Đam mê, sáng tạo, nhưng phải mang lại giá trị thực tiễn, đó là trăn trở và cũng chính là động lực để những cán bộ, công nhân viên chức lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Đam mê, sáng tạo, nhưng phải mang lại giá trị thực tiễn, đó là trăn trở và cũng chính là động lực để những cán bộ, công nhân viên chức lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Dù công tác ở các đơn vị khác nhau, nhưng họ đều hết lòng với nghề nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ để sáng tạo ra những giải pháp, sáng kiến hay góp phần nâng cao hiệu quả công tác, làm lợi cho cơ quan, đơn vị...
“Đừng bao giờ nản lòng khi thất bại”
Câu nói ngắn gọn của anh Lương Minh Triết- kiểm soát viên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin thuộc Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long- khiến người ta nhớ lần gặp anh tại hội nghị điển hình tiên tiến cách đây không lâu, với nét mặt rạng ngời phấn khởi chia sẻ những “trái ngọt” bản thân gặt hái được thời gian qua.
Anh Lương Minh Triết (đứng) cho rằng: Sáng kiến có ngay trong thực tiễn công việc. |
Anh cho hay: dù là lãnh đạo phòng hay kiểm soát viên, lúc nào anh cũng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu công ty. Bên cạnh, anh luôn sâu sát ghi nhận những khó khăn của đồng nghiệp để có hướng đề xuất kịp thời. Đặc biệt, là luôn nghiên cứu, tìm ra những giải pháp mang lại hiệu quả...
Kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể phòng ngày càng được đánh giá cao, riêng anh nhận được Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của UBND tỉnh... “Có được thành quả trên phải kể đến sự hợp sức của đồng nghiệp, ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo công ty”- anh khiêm tốn nói.
Để có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực như thế, anh cho biết: Nếu mình biết quan sát, chịu khó ghi chép thì sẽ có ý tưởng tốt. Từ ý tưởng đó liên hệ thực tế công việc để hình thành sáng kiến... Sáng kiến có ngay trong thực tiễn công việc, cuộc sống.
Như trong một lần đi Siêu thị Co.op Mart Vĩnh Long, thấy nhân viên quét mã vạch tiền bán hàng nhanh quá, anh liền nảy sinh ý tưởng ứng dụng mã vạch vào quản lý đơn, công nợ tiền nước. Còn vài năm trước đây, thấy khách hàng sử dụng nước tăng, việc ghi chỉ số đồng hồ, nhập liệu hàng tháng mất nhiều thời gian lại sai số nhiều- trong khi thị trường lúc đó có vài nhà cung cấp giải pháp ghi chữ số bằng các thiết bị ghi đồng hồ nước chuyên dụng song chi phí quá cao- vậy là anh quyết định tự nghiên cứu viết phần mềm ứng dụng “ghi chữ số”...
“Mỗi người cần phải tích cực học tập văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và dùng thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu, cập nhật kiến thức thay cho những việc vô bổ khác. Bên cạnh đó, đừng ngại ghi chép lại những ý tưởng nảy sinh bất chợt, mạnh dạn trao đổi ý tưởng của mình để được góp ý, hỗ trợ. Và hơn hết là đừng bao giờ nản lòng khi thất bại”- anh chia sẻ kinh nghiệm.
Yêu nghề sẽ có sáng kiến hay
Được mệnh danh là “cây sáng kiến” vì chỉ vài năm gần đây thôi mà anh Nguyễn Thanh Sang- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh đã tham gia 7 đề tài khoa học và có 6 giải pháp sáng kiến hiệu quả.
Anh Nguyễn Thanh Sang rất vui vì sáng kiến của mình đem lại lợi ích thiết thực cho đơn vị và xã hội. |
Anh cho biết: Nhiệm vụ được giao phù hợp với chuyên ngành đào tạo nên anh có cơ hội để thể hiện năng lực. Hơn nữa anh rất “mê” tìm tòi ra những cái hay, cái mới để nâng cao hiệu quả trong công việc.
Thế nhưng theo anh, đâu phải sáng kiến nào cũng dễ thực hiện, bởi đó là cả quá trình mà đòi hỏi bản thân phải thật sự yêu nghề và “không chịu thua cuộc”. Nhiều khi anh phải mất ăn, mất ngủ vì mỗi phần mềm có tới hàng ngàn chục ngàn mã lệnh. Thêm nữa hoàn thành xong phải “chạy thử”, nếu bị lỗi phải làm lại từ đầu. “Càng khó thực hiện thì tôi càng hứng thú vì được thử thách năng lực bản thân”- anh tự tin nói.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu của anh là “Phần mềm quản lý công tác lưu giữ nhiệm vụ khoa học và công nghệ”. Giải pháp góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, giảm thiểu các chi phí phát sinh trong quá trình xử lý công việc, giảm thiểu thời gian trong quá trình quản lý... Giải pháp này, còn giúp đơn vị tiết kiệm được trên 50 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, theo anh thì trong số những giải pháp sáng kiến của mình, anh ấn tượng nhất chính là phần mềm “Tạo đề thi trắc nghiệm ABCD” và hiện đang được sử dụng để tạo đề thi cho hội thi Tin học trẻ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, phần mềm cũng được đăng tải trên Internet và có trên 95.000 lượt tải về sử dụng...
Với anh, giờ đây mỗi sáng kiến thành công lại tạo thêm động lực để anh bước tiếp trên hành trình sáng tạo. “Tôi rất vui vì mỗi sáng kiến không chỉ là niềm đam mê mà quan trọng hơn nó còn đem lại lợi ích thiết thực cho đơn vị và xã hội...”- anh bày tỏ.
Sáng kiến nâng cao chất lượng dạy và học
Năng nổ, hoạt bát và luôn hết lòng đối với công việc là những tính cách nổi bật mà chúng tôi cảm nhận được khi gặp gỡ, trò chuyện với thầy Đặng Phước Linh- giảng viên Khoa Điện- Điện lạnh Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.
Gần 7 năm công tác tại trường, thầy luôn dành nhiều tâm huyết “vì sự nghiệp trồng người”. Không chỉ vậy, thầy còn xem hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu chế tạo các mô hình phục vụ công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu cho người học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Thầy Đặng Phước Linh (trái) bên mô hình Kho lạnh thu nhỏ. |
Theo thầy Đặng Phước Linh, để phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, yêu cầu đặt ra cho giảng viên là không chỉ có giảng dạy về chuyên môn mà phải gắn với nghiên cứu khoa học và sáng tạo đưa ra các giải pháp kỹ thuật.
Điều này không những giúp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí mua sắm trang thiết bị giảng dạy cho nhà trường...
Chính vì thế mà hầu như năm học nào, thầy cũng có giải pháp sáng kiến. Điển hình có mô hình thực tập trang bị điện, mô hình thực tập máy công cụ điện- điện lạnh...
Trong đó, phải đến mô hình “Kho lạnh thu nhỏ” được chế tạo theo hướng thu gọn của một hệ thống kho lạnh lớn thực tế được ứng dụng ngoài thị trường.
Đây là giải pháp cần thiết vì giúp cho người học dễ hiểu hơn và có thể thực hành ngay sau khi học phần lý thuyết. Và điều quan trọng hơn hết của việc chế tạo mô hình này là nhằm khắc phục những mặt hạn chế của các mô hình kho lạnh hiện đang được sử dụng tại Khoa Điện- Điện lạnh...
Dắt chúng tôi tham quan trực tiếp mô hình, thầy Đặng Phước Linh chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện dù gặp một số khó khăn nhưng với lòng yêu nghề và niềm đam mê nghề nghiệp, bản thân đã nỗ lực hết mình để có những sáng kiến hiệu quả, phục vụ cho việc ứng dụng trong dạy và học.
“Từ khi có hình ảnh trực quan sinh động, các em hứng thú học hơn. Không chỉ vậy, còn tiết kiệm khoảng 850 triệu đồng tiền mua sắm trang thiết bị...”- thầy Đặng Phước Linh phấn khởi cho biết.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin