Chỉ cần làm việc tại nhà, mỗi ngày làm việc ít nhất 2 giờ và có thể kiếm từ 3- 6 triệu đồng/tháng tùy năng lực. Tuy nhiên, phía sau công việc tưởng chừng hấp dẫn, dễ kiếm tiền này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác…
Nữ nhân viên của Công ty TNHH V.T.T. Việt Nam đang tư vấn và làm hợp đồng hợp tác giữa công ty này với cộng tác viên. |
Nhắm vào tâm lý của những người đang cần tìm việc làm thêm như: sinh viên, nội trợ, nhân viên văn phòng,… các mô tả đăng tuyển cộng tác viên (CTV) “đánh máy nhập liệu” đều có nội dung hấp dẫn như: Chỉ cần làm việc tại nhà, mỗi ngày làm việc ít nhất 2 giờ và có thể kiếm từ 3- 6 triệu đồng/tháng tùy năng lực. Tuy nhiên, phía sau công việc tưởng chừng hấp dẫn, dễ kiếm tiền này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác…
Thu nhập “hấp dẫn” qua mô tả tuyển dụng
Thời gian gần đây, nhiều người có nhu cầu tìm việc làm thông qua những trang web việc làm đã nhận những mẫu email tuyển dụng với nội dung “Tuyển CTV đánh máy, nhập liệu làm việc tại nhà 4- 6 triệu/tháng”.
Nội dung công việc này được mô tả ngắn gọn là gõ ký tự bảo mật hệ thống tài chính cho ngân hàng, các công ty bảo mật trên mạng. Ngoài ra, nội dung thông tin việc làm này còn cho biết, do đặc thù của công việc, công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa (tại nhà, trường học hoặc cơ quan mà ứng viên đang công tác).
Về tiêu chuẩn tham gia cũng rất đơn giản, ứng viên chỉ cần có máy tính hoặc laptop kết nối Internet, biết sử dụng máy tính cơ bản, nhập dữ liệu chính xác, phân biệt rõ chữ hoa và chữ thường làm việc tối thiểu 2h/ngày đều có thể tham gia.
Mặt khác, nhắm đúng vào tâm lý của người đang cần tìm việc, các mẫu quảng cáo tìm CTV “đánh máy nhập liệu” này đều có nội dung ưu tiên cho sinh viên, nhân viên văn phòng, nội trợ, những người thất nghiệp và những người yêu thích đánh máy nhập liệu và đặc biệt hơn là muốn kiếm thêm thu nhập.
Đơn cử, nội dung tuyển dụng của Công ty TNHH V.T.T. Việt Nam (trụ sở tại đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) như sau: “CTV tham gia sẽ được trả lương cao cùng với các chế độ khác. Thu nhập sẽ vào khoảng 3- 6 triệu đồng/tháng, tùy năng lực và “tốc độ đánh máy càng nhanh, lương càng cao”. Lương sẽ được chuyển khoản qua ATM, 1 tuần trả lương 1 lần.
Tưởng rằng từ công việc đơn giản này sẽ dễ dàng kiếm được tiền triệu mỗi tháng như nội dung tuyển dụng mà công ty đã vẽ ra. Tuy nhiên, khi tham khảo vấn đề này với một số người đã từng trót “nuốt quả đắng” vì làm “CTV đánh máy nhập liệu”, họ đều lắc đầu cho biết, thực tế công việc sẽ rất khác so với những gì mà các công ty này nêu ra trong thông báo tuyển dụng.
Ngoài ra, rất ít người có thể “trụ” được hơn 1 tháng với công việc này nên đành “bỏ của chạy lấy người” sau khi ký hợp đồng với công ty.
Thu tiền người xin việc để duy trì phần mềm?
Vào vai người có nhu cầu tìm việc, tôi đến trụ sở của Công ty TNHH V.T.T. Việt Nam. Dù đã gần trưa, nhưng khi chúng tôi đến, vẫn có khoảng 5 người đang ngồi đợi ở bên ngoài để chờ đến lượt vào gặp nhân viên tư vấn tham gia công việc. Những người đến xin việc đều là nhân viên văn phòng, sinh viên,…
Chờ đợi khoảng 10 phút, chúng tôi được nhân viên công ty mời vào trong một gian phòng nhỏ chưa đến 15m2. Tại đây có khoảng 4 nhân viên đang tư vấn cho các ứng viên về công việc. Một nữ nhân viên của công ty cho biết, công việc này là gõ captcha về bảo mật, an toàn cho các công ty về mạng và ngân hàng.
Công việc này sẽ không có lương cứng, khi tham gia làm việc với công ty, CTV sẽ được đăng ký tài khoản và gửi một bản phần mềm để tải xuống. “Mức lương công ty quy định là nếu nhập đúng 1.000 mã captcha sẽ được trả 15.000- 17.000đ dựa trên kết quả làm việc”- nữ nhân viên này cho biết.
Còn theo hợp đồng mà công ty này đưa ra, mỗi tuần CTV phải đạt được 8.000 mã đúng. Mức lương cũng được chi trả vào ngày 5 tây hàng tháng (không phải thanh toán mỗi tuần như công ty đã đăng tuyển). Ngoài ra, lương cũng chỉ được thanh toán khi số mã CTV nhập đúng có giá trị trên 300.000đ (tương ứng với 20.000đ mã đúng).
Với quy định mỗi tuần CTV phải nhập được 8.000 mã đúng (được 120.000đ thì 1 tháng với 32.000 mã đúng, CTV chỉ được 480.000đ, chứ không phải 3- 6 triệu đồng/tháng như công ty đã đưa ra qua các mô tả tuyển dụng.
Một điều khoản oái oăm khó hiểu trong hợp đồng đó là: “Người lao động hoàn tất phí hỗ trợ và duy trì phần mềm làm việc cho công ty vào thời điểm ký kết hợp đồng với 360.000đ.
Trong 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng, tổng tiền công mà CTV đạt được gấp 10 lần số tiền này (tức đạt 3,6 triệu đồng) thì công ty sẽ hỗ trợ hoàn trả lại số tiền. Còn lại tất cả những hành động chấm dứt hợp đồng không đúng quy định sẽ không được bồi hoàn”.
Tuy vậy, nhiều người cứ nghĩ mọi việc quá đơn giản và rõ ràng, chỉ cần chuyên tâm, chăm chỉ là được nên đã không ngần ngại chấp nhận bỏ tiền làm hợp đồng hợp tác với công ty.
Về phần chúng tôi, sau khi đồng ý làm hợp đồng đã phải đóng 360.000đ. Tuy nhiên, sau khi thu tiền từ tay chúng tôi, nữ nhân viên của công ty này đã giao bản hợp đồng lao động và một tờ phiếu thu không dấu đỏ, không ghi tên đơn vị, địa chỉ và số tiền đã thu.
Gần 10 phút làm việc và ký hợp đồng, chúng tôi được hướng dẫn sơ bộ sử dụng phần mềm. Trái với mô tả công việc đơn giản qua mô tả tuyển dụng, việc sử dụng phần mềm cũng tương đối phức tạp, việc gõ chữ cũng không chỉ đơn thuần là các chữ đơn giản để gõ nhanh và kiếm tiền.
Đánh máy kiếm tiền triệu: “Công việc bất khả thi”
Theo hướng dẫn của nhân viên công ty, hiện có khoảng 6 trường hợp mà những CTV khi tham gia gõ chữ phải chú ý. Đó là các mã chữ, hình ảnh (nhìn thấy màu gì, gõ chữ tiếng Anh màu đó), chữ số, câu hỏi toán học.
Mỗi mã sau khi xuất hiện khoảng 15 giây và nếu nhập sai liên tiếp nhiều lần thì sẽ bị khóa tài khoản. Trường hợp bị khóa phải liên hệ với bộ phận kỹ thuật để tạo mới và làm lại nên khiến nhiều người cảm thấy bị ức chế.
Trò chuyện với chúng tôi, chị T. (Quận 10- TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị và một người bạn từng đến Công ty TNHH V.T.T. Việt Nam để ứng tuyển. “Mình và một chị bạn vào trước. Vào thời điểm đó có khoảng 4 người đang đợi.
Khi mình ngồi đợi ở ngoài thì nghe có đóng 360.000đ để duy trì phần mềm. Mình lỡ lên đến rồi nên nghĩ sẽ vào đó theo dõi thông tin và dặn lòng là nếu bị bắt đóng tiền sẽ không đồng ý. Nhưng khi vào đó, nói chuyện một lúc thì mình lại đồng ý đóng tiền”- chị T. chia sẻ.
Sau khi trở về nhà, chị T. mới thử tải phần mềm mà công ty cung cấp và tham gia gõ chữ để kiểm tra. Ngồi nhập khoảng 20 phút được khoảng hơn 200 mã captcha, chị T. vào kiểm tra thử xem được bao nhiêu mã đúng thì lại không đúng mã nào. Chị T. kể tiếp: “Chị bạn mình cũng làm cả ngày mà chỉ vào được vài mã đúng.
Mà 1.000 mã đúng chỉ được 15.000đ. Bên ấy bảo nếu tiền công đạt 3,6 triệu đồng thì sẽ trả lại số tiền mà tụi mình đã đóng. Làm sao để đạt được con số ấy đây? Do vậy, mình chấp nhận bỏ luôn số tiền đã đóng và không tham gia gõ captcha nữa”.
Trong khi đó, anh P. (huyện Nhà Bè- TP Hồ Chí Minh)- người từng là CTV đánh máy cho biết, ban đầu anh cứ nghĩ mọi việc sẽ đơn giản, nhưng không ngờ có nhiều đoạn mã khó nhập đúng và bị khóa tài khoản thường xuyên.
“Mỗi ngày tôi nhập khoảng hơn 3.000 mã, tuy nhiên sau một tuần, tôi thấy không thể đạt được tiền triệu mỗi tháng mà chỉ kiếm được vài đồng bạc lẻ sau nhiều giờ miệt mài gõ. Do đó, tôi bỏ luôn công việc và cũng chịu cảnh mất số tiền đã đóng”- anh P. trình bày.
Cũng theo anh P., số tiền mà mỗi cá nhân đóng để “duy trì phần mềm” cho các công ty đánh máy gõ chữ vào khoảng từ 200.000- 360.000đ. “Tưởng đây là số tiền không lớn, nhưng mỗi ngày có hàng chục người tham gia. Mỗi tháng có hàng trăm, hàng ngàn người tham gia, họ cũng đóng tiền rồi bỏ cuộc giữa chừng và chấp nhận mất tiền. Như vậy, số tiền thất thoát mà người xin việc chúng tôi bỏ ra là không nhỏ”..
Captcha là hình ảnh chứa một đoạn từ mã, có thể gồm 5 chữ hoặc số liền kề hay một cụm từ nào đó. Nhưng chúng sẽ khá khó thấy do sắp xếp không theo hàng lối, hoặc bị cố tình làm méo mó đi để khó đọc hơn. Captcha giống như một phép thử về mức độ chính xác trong phản hồi, nhằm phân biệt người đang cố gắng truy cập vào một trang web nào đó, là con người hay chỉ là máy tính. Nói cách khác, captcha là phiên bản được nâng cấp từ các bài Test Turing- nhằm xác định “tính con người” của người thực hiện bài kiểm tra đó. Theo nghiên cứu, cơ hội trả lời đúng của chúng ta khi nhập captcha lên tới 80%, trong khi đó nếu là máy tính và không được lập trình đúng cách, cơ hội trả lời đúng chỉ là 0.1% mà thôi. |
Bài, ảnh: HỮU HIỆU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin