An sinh xã hội- gắn kết lòng dân

05:09, 03/09/2018

Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động sức mạnh của cộng đồng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động sức mạnh của cộng đồng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại huyện Bình Tân.Ảnh: Tư liệu
Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại huyện Bình Tân.Ảnh: Tư liệu

Chăm lo gia đình chính sách

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc và giải quyết chế độ chính sách cho các gia đình có công trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, kịp thời động viên, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Nhân dịp 27/7 năm nay, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (xã Hòa Hiệp- Tam Bình). Mẹ Xuyến có 3 người con là liệt sĩ, hiện nay mẹ đã 91 tuổi vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn.

Và những chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng luôn để lại dấu ấn trong lòng mẹ.

Tại gia đình, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước trước sự hy sinh mất mát to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có gia đình Mẹ Xuyến.

Bí thư Tỉnh ủy chúc mẹ cùng gia đình dồi dào sức khỏe, sống lâu trên trăm tuổi, tiếp tục động viên con cháu phát huy tốt truyền thống cách mạng của gia đình, có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của địa phương.

Chính sách về nhà ở đối với gia đình chính sách luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Cứ xây dựng thêm một nhà tình nghĩa là gieo thêm niềm vui, hạnh phúc cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, gặp khó khăn.

Bên cạnh nguồn ngân sách, từ năm 2014 đến nay, tỉnh xây dựng và sửa chữa trên 5.600 căn nhà cho gia đình người có công khó khăn về nhà ở.

Hiện có 98,52% gia đình người có công trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Thương binh Nguyễn Văn Thanh (ấp Tân Qui, xã Tân Bình- Bình Tân) từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia và bị thương trong một lần giao chiến với địch. Dịp 27/7 đã qua, gia đình ông được địa phương trao tặng nhà tình nghĩa.

Ông phấn khởi: “Có nhà tình nghĩa mới, khang trang, tôi mừng lắm. Tôi tiếp tục vận động con phát huy truyền thống gia đình cách mạng nên con trai thứ 3 hiện đi nghĩa vụ công an, trước đó, con trai lớn của gia đình cũng đã lên đường làm nghĩa vụ với Tổ quốc”.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- lưu ý: Các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đúng và đủ các chính sách ưu đãi người có công, quan tâm hỗ trợ người có công bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, cả về tinh thần lẫn vật chất, vận động nguồn lực cùng với nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho những gia đình người có công còn khó khăn trong cuộc sống.

Nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón thăm hỏi gia đình chính sách ở xã Hậu Lộc (Tam Bình).
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón thăm hỏi gia đình chính sách ở xã Hậu Lộc (Tam Bình).

Cuộc vận động “Vì người nghèo” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã và đang tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân đạo to lớn trong đời sống xã hội với việc huy động các nguồn lực để giúp đỡ người nghèo.

Đào tạo nghề để lao động nông thôn, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo có việc làm, có thu nhập cũng được tỉnh đầu tư và huy động mọi nguồn lực để thực hiện.

Việc lựa chọn và đào tạo những ngành nghề phù hợp, đã giúp cho người dân nâng cao được giá trị sản xuất, tận dụng được thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Bình Ninh- Tam Bình) cho biết: “Nhờ mấy chị trong hội phụ nữ vận động và tổ chức đan các sản phẩm lục bình. Vợ chồng em đều đan, 1 tháng cũng kiếm thêm hơn 2,3 triệu đồng”.

Năm 2017, Vĩnh Long có trên 2.800 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,71%. Chăm lo nhà ở, giáo dục, y tế, vốn vay, tư liệu sản xuất, nghề hay phương án làm ăn hiệu quả được xem là những yếu tố quan trọng góp phần để giảm nghèo. Song, kết quả giảm nghèo có bền vững hay không thì điều cốt lõi còn tùy thuộc vào việc các ngành, các địa phương khơi dậy ý thức chủ động, tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân.

Căn nhà 167 được Nhà nước hỗ trợ cộng thêm vay ưu đãi đã giúp gia đình nhỏ 4 người của ông Thạch Trung Ngọc (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn- Trà Ôn) an cư, lập nghiệp.

Trước gia cảnh khó khăn, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng, ông nuôi bò và 1 công ruộng luân canh lúa- màu. Ông hồ hởi: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều, giờ đây người Khmer tụi tui đều ý thức, cố mần để đừng rơi vô cảnh nghèo nữa”.

Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, theo ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long:

Tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người nghèo, cận nghèo, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, đảm bảo thời gian thụ hưởng; khuyến khích sự chủ động, tích cực tham gia của người nghèo thông qua việc khen thưởng đối với hộ thoát nghèo, không tái nghèo.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho người nghèo nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; nâng cao năng lực người nghèo về mọi mặt, đặc biệt là kiến thức sản xuất, tiếp cận thông tin thị trường và ý thức tiết kiệm trong sinh hoạt để tích lũy cho sản xuất.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh