựa chọn ngành nghề, thời gian học phù hợp, với điều kiện kinh tế và năng lực của mình.

Liên kết đào tạo cho XKLĐ

Nắm bắt nhu cầu XKLĐ tăng cao, hiện nay nhiều trường tại địa phương liên kết với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín giúp cho sinh viên có cơ hội tìm hiểu về thị trường LĐ, mức chi phí, nguồn vốn vay… để khi tham gia LĐ ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn.

Theo ông Huỳnh Minh Hiệp- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long, trường hiện đang đào tạo những nghề có nhu cầu XKLĐ cao như công nghệ ô tô, lắp ráp sửa chữa máy tính; tiện; bào,… Trường liên kết với Công ty Esuhai- một trong những doanh nghiệp uy tín về XKLĐ, đã đặt văn phòng tại trường để có thể tư vấn giúp cho sinh viên hiểu thêm về công tác, thị trường XKLĐ.

Trước nhu cầu XKLĐ đi Nhật tăng cao, vào cuối tháng 10/2016, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Công ty Esuhai đã tiến hành ký kết thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tiếng Nhật và tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp đi làm việc tại Nhật Bản. 

Định kỳ mỗi năm, Esuhai đều có tổ chức các hội thảo tư vấn, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản mà công ty đang triển khai.

Với những vị trí, mức thu nhập và điều kiện tuyển dụng cụ thể, sau khi được tư vấn, các bạn trẻ có thời gian chuẩn bị cũng như nắm bắt cơ hội việc làm có chất lượng, và có triển vọng phát triển tốt trong tương lai. Nhờ sự gắn kết thiết thực này mà số lượng sinh viên tham gia hợp tác XKLĐ ở nhóm ngành kỹ thuật ngày càng tăng.

Làm việc trong môi trường công nghiệp với đồng lương hấp dẫn, thị trường Nhật Bản là nơi mà nhiều sinh viên hướng tới.

Là con gái lớn trong một gia đình có 3 chị em, cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của ba từ công việc lái xe cuốc, nên sau khi đậu vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Bùi Thị Mỹ Tiến (sinh viên ngành công nghệ ô tô) ấp ủ ý định đi XKLĐ ở Nhật sau khi tốt nghiệp, để tích lũy số vốn gửi về đỡ đần cho gia đình.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng là quốc gia có ngành công nghệ ô tô phát triển cao, đây sẽ là cơ hội rất tốt để em học hỏi, rèn luyện kỹ năng tay nghề của mình, đến khi về nước em có thể tìm được một công việc tốt, với thu nhập ổn định.

Bùi Thị Mỹ Tiến (người đeo kính, sinh viên ngành công nghệ ô tô ĐH Sư phạm kỹ thuật) ấp ủ ý định đi xuất khẩu lao động ở Nhật sau khi tốt nghiệp.
Bùi Thị Mỹ Tiến (người đeo kính, sinh viên ngành công nghệ ô tô ĐH Sư phạm kỹ thuật) ấp ủ ý định đi xuất khẩu lao động ở Nhật sau khi tốt nghiệp.

Hiện tại, Mỹ Tiến đang nỗ lực học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời, em đã đăng ký học tiếng Nhật vào mỗi buổi tối để trang bị vốn liếng về ngoại ngữ làm hành trang cho bản thân khi tham gia XKLĐ sau này.

Dự báo, nhu cầu LĐ có chuyên môn cao tại nhiều nước trong thời gian tới là rất lớn. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp phải có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường XKLĐ.

Bởi, đây không chỉ là kênh việc làm hấp dẫn, mà thông qua đó LĐ còn có cơ hội nâng cao bản lĩnh, tác phong làm việc. Sau khi trở về nước họ sẽ là nguồn LĐ có kỹ thuật cao, là nhân tố tích cực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, các sinh viên đi XKLĐ theo chương trình kỹ sư sẽ được ký hợp đồng trực tiếp với công ty tiếp nhận LĐ. Đồng thời, được hưởng chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội giống như người bản xứ. Lương LĐ có trình độ kỹ thuật mức lương bình quân trên 40 triệu đồng/ tháng; hợp đồng LĐ thường 5 năm nhưng nếu các em làm tốt, khả năng tiếng Nhật giỏi thì có thể ký tiếp hợp đồng làm việc dài hạn hơn.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh