Nhờ tiếp cận được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều nông hộ đã từng bước vươn lên làm ăn khấm khá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và địa phương nói chung, tạo bước chuyển biến tích cực về nông nghiệp- nông dân- nông thôn.
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều nông hộ đã từng bước vươn lên làm ăn khấm khá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và địa phương nói chung, tạo bước chuyển biến tích cực về nông nghiệp- nông dân- nông thôn.
Nhờ nhận vốn hỗ trợ kịp thời mà chị Phượng (trái) có điều kiện phát triển sản xuất. |
Nhận vốn làm ăn hiệu quả
Chúng tôi đến Phường 8 (TP Vĩnh Long) nhân lúc Hội ND tỉnh đang giải ngân 300 triệu đồng vốn Quỹ HTND cho 10 hộ nuôi bò.
Là một trong số hộ vay vốn làm ăn khá hiệu quả được vay lại, ông Lê Văn Chánh cho biết, đợt trước ông cũng vay 30 triệu đồng, mua được 1 con bò nái và 1 con bò đực. Qua gần 1 năm nuôi vỗ béo, bán con bò đực được 60 triệu đồng. Sau 3 năm hoàn vốn, vẫn còn lời 1 con bò mẹ và 1 con bê.
Đến ấp Kinh Ngây (xã Hậu Lộc- Tam Bình), chúng tôi như lạc vào rừng thanh long rộng lớn. Trời nắng gắt, nhưng chị Trần Thị Kim Phượng đang cần mẫn chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ. Chị cười tươi: “Từ 4 công nay tui mở rộng lên gấp đôi, vốn đầu tư cũng vài chục triệu đồng/công, nên rất cần tiền để xoay xở. Mới đây, tôi được giải ngân vốn Quỹ HTND (30 triệu đồng/hộ)- số tiền này chủ yếu để đầu tư phân thuốc, phát triển mô hình”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Hậu Lộc- cho biết: Cuối tháng 7/2018, có 13 thành viên của HTX nhận được giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND với tổng số tiền 400 triệu đồng.
Đa số hộ đều có nhu cầu mở rộng diện tích, mua phân thuốc, bóng đèn, dây điện... phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, mỗi năm thanh long cho trái 12 lứa, trung bình 600 kg/lứa (cây từ 1- 3 năm tuổi), lợi nhuận 70 triệu đồng/công/năm, gấp 10 lần trồng lúa, nên mô hình này đang phát triển. Từ 20 thành viên (đầu năm 2017) đến nay đã tăng lên 40 thành viên với tổng diện tích 40ha.
Trong đó, có 1,4ha sản xuất theo chuẩn VietGAP, dự kiến sắp tới HTX sẽ làm thêm mã vạch và logo để tạo thương hiệu riêng và xuất bán sang thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Đông- Chủ tịch Hội ND xã Hậu Lộc- cho biết: Đến nay được giải ngân vốn Quỹ HTND 4 lần. Hầu hết người nhận vốn đều làm ăn hiệu quả và trả đúng hạn. Trong đó, hộ nhận vốn đầu tiên là anh Lưu Vạn Trường, nhờ đó đã nhân rộng diện tích trồng thanh long lên 2ha.
Cùng nhau làm giàu
Là 1 trong 6 hộ ND ở ấp Bình Điền (xã Bình Ninh- Tam Bình) được giải ngân 60 triệu đồng, anh Nguyễn Thái- Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê ấp Bình Điền- cho biết: “Số vốn này tui mua được 5 con dê con (giống Boer) về để đổi giống mới cho đàn dê hiện có. Hiện, đàn dê phát triển tốt, giá bán dê thịt 95.000 đ/kg (mỗi con khoảng 35kg) nên tui “sống khỏe re”.
Ông Lê Hoàng Linh- Chủ tịch Hội ND xã Bình Ninh- cho biết: Cuối năm rồi, sau khi được Huyện hội giải ngân vốn và tổ chức lớp tập huấn, thì tổ hội nghề nghiệp cũng được thành lập. Tổ có 17 thành viên với tổng đàn dê lên đến hơn 500 con.
Mỗi tháng anh em họp tổ để trao đổi thông tin mới mẻ về cách làm hay, kinh nghiệm chăn nuôi, giá cả, chọn con giống tốt, đồng thời nghe tuyên truyền về các chủ trương, chính sách...
“Đa số người được giải ngân nhận vốn Quỹ HTND là những hộ chưa nuôi hoặc nuôi ít và còn thiếu vốn. Nhờ chuyển đổi giống mới và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà trong tổ ai cũng nuôi dê đẹp, có chất lượng và bán được giá hơn. Tiền lời thu được từ chăn nuôi dê cũng vài trăm triệu đồng/năm chứ không ít”- anh Nguyễn Thái cho biết thêm.
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Thái (trái) đã thay đổi giống dê mới để nâng cao chất lượng đàn dê. |
Theo ông Phan Châu Ngọc- Phó Chủ tịch Hội ND huyện Tam Bình: Năm 2012 Quỹ HTND của huyện chỉ có 268 triệu đồng đến nay đã tăng lên hơn 700 triệu đồng. Để quản lý đồng vốn có hiệu quả, Huyện hội đã thành lập Ban quản lý Quỹ HTND để điều hành, thẩm định xã nào xây dựng mô hình thấy có khả thi thì xét giải ngân.
Đồng thời, kết hợp với ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn; kết hợp với hội cơ sở theo sát, đôn đốc anh em làm ăn và tổng kết rút kinh nghiệm. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả mà đời sống hội viên, ND ngày càng khá hơn.
Hiện, nhu cầu ở các xã rất nhiều nhưng với nguồn vốn còn hạn hẹp, nên trước mắt chỉ hỗ trợ cho xã có nhu cầu bức xúc và xem xét mô hình nào khả thi thì “rót về”, trong đó đặc biệt ưu tiên cho xã có lộ trình về đích nông thôn mới.
Trên thực tế, “nguồn vốn Quỹ HTND cũng đã tác động tích cực đến công tác hội và phong trào ND, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và đã xây dựng được nhiều mô hình có hiệu quả”- ông Phan Châu Ngọc nhận định.
Nhiệm kỳ 2013- 2018, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng 11,2 tỷ đồng đạt 151% kế hoạch, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh hiện nay 22,73 tỷ đồng, trong đó Trung ương ủy thác 8,52 tỷ đồng (21 dự án, 336 hộ vay); quỹ cấp tỉnh là 9,1 tỷ đồng (26 dự án, 386 hộ vay); quỹ cấp huyện 2,54 tỷ đồng; quỹ cấp cơ sở vận động 2,57 tỷ đồng. Nhìn chung các mô hình được đầu tư đạt hiệu quả, kinh tế cao, công tác thẩm định cho vay đúng đối tượng, mục đích sử dụng, giải quyết cho trên 1.400 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. |
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin