TP Vĩnh Long: Nhức nhối tình trạng ô nhiễm môi trường nước

03:09, 26/09/2018

Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị ngày càng bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân. Sống cùng với tình trạng đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường…

 

Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị ngày càng bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân. Sống cùng với tình trạng đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường…

Tình trạng lấn chiếm kinh rạch còn phổ biến làm hạn chế dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.
Tình trạng lấn chiếm kinh rạch còn phổ biến làm hạn chế dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.

Lấn chiếm tràn lan, rác thải tràn sông

Đi dọc “mặt tiền” ở các con đường trên địa bàn TP Vĩnh Long, rất rõ để thấy dáng dấp một đô thị loại II trong tương lai với nhiều con đường mới rộng thênh thang, vỉa hè thông thoáng được xây dựng. Song song đó là những công trình có quy mô lớn đã và đang góp phần tạo dấu ấn riêng cho đô thị trung tâm của tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một chút lo lắng là đằng sau “mặt tiền” đó là rất nhiều con hẻm, kinh rạch đang từng ngày bị ô nhiễm, mà ở đó, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Một trong những nguyên nhân chính là tình trạng lấn chiếm đất công, lấn sông, kinh rạch để xây dựng nhà ở đang từng ngày gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dòng chảy bị thu hẹp và rác thải tràn lan- nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác.

Con rạch Ngã Cạy (ở sau nhà thờ Cầu Vồng đến QL53) thuộc địa bàn Phường 3 dài khoảng 700m, nơi đây đang có nhiều trường hợp lấn chiếm trên tuyến rạch, rác thải “không chỗ nào là không có”. Và dòng chảy này dần bị thu hẹp, rác thải ùn ứ nên ô nhiễm rất nặng.

Trong khi đó, nhiều năm qua, các hộ dân ngụ ở Khóm 4 (Phường 2) và Khóm 1 (Phường 8) luôn trong tình trạng khổ sở vì phải sống chung với con rạch ô nhiễm, hàng ngày chịu mùi hôi thối, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Theo nhiều người dân, nếu như mùa mưa còn “đỡ một chút vì có nước mưa xả phụ” nhưng đến mùa nắng, “mùi hăng hăng, hôi thối bốc lên suốt ngày”.

Con rạch nhỏ cạnh Hẻm 130 (Phường 2) luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, nước đen ngòm, hôi thối.
Con rạch nhỏ cạnh Hẻm 130 (Phường 2) luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, nước đen ngòm, hôi thối.

Bà Tư L. (Khóm 4- Phường 2) cho biết, con rạch này nằm cạnh Hẻm 130 có rất nhiều hộ dân sinh sống, thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước bốc mùi hôi thối rất trầm trọng.

“Có rất nhiều nguyên nhân, như con rạch không được nạo vét, khơi thông. Tuy nhiên, rất dễ thấy là ý thức của người dân không được tốt, rác và nước thải cứ xả thẳng xuống con rạch này. Cùng với nguồn nước ngày càng ô nhiễm, thì các bệnh truyền nhiễm cũng kéo theo, ảnh hưởng lớn nhất là các cháu nhỏ…”- bà L. cho hay.

Tại các chợ truyền thống, mặc dù có thùng rác cũng như các quy định về rác, nước thải nhưng theo quan sát, vẫn còn khá nhiều người, đặc biệt là bà con tiểu thương xả rác, nước thải trực tiếp xuống sông.

Tại các chợ như chợ lớn Vĩnh Long (Phường 1), chợ Phường 4 (chợ Cua), chợ Phường 8, chợ Cầu Lầu,… hầu như nước đã qua sử dụng để thay, rửa cá, thịt hay “dội chợ” đều cho chảy trực tiếp xuống các dòng sông phía dưới.

Tuy chưa có những đánh giá cụ thể về tác hại môi trường nước, tuy nhiên, nguồn nước bị ô nhiễm là chuyện không khỏi tránh. Nhất là mật độ cũng như hàng hóa giao thương ngày càng tăng, song ý thức môi trường chưa được nâng cao và chuyển biến tích cực.

Đó là những con sông lớn vẫn ngày đêm chảy đi kéo theo biết bao rác, nước thải và các chất độc hại. Nhìn gần hơn, là chính những con rạch nhỏ, chảy quanh “như những mạch máu” ở các con hẻm như Lò Rèn (Phường 4), hẻm Lê Thị Hồng Gấm (Phường 2), Hẻm 8, Hẻm 2 (Phường 3), rạch Cá Trê,… luôn trong tình trạng đầy rác, mùi hôi “săng sẳng” đã phần nào đại diện cho những dòng nước đang chết trong lòng TP Vĩnh Long. Mà ở đó, ý thức một bộ phận người dân về bảo vệ môi trường sống, môi trường đất, nước dường như vẫn chỉ là một con số “0” tròn trĩnh.

Để môi trường của đô thị phát triển bền vững

Có thể đánh giá, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu, ý thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao,…

Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường. Trong đó, các quy định về quản lý bảo vệ môi trường nước còn thiếu, cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương chưa đồng bộ, chồng chéo, phân trách nhiệm rõ ràng.

Ông Lâm Hồng Phát- chuyên viên Phòng Tài nguyên- Môi trường TP Vĩnh Long- cho biết: Hiện nay, tình trạng lấn chiếm đất công, kinh rạch đã được kịp thời xử lý, tuy nhiên, việc quản lý tái lấn chiếm rất khó khăn.

“Tình trạng lấn chiếm kinh rạch, nhất là ở những con rạch nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Và hiện nay, việc nạo vét vẫn còn gặp khó khăn do kinh phí. Còn ở những con hẻm nhỏ, thật sự không thể đưa cơ giới vào thi công. Đó là chưa kể đến việc, bùn đất sau khi nạo vét xong thì phải xử lý như thế nào. Cái này rất cần phải có đề án để thực hiện đồng bộ, hiệu quả…”- ông Phát chia sẻ.

Còn ông Lê Khắc Trung- chuyên viên Phòng Tài nguyên- Môi trường- cũng chia sẻ về tình trạng ô nhiễm nước hiện nay ở thành phố là “nguồn nước ở một số điểm không thể phục vụ cho sinh hoạt, thậm chí không thể dùng để tưới tiêu nông nghiệp…”

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, các trường hợp như xả thải sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình; xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ thì không cần phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về môi trường đất và nước, hiện nay, với các quy định hiện hành cũng như công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ như cơ sở có xây dựng hệ thống xử lý thải theo quy định, đến khi xả nước thì đạt chuẩn, nhưng “do kinh rạch ùn ứ thì chỉ sau 2- 3 ngày, nguồn nước này cũng trở nên ô nhiễm nặng”, hay “có nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước không thể nào kiểm soát được hệ thống xử lý nước thải còn hoạt động, hoạt động cầm chừng hay hoạt động nhưng không có hiệu quả…”, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đất và nước đô thị…

Trong khi đó, theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay, đa số các đô thị vẫn chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực. Đồng thời chưa có quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường nước…

ThS. Trần Thanh Thảo- Trưởng Khoa Kỹ thuật hạ tầng đô thị (ĐH Xây dựng Miền Tây)- cho biết: Hệ thống thoát nước, bao gồm cống và kinh rạch ở thành phố hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường đất và nước đô thị, ThS. Trần Thanh Thảo cho biết, ở các thành phố lớn, nhất là ở các quốc gia tiên tiến nhất thiết phải có một hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là đối với chất thải rắn, để khi thải ra môi trường, nguồn nước này đã đồng bộ đảm bảo yếu tố sạch.

“Hệ thống xử lý nước thải này phải phục vụ cho cộng đồng, sản xuất. Đồng thời công tác tuyên truyền cũng rất cần thiết, để đi đến mục đích cuối cùng là bảo vệ môi trường và sức khỏe của mỗi người dân”- ThS. Trần Thanh Thảo cho biết.

Ông Lê Khắc Trung- chuyên viên Phòng Tài nguyên- Môi trường TP Vĩnh Long- chia sẻ: Ngoài những khó khăn trong việc quản lý tài nguyên nước- môi trường thì hiện nay, trong lĩnh vực chăn nuôi, cũng chưa có quy định cụ thể để quản lý, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ môi trường…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh