Người cao tuổi làm kinh tế giỏi: Còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến

08:09, 30/09/2018

Người cao tuổi là nguồn lực quý, là những "thư viện sống" trong nhiều lĩnh vực; luôn có nguyện vọng tiếp tục được làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Điểm nổi bật của những người cao tuổi vẫn lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết của mình.

Người cao tuổi là nguồn lực quý, là những "thư viện sống" trong nhiều lĩnh vực; luôn có nguyện vọng tiếp tục được làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Điểm nổi bật của những người cao tuổi vẫn lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết của mình.

Ông Huỳnh Văn Bé tặng quà cho người nghèo. Ảnh: baodongthap.vn
Ông Huỳnh Văn Bé tặng quà cho người nghèo. Ảnh: baodongthap.vn

Người cao tuổi làm giàu không giới hạn về tuổi tác, có bác trên 80 tuổi, trên 90 tuổi còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, gia đình, bản thân để phát triển kinh tế, đầu tư khá toàn diện trên các lĩnh vực công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ... Nhiều người cao tuổi đã trở thành doanh nhân giàu có, quản lý những doanh nghiệp lớn, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động an sinh xã hội. 


Không ngại tuổi tác, vượt khó vươn lên

Từng làm ăn thua lỗ, là một trong những hộ nghèo ở địa phương, nhưng với tinh thần không ngại tuổi tác, vượt khó vươn lên, ông Huỳnh Văn Bé hiện là chủ Cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ông Bé là một trong những người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ III năm 2018 với nhiều bằng khen của các cấp, ngành, địa phương; nhiều giải thưởng trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Huỳnh Văn Bé cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Tân Phú cũ (nay là thị trấn Thanh Bình), không có điều kiện học nhiều. Cha mẹ là nông dân nghèo, bản thân ông chỉ biết nghề trồng trọt và chăn nuôi. Năm 1998, ông vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư nuôi chim cút đẻ, song do không có kinh nghiệm nên chim bị dịch chết. Kinh doanh thất bại, vợ chồng ông phải bán nhà đất trả nợ và là một trong những hộ nghèo ở địa phương.

Năm 2000, một người chị ở Tây Ninh gọi ông lên và dạy ông nghề làm muối sấy. Sau khi học thành thạo nghề, ông Bé được chị cho mượn dụng cụ làm muối sấy và 500 nghìn đồng làm vốn để mở cơ sở sản xuất muối sấy. Qua học hỏi, nghiên cứu, ông Bé mạnh dạn thay đổi công thức chế biến và áp dụng vào sản xuất. Với công nghệ phơi sấy thủ công, mỗi ngày cơ sở của gia đình ông Bé sản xuất và tiêu thụ 5 - 10kg. Những ngày đầu khởi nghiệp gặp vô vàn gian nan, hàng ngày, vợ con ông phải nhọc nhằn bưng bán từng gói nhỏ dọc theo các ngõ hẻm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó, ngại khổ, số lượng muối sấy của gia đình ông bán ra ngày càng tăng. Sau khi có một số vốn, năm 2006, ông quyết định trở về quê thành lập cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến. Đồng thời, ông mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công máy sấy muối tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm đầu, cơ sở của ông Bé sản xuất và tiêu thụ được 20 tấn, một năm sau, tăng lên 80 tấn... và đến năm 2017 đã đạt trên 1.500 tấn. Đến nay, sản phẩm muối sấy Ngọc Yến có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để phù hợp khẩu vị nhiều đối tượng khách hàng, công thức chế biến 3 vùng miền đều khác nhau. Nhờ vậy mà số lượng tiêu thụ sản phẩm tăng rất nhanh. 5 năm gần đây nhất (2012- 2017) số lượng sản xuất trên 4.000 tấn, doanh thu 160 tỉ đồng. Cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương, mức lương từ 4,2 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, cùng với quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hàng năm.

Đáng chú ý, ông Huỳnh Văn Bé cho biết, bên cạnh chủ trương tuyển dụng lao động nghèo trên 50 tuổi sức khỏe tốt, ông còn tiếp nhận một số thanh niên không có việc làm hay tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá, gây rối trật tự công cộng vào làm việc, không chỉ tạo cho họ có việc làm, thu nhập ổn định, mà còn giáo dục họ trở thành người lương thiện. Đến nay, số thanh niên này trở thành công dân tốt, lao động giỏi.

Bên cạnh đó, cảm nhận nỗi khổ của cảnh bần hàn, nên từ khi thành lập cơ sở sản xuất, ông Bé luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo, nhất là người cao tuổi; xây dựng Quỹ phụng dưỡng người già. Hiện ông đang tài trợ cho hơn 200 người cao tuổi sức khỏe yếu có hoàn cảnh khó khăn, gồm 15kg gạo và muối sấy hoặc tiền, trị giá 200 nghìn đồng/người/tháng. Hàng năm, ông thường xuyên giúp nhiều người nghèo bệnh tật, tai nạn; tặng hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo, hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh con em hộ cận nghèo. 

Nghỉ hưu vẫn quyết tâm khởi nghiệp

Sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Thúy ở Bắc Ninh mới quyết định khởi nghiệp với xuất phát điểm là một giáo viên chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; thiếu khả năng về tài chính, bởi hai vợ chồng đều là nhà giáo nghèo nuôi 3 con nhỏ. Cùng nhiều nỗ lực, cố gắng, hiện bà Thúy là Giám đốc Công ty may Kiến Giang, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với doanh thu hằng năm đạt trên 10 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy cho biết, khi quyết định khởi nghiệp, bà mạnh dạn thế chấp tài sản là một ngôi nhà nhỏ, vay ngân hàng thành lập Hợp tác xã may thêu xuất khẩu Tân Hồng, với mục đích tạo công ăn việc làm cho nhân dân xã Tân Hồng và vùng lân cận. Ban đầu hợp tác xã chỉ có 20 lao động, bà cùng các cháu lặn lội về Thanh Liêm, Nam Hà học nghề may thêu. 

Cuộc hành trình nhỏ bước đầu thành công, sau hai tháng, hợp tác xã đầu tư 20 khung thêu và bắt đầu hoạt động. Từ chỗ lấy lại hàng của các cơ sở, bà Thúy đã ký được hợp đồng giao hàng ổn định, hợp tác xã nhanh chóng phát triển, đội ngũ lao động tăng lên 100 người; xây dựng được khu nhà xưởng mới khang trang, sạch đẹp với diện tích hơn 100 m2. Từ chỗ ký lại hợp đồng với các đơn vị xuất khẩu, hàng thêu ren của hợp tác xã bắt đầu được xuất trực tiếp sang các nước Đông Âu. Sau đó, hợp tác xã chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Kiến Giang.

Trong số 100 công nhân của Công ty hiện nay, có 90% là phụ nữ, 30 người khuyết tật. Công ty luôn chăm lo tốt cho người lao động, đặc biệt là lao động khuyết tật, lao động nghèo, lao động nữ; đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên; đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, có thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng trở lên/người/ tháng. 

Bên cạnh đó, Công ty luôn làm tốt công tác từ thiện xã hội: ủng hộ người dân vùng sâu, vùng xa sản phẩm quần áo rét các loại; ủng hộ các hộ nghèo, người khuyết tật bằng tiền, bằng gạo hàng tháng... 

Bà Thúy chia sẻ: "Tôi nghĩ đơn giản rằng, hạnh phúc nhất của cuộc đời là tuổi cao nhưng vẫn được làm việc, được cống hiến, được làm những việc có ích cho gia đình, cho con cháu, cho cuộc đời. Tôi thấy vui, khỏe, và trân trọng cuộc sống này".

Những năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi đã được đông đảo người cao tuổi hưởng ứng, phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu, thu hút giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tạo sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực, khắp các vùng miền trong cả nước. Người cao tuổi làm giàu cho gia đình, động viên, hỗ trợ con cháu tích cực khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người nghèo ngày càng thiết thực, có hiệu quả.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh