Bất chấp mọi lời cảnh báo, mỗi năm người Việt Nam tiêu tốn trên 31.000 tỷ đồng mua thuốc lá và hiện là 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Vô tư hút thuốc lá trong bệnh viện. |
Bất chấp mọi lời cảnh báo, mỗi năm người Việt Nam tiêu tốn trên 31.000 tỷ đồng mua thuốc lá và hiện là 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Vào các quán cà phê, nhà hàng, ở nhà,... thậm chí những nơi công cộng có gắn biển cấm hút thuốc lá, chúng ta đều có thể bắt gặp “những làn khói trắng” bay bay... Ai cũng sợ ung thư, đột quỵ, đột tử,… nhưng nhiều người vẫn thờ ơ, phớt lờ khói thuốc lá.
“Làn khói trắng” độc
Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh người cầm điếu thuốc trên tay, phì phèo nhả khói. Dường như người hút thuốc lá không hề quan tâm đến những biển cấm hay những người ngồi xung quanh mình.
Chị Lê Lam Phương (Phường 2- TP Vĩnh Long) cực ghét mùi thuốc lá nhưng rất nhiều lần rơi vào tình cảnh bị hút thuốc lá thụ động. “Như cuối tuần nghỉ làm, dẫn con đi ăn sáng, cà phê coi cá Koi thư giãn.
Vậy mà, chỗ khuôn viên hồ cá có con nít nhiều cũng có 2-3 người vô ý thức hút thuốc lá. Có người cha ngồi kế bên giữ con cho cá ăn cũng hút. Tôi rất giận, nhưng con họ mà họ còn không ý thức cứ hút phà vô mặt con nên tôi đành ẵm con mình tránh xa khói thuốc”.
Trên thực tế, trong gia đình, nếu người chồng, người cha hút thuốc thì gần như vợ con họ phải chung sống với khói thuốc.
Một số người có ý thức bảo vệ vợ con thì chủ động hút thuốc bên ngoài, hạn chế hút trong nhà, nhưng nhìn chung ít nhiều vẫn đem khói thuốc vào trong nhà và vô tình buộc người thân của mình hít phải. Trong cơ quan, kể cả nơi có bảng cấm hút thuốc, một số cán bộ công chức vẫn vô tư “phì phèo”, kể cả khi trong phòng có phụ nữ hoặc đang tiếp khách.
Tại các nơi công cộng, nhiều người vẫn thoải mái hút thuốc, xả tàn bừa bãi. Khi đi trên đường, không ít người vẫn tranh thủ vừa chạy xe vừa hút thuốc, nhất là khi dừng chờ đèn đỏ, rồi tiện tay bỏ đầu thuốc hoặc tàn thuốc xuống đường.
“Không ít nơi công sở tổ chức lớp tập huấn, hội họp dù có biển cấm hút thuốc nhưng trước khi họp hoặc giải lao thì hành lang hay khu vực uống trà thì người nghiện hút vẫn điềm nhiên hút. Đi ngang, hay ngồi trò chuyện chung thì khói thuốc lá bám vào tóc, áo quần khiến chị rất là khó chịu”- chị Thanh Nhân (thị trấn Long Hồ) bức xúc.
Hút thuốc lá thụ động có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư gan, nhiễm khuẩn hô hấp...
Khói thuốc lá được cấu tạo từ hỗn hợp khí, bụi và có chứa khoảng 7.000 chất hóa học. Khói thuốc đã bị cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư IARC thuộc WHO xếp vào các chất gây ung thư hạng 1.
Theo cảnh báo của ngành chuyên môn, khói thuốc lá có thể ảnh hưởng trong phạm vi từ 7-10m, và các chất độc hại bám lại trên bề mặt đồ đạc phải mất đến 6 tháng mới phân hủy hoàn toàn và sẽ ngấm vào cơ thể nếu tiếp xúc qua da cũng như hô hấp.
Hiểu rõ tác hại vẫn hút
Khói thuốc lá rất có hại cho sức khỏe con người dù chỉ là một khối lượng nhỏ. Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí hơn 2 giờ, ngay cả khi không còn nhìn thấy và ngửi thấy thì dư lượng còn lại trong những vật dụng xung quanh trong thời gian dài như quần áo, nội thất, rèm cửa…
Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Do đó, những người thường xuyên sống cạnh hoặc làm việc với những người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu mỗi ngày và điều này gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Không ít người vẫn cứ thờ ơ, chỉ khi nào đứng giữa lằn ranh giữa cái chết và sự sống; phải chiến đấu để giành giật lại sự sống thì mới nhận ra những tác hại khôn lường của khói thuốc lá. Khi còn sức khỏe, thì những hậu quả mà làn khói thuốc lá mang đến gần như đều bị phớt lờ, thậm chí nhiều người ông, người cha, người anh trong gia đình vẫn cứ thản nhiên phì phèo thuốc lá ngay trước mặt con cháu của mình.
Họ thừa biết tác hại của việc làm này là không hề nhỏ, song họ không thể cưỡng lại được cái cảm giác thèm hút. Và như thế thì việc cầm điếu thuốc trên tay và hút ở bất cứ nơi nào, vẫn là thói quen khó lòng thay đổi khi họ vô tư thải độc hại cho người khác.
Đừng bỏ mặc và nghĩ thói quen hút thuốc lá không từ bỏ được. Gia đình, người thân, đồng nghiệp và cả cộng đồng cần động viên những người nghiện thuốc lá hãy từ bỏ thuốc lá ngay lập tức.
Bởi, chẳng ai vì bỏ thuốc mà chết. Song những người hút và đặc biệt là không hút vẫn có thể tổn hại sức khỏe hoặc chết sớm trong môi trường khói thuốc. Do vậy, mỗi người cần kiên quyết hơn trong việc xây dựng một môi trường không khói thuốc để chúng ta có cuộc sống bền lâu.
Theo WHO, mỗi năm có tới 6 triệu người chết do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Trong khói thuốc có khoảng 250 chất có hại cho sức khỏe con người, 70 chất gây ung thư, có 4.000 chất hóa học, trong đó là tác nhân gây tắt nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ, đột tử. Tại Việt Nam, khói thuốc lá chính là nguyên nhân đã giết chết hơn 40.000 người mỗi năm. Điều này có nghĩa là, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những căn bệnh do thuốc lá gây ra, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 người mỗi năm vào năm 2030. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin