Bữa cơm gia đình là khoảng thời gian quây quần, sum vầy đủ đầy các thành viên. Cuộc sống gấp gáp hơn, mỗi người một việc, một khung giờ riêng, việc gặp mặt nhau đã khó thì những bữa cơm hiếm hoi đủ người sẽ thật quý giá. Đó không chỉ đơn giản là một bữa ăn.
Bữa cơm nhà gắn kết yêu thương. |
Bữa cơm gia đình là khoảng thời gian quây quần, sum vầy đủ đầy các thành viên. Cuộc sống gấp gáp hơn, mỗi người một việc, một khung giờ riêng, việc gặp mặt nhau đã khó thì những bữa cơm hiếm hoi đủ người sẽ thật quý giá. Đó không chỉ đơn giản là một bữa ăn.
Các món ăn vật chất đã mang cả vai trò ý nghĩa văn hóa tinh thần. Món ăn nuôi lớn mỗi chúng ta có vị của ký ức, của nỗi nhớ, là sự chăm sóc, sự biểu đạt tình cảm mà nhiều khi người ta khó mà nói ra bằng lời.
Đối với những người mẹ trẻ thời hiện đại, cuộc sống gấp gáp và luôn vận động, lo tròn vai người mẹ là một hạnh phúc cũng là một thử thách. Gác lại công việc ngoài xã hội, mẹ sẽ trở về nhà với gian bếp ấm. Hiểu sở thích và khẩu vị của từng người, mẹ chăm chút cho những bữa ăn bằng tình yêu thương.
Cứ vậy, thế hệ này truyền lại vẹn nguyên cái nền văn hóa ẩm thực cho thế hệ khác. Mẹ dạy ta cách cảm nhận hương vị cuộc sống, không chỉ dạy những món ăn, kỹ năng làm bếp, mà những bữa ăn còn rèn sự kiên nhẫn, cách cho đi yêu thương, cách đối nhân xử thế hàng ngày.
Bạn Phan Thị Phương Tuyền (sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược Cần Thơ) nói: “6 năm sống xa nhà, nhiều lúc hơn một tháng mới về nhà một lần nên thấy nhớ da diết bữa cơm của mẹ. Bữa mẹ qua thăm đem theo bó rau vườn, làm mấy cái bánh chuối tôi thích ăn, phải kìm lại để không khóc trước mặt mẹ thôi”.
Chị Lê Ngọc Mỹ Tiên (du học sinh Phần Lan) thì chia sẻ: “Năm tháng đi qua, chị em tôi lớn lên, cũng đã đỡ đần được mẹ trong việc cơm nước nhưng rồi học hành, công việc cứ lôi chúng tôi dần ra xa căn bếp nhà mình.
Rời quê hương ở thị trấn Tam Bình hơn 2 năm, Tiên xúc động: “Có thể ở những nơi phồn hoa đô hội tôi từng đến có món ngon hơn, đắt giá hơn. Nhưng chỉ khi về với mẹ, ăn những bữa ăn miền Tây với tô canh chua, tô thịt kho rệu,… tôi mới cảm thấy được là chính mình là cô bé ngây thơ như hồi nào còn đi chơi khắp xóm rồi bụng đói thì chạy về đòi cơm mẹ nấu”.
“Mẹ chỉ dành 30 phút, các con sẽ có sữa chua ngon ngon mẹ làm để măm măm nguyên tuần nè!”- Đó là dòng chia sẻ trên Facebook Thanh Do (mẹ 3 con nhỏ đang sống tại TP Hồ Chí Minh). Chị Thanh quan niệm những bữa ăn ngon, đầy đủ dưỡng chất, hợp vệ sinh do chính tay chị làm sẽ giúp các thành viên trong gia đình chị khỏe mạnh mà còn gắn kết yêu thương. Thế là chị không quan tâm những thức ăn công nghiệp mà luôn để ý và chăm chút 3 bữa cơm gia đình và thay đổi thực đơn mỗi ngày.
Chồng chị ưa cá bống nhỏ kho tiêu, cho thêm ít tép mỡ, cả ớt cả hành thơm nức. “Sáng nay, mẹ cho con ăn cơm chiên hải sản nhe”. 3 con gật đầu cái rụp. Tối mẹ nấu dư cơm, đựng cơm vào hộp bỏ tủ lạnh, lột sẵn mấy con tôm biển và mực thấm khô để tủ lạnh. Sáng ra chỉ 20 phút là con có món ăn ngon miệng để đi học rồi.
Chị Thanh quan niệm: “Nấu cho trẻ con mẹ không cần quá cầu kỳ và nhiều gia vị màu mè. Trộm vía trẻ con của chị dễ nuôi, cái chi mẹ nấu cũng xử láng. Chỉ cần thực phẩm ngon và thương con theo cách của mẹ là con có món ngon rồi”.
Ngày nào còn có mẹ thì còn gian bếp ấm. Bếp ấm của mẹ không chỉ thấm đẫm tình yêu thương gia đình, mà sẽ là câu chuyện để ghi lại ký ức lớn lên, để nhớ về như những đứa con, cũng được sống, được nhận đủ đầy các cung bậc cảm xúc của yêu thương. Một người khi đi thật xa, trải qua bao biến thiên của cuộc đời sẽ nhận thấy điều gì là giá trị nhất với bản thân.
Tháng 7 âm lịch là tháng Vu Lan báo hiếu- một dịp lễ để những người làm con bày tỏ lòng biết ơn chân thành và hiếu thảo đến cha mẹ mình. Bắt đầu từ căn bếp ấm, bằng một bữa ăn ngon, không khó để trân trọng những điều đang có, thể hiện tình cảm dành cho đấng sinh thành.
Bài, ảnh: QUYÊN THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin