Với truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất cùng với đó là sự quan tâm của các cấp Hội Nông dân (ND) nên nhiệm kỳ 2013- 2018 đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, ND có bước chuyển biến tích cực, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn góp sức xây dựng quê hương.
Với truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất cùng với đó là sự quan tâm của các cấp Hội Nông dân (ND) nên nhiệm kỳ 2013- 2018 đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, ND có bước chuyển biến tích cực, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn góp sức xây dựng quê hương.
Các mô hình nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả. |
Chiếm trên 80% dân số và trong đó có trên 65% lực lượng lao động xã hội, những nông dân “chân lấm tay bùn” đang ngày đêm miệt mài trên mảnh đất quê. Và, không “yên phận” với những cách nuôi, trồng truyền thống, nhiều người vẫn ngày đêm tìm tòi những yếu tố mới, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm để đạt giá trị kinh tế cao hơn.
Năng động làm giàu trên mảnh đất quê
Khi đang là sinh viên, Lê Văn Thảo (sinh năm 1991) ở ấp Hòa Thuận (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) nuôi thử nghiệm khoảng 1.000 con ếch trong 70m2 ao nhà cho rắn hổ mèo ăn và khá thành công nên “có lời chút đỉnh”.
Đến nay, diện tích được mở rộng lên 2.700m2 với hàng chục vuông (2 vuông đạt chuẩn VietGAP), xuất bán 4- 5 tấn/tháng ếch thương phẩm, lời 10- 15 triệu đồng/tấn. Thảo cho biết: Hiện lượng ếch thương phẩm đủ cung cấp cho một công ty ở TP Cần Thơ và dự kiến mở rộng ao ương để kinh doanh ếch giống.
Với đầu ra ổn định, anh Thảo (trái) an tâm sản xuất và dự kiến mở rộng diện tích ương ếch giống. |
Ông Thân Văn Lâm- Chủ tịch Hội ND xã Nguyễn Văn Thảnh- cho biết: Thảo là ND trẻ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) cấp huyện 4 năm liền và cuối năm nay sẽ đề nghị Tỉnh hội khen thưởng. Không chỉ chí thú làm ăn, Thảo còn tích cực đóng góp kinh phí, công lao động để xây dựng nông thôn mới.
8 năm qua, sau nhiều lần thất bại, thành công đã “mỉm cười” với anh Nguyễn Thanh Tân (ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) với mô hình “nuôi lươn giống bán nhân tạo và hướng dẫn kỹ thuật quy trình nuôi lươn không bùn”.
Anh khởi điểm nuôi lươn thương phẩm số lượng nhỏ rồi chuyển sang nuôi lươn giống. Năm 2017, diện tích nuôi được mở rộng lên thành 2.000m2 với 30 bể, cán mốc 1 triệu con giống, thu lời 1 tỷ đồng.
Năm 2018, diện tích nuôi tăng gấp đôi, số con giống xuất bán và lợi nhuận tăng hơn so năm trước.
Để tăng tương tác với khách hàng, mấy năm qua, anh Tân xây dựng trang web riêng mang tên luongiongvinhlong.com, đồng thời mở tài khoản facebook, zalo, chia sẻ kỹ thuật nuôi lươn lên youtube…
Hiện, anh dự kiến mở rộng diện tích ương lươn giống thêm 20%, tập trung tăng chất lượng để đàn lươn bố mẹ sinh sản nhiều hơn và đang nghiên cứu thêm cách ương cá chạch lấu theo hướng nuôi trên cạn và kiểm soát nguồn nước…
Bên cạnh, “sẽ tiếp tục nghiên cứu một số con vật nuôi tiềm năng khác để đáp ứng ngay khi thị trường có nhu cầu”- anh Tân nói.
Anh Tân là một trong những điển hình nông dân không ngừng nỗ lực vươn lên và quyết tâm làm giàu trên đất quê. |
Ông Nguyễn Văn Đẳng- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- cho biết: Anh Nguyễn Thanh Tân là điển hình ND tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước cấp huyện và cấp tỉnh. Mô hình của anh khá hiệu quả, cung không đủ cầu và đang thu hút nhiều đoàn ở địa phương khác đến tham quan.
Theo ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh: Để đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào ND thi đua SXKDG, nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực; tạo động lực khích lệ hội viên, ND đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh các ND kể trên, còn rất nhiều điển hình khác như: hộ ông Nguyễn Trí Nghiệp với mô hình sản xuất, cung ứng cây giống, dịch vụ, lời khoảng 2,9 tỷ đồng/năm.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà các ông Trần Văn Bảy, ông Võ Văn Tước (trồng khoai lang) và ông Nguyễn Văn Phúc (trồng nhãn Edor) thu lời trên 1 tỷ đồng/năm...
Luôn sát cánh cùng hội viên, ND
Với 7 công sầu riêng và 5 công đất rẫy, anh Nguyễn Nhựt Trường (ấp Tân Qui, xã Tân Bình- Bình Tân) cho biết “làm không ngơi tay”. Dù bận rộn nhưng anh luôn nghĩ cách để gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác như: chuyển đổi các giống cây trồng tiềm năng, ứng dụng kỹ thuật mới…
Năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư nhà lưới trồng rau màu. Hiện anh có 2 căn nhà lưới trồng xà lách, cải ngọt, đậu đũa, cải xanh mỡ và ngò rí, diện tích 200 m2/căn. Anh Trường cho biết, chi phí đầu tư nhà lưới khoảng 30 triệu đồng/căn, trong đó, Hội ND huyện hỗ trợ 15 triệu đồng/căn.
Với 5 công màu, anh thu lời 200- 300 triệu đồng/năm. Trong đó, tiền lời từ rau trong nhà lưới khoảng 85 triệu đồng. “Trồng trong nhà lưới giúp giảm công chăm sóc, hạn chế và kiểm soát được sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho lợi nhuận cao hơn... nên tui dự kiến mở rộng tiếp”- anh Trường vui vẻ nói.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới do Hội Nông dân huyện Bình Tân hỗ trợ đầu tư cho anh Trường đã tiết kiệm được chi phí. |
Ông Nguyễn Phúc Duy- Chủ tịch Hội ND xã Tân Bình, cho biết, anh Trường là ND giỏi cấp huyện và cấp tỉnh nhiều năm liền. Năm 2017, anh được Hội ND huyện hỗ trợ chi phí đầu tư mô hình trồng rau trong nhà lưới. Do mô hình có hiệu quả nên 2018 anh tiếp tục được hỗ trợ.
Theo Hội ND tỉnh, từ 2013- 2018, có trên 527.900 lượt hộ ND đăng ký thi đua. Qua bình xét, có gần 360.400 lượt hộ ND giỏi các cấp, đạt 150% so với chỉ tiêu nghị quyết.
So giai đoạn 2008- 2013, số hộ có mức thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ năm, tăng gấp 3 lần. Thông qua sự vận động của các cấp hội, nhiệm kỳ qua, có 5.958 hộ nhận được sự trợ giúp trên 8 tỷ đồng với hàng triệu cây, con giống và hàng chục ngàn ngày công lao động.
Bằng nhiều hình thức vận động giúp nhau về vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật, ngày công lao động trị giá trên 16 tỷ đồng, các cấp hội còn vận động các hộ ND SXKDG tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Qua đó, đã giúp 3.912 hộ ND thoát nghèo.
Mặt khác, các cấp hội còn trực tiếp và phối hợp vận động xây 666 căn nhà tình thương trị giá trên 15 tỷ đồng; duy trì trên 1.000 tổ hùn vốn xoay vòng với hơn 15.000 thành viên, mỗi tháng nhận vốn 3- 4 triệu đồng/hộ, qua đó đã giúp cho hội viên, ND có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, một số hộ trở thành ND SXKDG.
“Từ thực tiễn hoạt động phong phú và sôi nổi của phong trào thi đua đã tạo được “dấu ấn” tốt đẹp trong đời sống xã hội, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của giai cấp ND và Hội ND tỉnh nhà”- ông Trần Văn Trạch nhận định.
Để phát huy có hiệu quả phong trào ND SXKDG, các cấp hội đã xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và ND đóng vai trò chủ thể. Nhiệm kỳ qua, hội đã phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật hơn 13.600 cuộc với trên 590.000 lượt người dự. Đến nay, đã xây dựng một số mô hình tiêu biểu, đem lại hiệu quả cao như: mô hình cam sành xã Trà Côn (Trà Ôn); mô hình thanh long xã An Phước (Mang Thít)... |
- Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin