Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc có 13 người chết, ba người mất tích, nhà dân, trường học, công sở bị lũ tàn phá.
Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc có 13 người chết, ba người mất tích, nhà dân, trường học, công sở bị lũ tàn phá.
Lũ đi qua, ngôi nhà gần như bị bùn đất phủ lấp hoàn toàn. |
Những ngày qua mưa lũ hoành hành khắp các huyện miền Tây Thanh Hóa khiến các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát bị thiệt hại nặng nề chưa từng có.
Mường Lát bị cô lập, gạo dự trữ đã cạn
Ở huyện biên giới Mường Lát, hơn 100 ngôi nhà, trường bán trú, tiểu học… bị vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn trước thềm năm học mới.
Nhiều ngôi trường còn ngập sâu trong bùn đất, thậm chí lũ ngập lên tận nóc nhà. Hàng chục hộ dân ở bản Poọng, xã Tam Chung phải đến sống tạm trong trường học, khu bộ đội chưa bị lũ tàn phá.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết hiện gạo dự trữ của huyện đã cạn, trong khi việc cung ứng gạo cho các hộ dân bị mất nhà cửa, tài sản là cần thiết nhất nhưng do chưa thông tuyến được với các huyện vùng xuôi.
Cũng theo ông Điểm, hiện nay tỉnh lộ 521E lên xã Mường Chanh còn ách tắc do sạt mặt đường tại khu vực xã Quang Chiểu, ngập bùn đất, hư hỏng tràn Na Chừa ở xã Mường Chanh và quốc lộ 15C bị sạt lở hư hỏng nặng, chưa thể khắc phục ngay được, có thể sẽ phải mất thời gian dài. Hiện chính quyền địa phương đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, biên phòng tiếp tục tìm kiếm ba nạn nhân bị mất tích, giúp dân sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống, xử lý bùn, đất, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ.
Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đang huy động lực lượng cùng hàng chục máy xúc, ô tô, các phương tiện cơ giới khác xử lý các điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các huyện miền Tây Thanh Hóa. Riêng tuyến đường 15C Mường Lát bị hư hỏng nặng, theo dự kiến khoảng một tuần tới mới có thể thông tuyến. Hiện lực lượng chức năng đã thông đường đến Km 64+600 thuộc xã Trung Lý.
Một ngôi trường bị phá hủy do mưa lũ gây ra. |
Cuộc sống người dân đảo lộn
Thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 13 người chết, ba người mất tích. Đặc biệt Thanh Hóa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người với chín người chết, ba người mất tích.
Hiện các địa phương tiếp tục cử người đến các khu vực bị ảnh hưởng tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đến nay các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa cơ bản đã thông xe; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa.
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã làm địa phương gánh hậu quả nặng nề, có gần 270 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 150 ngôi nhà bị thiệt hại một phần và hơn 12.000 ngôi nhà ngập trong nước, hàng ngàn hecta lúa và hoa màu hư hỏng… Đặc biệt về giao thông đã khiến năm cây cầu bị đổ, sập, cuốn trôi, 15 quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập, giao thông ách tắc. Đường tuần tra biên giới qua ba huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân bị sạt lở nhiều vị trí.
Một ngôi nhà của đồng bào ở huyện Mường Lát bị trôi sau lũ dữ. Ảnh: P.THÚY |
UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác, huy động hàng chục ngàn người (quân sự, công an, người dân) tham gia trực tiếp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra và chỉ đạo khắc phục hậu quả, tiếp tục khẩn trương tìm kiếm những người còn mất tích.
Sau lũ, cuộc sống của người dân miền Tây xứ Thanh gặp nhiều khó khăn, cuộc sống bị đảo lộn, nhiều gia đình mất tài sản và phải mất một thời gian dài nữa mới có thể khôi phục lại như cũ.
Hiện nay các cơ quan, đoàn thể tiếp tục chung tay giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn, mất mát với người dân vùng cao xứ Thanh sau lũ để cuộc sống người dân sớm đi vào ổn định sau lũ dữ kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018.
Lũ trên các sông Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 3/9, lũ trên sông Bưởi tại Kim Tân trên báo động 2, các sông khác ở Thanh Hóa, Nghệ An xấp xỉ mức báo động 1. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nước sông xấp xỉ mức báo động 2. |
THeo ĐẶNG TRUNG/PLO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin