Trẻ thường dễ bị thu hút bởi cảnh vật và quay lại ngắm nhìn chúng, việc buông tay cha mẹ và mải chú ý vào những điều mới lạ có thể khiến trẻ bị lạc. Đây là điều không ai mong muốn, song việc đề phòng luôn rất cần thiết.
Trẻ thường dễ bị thu hút bởi cảnh vật và quay lại ngắm nhìn chúng, việc buông tay cha mẹ và mải chú ý vào những điều mới lạ có thể khiến trẻ bị lạc. Đây là điều không ai mong muốn, song việc đề phòng luôn rất cần thiết.
Các phụ huynh khi đưa con nhỏ đi tắm biển phải thường xuyên theo dõi, không để các em rời khỏi tầm quan sát. |
Dễ lạc con chốn đông người
Trên các bãi biển, siêu thị, khu vui chơi giải trí hay những nơi đông người… chúng ta vẫn thường bắt gặp nhiều trường hợp trẻ chạy đi chơi dẫn đến lạc cha mẹ. Và việc trẻ bị lạc cha mẹ sẽ tiềm ẩn vô số những hiểm họa như trẻ bị hoảng loạn, trẻ dễ gặp tai nạn, bị bắt cóc.
Kể lại chuyện con đi lạc ở Vincom vào những ngày đầu khai trương, chị Nguyễn Thanh Ngọc (Phường 9- TP Vĩnh Long) còn bàng hoàng: “Trung tâm mới khai trương nên đông đúc, con đi theo mẹ vô siêu thị Vinmart rồi gặp bạn chạy loanh quanh. Khi tôi quay sang thì không thấy con đâu.
Tôi nhờ bảo vệ siêu thị gọi loa kêu tên con thì ở tầng dưới bảo vệ thông báo có bé trai tên Huy Hoàng 5 tuổi. Gặp được con, tôi mừng phát khóc”.
Chị Lê Nhật Linh (TX Bình Minh) vẫn còn run khi nhắc lại chuyện bé Bảo Hân (6 tuổi) đi lạc ở bãi biển Vũng Tàu khi cả gia đình chị du lịch vào dịp lễ 30/4.
“Nghỉ lễ, bãi biển ken cứng người. Tôi ở trên bờ giữ đồ và quan sát 3 cha con tắm biển. Khi anh ấy dẫn một cháu lên cùng tôi- chừng vài phút- thì cháu còn lại nhìn không thấy cha, hoảng hốt chạy khắp bãi biển tìm.
Cũng may, có người tốt thấy cháu khóc nên dẫn bé đến đội cứu hộ phát loa lên tìm ba mẹ. Tui sợ điều không may… nhưng may mắn là con tôi bình an”.
Theo Trung tâm Hỗ trợ du lịch TP Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, gần 300 trường hợp trẻ đi lạc đã được trung tâm phối hợp với nhiều đơn vị dọc tuyến Bãi Sau tìm thấy và trao trả cho gia đình.
Các em đều trong độ tuổi từ 3- 6 tuổi. Riêng trong 2 ngày nghỉ lễ 2/9, có 30 trường hợp trẻ bị thất lạc và liên hệ với trung tâm để trợ giúp. Cả 30 trẻ đều đã về với gia đình an toàn chỉ trong thời gian khoảng từ 1 đến 2 giờ.
Theo nhân viên cứu hộ, trẻ dễ đi lạc vì không định vị được vị trí của cha mẹ do ở biển người đông kín, nhiều người lại cởi trần nên rất khó nhận dạng.
Vì vậy, các bậc phụ huynh phải thường xuyên theo dõi khi đưa con nhỏ đi tắm biển, không để các em rời khỏi tầm quan sát.
Trường hợp lạc ở dưới biển thì ngay lập tức báo cho tổ cứu hộ. Trường hợp lạc con trên bờ thì phụ huynh cần bình tĩnh quan sát, tìm kiếm xung quanh và báo cho đội trật tự theo các đường dây nóng để tìm kiếm qua loa phát thanh.
Dạy con kỹ năng, phòng đi lạc
Trẻ đến khu vui chơi, chốn đông người ba mẹ cho trẻ thoải mái vui chơi nhưng vẫn ở trong tầm quan sát của mình. |
Để giúp bé biết cách xử lý khi bị lạc, điều quan trọng là ba mẹ cũng cần có kỹ năng, biết nhắc nhở và giúp trẻ ghi nhớ.
Theo các chuyên gia tâm lý, ba mẹ cần dạy con học thuộc lòng tên ba mẹ, địa chỉ, số điện thoại nhà hoặc cơ quan của ba mẹ để khi bị lạc, các con có thể liên lạc hoặc cung cấp thông tin cho mọi người, cơ quan chức năng.
Nếu đi xa, du lịch trong và ngoài nước, đề phòng trẻ thất lạc nên cho trẻ đeo thẻ ghi thông tin địa chỉ nhà, địa chỉ khách sạn, tên ba mẹ, số điện thoại... Một điều quan trọng là cần rèn cho con giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống.
Trong gia đình, ba mẹ và con nên đóng vai vào một câu chuyện nào đó nói về cách xử trí khi lạc đường để trẻ “tập dượt” và nhuần nhuyễn kỹ năng này chứ không chỉ nói suông.
Chỉ cho trẻ một số ứng phó: Nếu đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, rạp hát, công viên nên tìm đến nhân viên bảo vệ. Nếu ở ngoài đường phố nên tìm đến nhà hoặc cơ quan gần đó để nhờ liên lạc với gia đình.
Sau một số biện pháp ban đầu chưa hiệu quả, nên báo ngay cho cơ quan công an về tình trạng trẻ đi lạc để được giúp đỡ kịp thời.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ, khi đưa trẻ tới những nơi công cộng hay đông người, cần giữ trẻ ở trong tầm quan sát của mình. Trường hợp trẻ bị lạc, cha mẹ cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn khiến tâm trí phân tâm, không đưa ra được nhanh quyết định sáng suốt. Cha mẹ nên gọi to tên con, nhờ loa thông báo, để mắt tới điện thoại xem có người gọi tới không... Sau khi tìm được trẻ, cha mẹ cần mau chóng lấy lại thăng bằng cho trẻ, bởi ít nhiều trẻ cũng sang chấn tâm lý như stress, khủng hoảng, ám ảnh... Tuyệt đối không trách móc hay mắng nhiếc trẻ. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin