Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn đó, dai dẳng do những khiếm khuyết di truyền qua bao thế hệ con người- mang tên chất độc da cam.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn đó, dai dẳng do những khiếm khuyết di truyền qua bao thế hệ con người- mang tên chất độc da cam.
Nhiều năm nay, các cấp hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long đã luôn đồng hành, vận động xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau, nhờ đó nạn nhân da cam có thêm những nụ cười.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh Nghĩa- chị Kiều luôn cùng nhau cố gắng. |
Hạnh phúc bên rẫy rau
Trong ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, chị Lê Mộng Kiều là vợ anh Lê Hiếu Nghĩa- người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin- đon đả đón khách, cười nói: “Ảnh đi công chuyện chút xíu về”.
Anh Nghĩa (ấp Phước Hanh, xã Phước Hậu- Long Hồ) bị ảnh hưởng chất độc da cam nên tay phải teo nhỏ từ khi mới lọt lòng mẹ. Không chỉ teo ở cánh tay mà bàn tay và các ngón cũng bị biến dạng, mất sức lao động.
Chị Kiều cười: “Vậy mà lúc nào ảnh cũng cố gắng làm lụng để lo cho con cái, gia đình này, suốt ngày ảnh ngoài rẫy”.
Vừa nói chị Kiều vừa nhìn ra đám rẫy xanh um trước nhà, nơi có màu xanh lụa của xà lách, màu xanh lá rau thơm, ngò rí.
Chị nói: “Gia tài chỉ có cái nhà này, còn rẫy hơn 4 công ngoài kia là mướn, phải cố làm mới có dư”. Anh Nghĩa về tới, góp chuyện “phải cố gắng để cho con ăn học, để không cực khổ bấp bênh như ba má nó”.
Anh Nghĩa sinh ra trong gia đình có công với cách mạng, mẹ là bà Trương Thị A- thương bệnh binh, bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Anh Nghĩa nói: “Nhà có tới 12 anh chị em, nhưng tôi và em gái út thì người bị tật tay, người bị tật chân”. Vì đông con, hoàn cảnh khó khăn nên anh chị em của anh Nghĩa không có điều kiện học hành, anh lại tật nguyền nên khởi đầu cũng khó khăn. “Lớn một chút thì phụ ba má làm rẫy tới giờ.
Không bó rau, mần cỏ được nhưng vợ đỡ rau thì tui vác, ngày tưới rau 2 bận, rải phân,…”- anh Nghĩa cười cười nói thêm- “Trồng rẫy thì cực lắm, có ngày tưới cả chục bận, nhất là lúc trời nắng. Mà rau mới trồng thì chỉ tưới ướt lá, nên mới tưới xong chưa ráo đồ đã tưới tiếp”.
Sinh ra không lành lặn- anh Nghĩa tâm sự- nên cũng có lúc buồn tủi nhưng từ khi gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, gặp những người trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin thì anh đã có suy nghĩ khác. Anh nói: “Mình khổ mà có người khổ hơn, không biết gì chỉ nằm một chỗ”.
Mỗi tháng, anh Nghĩa nhận được số tiền hỗ trợ hơn 800.000đ- “không nhiều nhưng cũng đỡ và cậu Hai Rạng (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long) tới lui thăm hỏi hoài hà”- anh Nghĩa nói.
Với trách nhiệm của một người chồng, người cha, anh Nghĩa luôn cố gắng lao động “có khi rêm mình cả đêm không ngủ được” để lo cho tổ ấm tươm tất hơn. Nhìn ngôi nhà mới, anh Nghĩa nhỏ giọng: “Còn thiếu nợ anh em một ít mới cất được cái nhà như vầy”.
Anh Nghĩa và chị Kiều có với nhau 2 con trai, con lớn đang làm công nhân “tháng nào cũng phụ cho ba mẹ”, còn con út sắp vào lớp 5. Anh Nghĩa nói “nó học được tới đâu, tôi ráng lo tới đó”.
Chị Kiều nhìn chồng cười thật tươi, với chị, anh tuy không lành lặn nhưng luôn cố hết sức lao động, biết thương vợ con. Gia đình chị có thể còn khó khăn nhưng “miễn khỏe mạnh bên nhau cố gắng làm lụng là vui rồi”.
Hoài Hận không có hận hoài
Anh Nguyễn Hoài Hận hạnh phúc với tổ ấm nhỏ và công việc hiện tại. |
Anh Nguyễn Hoài Hận (ở Ấp 10, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cười khi nói về cái tên cha mẹ đặt cho mình: “Tôi tên Hoài Hận chứ không có hận hoài nhe”.
Anh Hận lúc mới sinh đã bị vẹo cột sống. Cha anh là thương binh Nguyễn Văn Hà đi kháng chiến và bị bắt tù đày nên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ông Hà có 4 người con, nhưng không may mắn như các anh chị em, anh Hận bị ảnh hưởng chất độc da cam. Do cột sống yếu, anh Hận chỉ làm được những việc nhẹ, còn “nặng hơn 20kg thì khó khuân vác, di chuyển”.
Học xong lớp 9 thì anh Hận đi học nghề sửa xe và cũng nhờ đó mà anh quen với vợ anh bây giờ- chị Ngọc Hân. “Tôi học nghề rồi ra thuê mặt bằng ở xã Hậu Lộc sửa xe, gần nhà vợ tôi bây giờ”. Chị Hân quý anh Hận ở cái tính hiền hậu, dù sức khỏe yếu nhưng lại hay lam hay làm.
Khi tuyến đường ngang UBND xã xe 4 bánh bon bon chạy, anh được cha mẹ cho nền nhà ra riêng và mở tiệm sửa xe tại nhà.
Có đồng ra đồng vô với nghề sửa xe, vợ thì đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú đã hơn 5 năm nay, anh cười, chỉ những chiếc xe đang chờ sửa: “Tự mình hiểu mình phải có cái nghề, dù học chậm hơn người khác nhưng phải học để mưu sinh, vợ chồng lo làm nuôi con ăn học”. Anh Hận hạnh phúc với hiện tại.
Ngồi cạnh bên là con gái sắp vào lớp 5, anh cười hiền, nói: “Thằng nhỏ thì năm nay vô lớp 1, nhờ làm việc tại nhà nên tôi cũng chăm con được”.
Dù còn ở trong căn nhà lá nhưng anh Hận cho rằng để có được cuộc sống ổn định như bây giờ, cũng nhờ số vốn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long cho mượn từ năm 2015.
“10 triệu đó với tôi là vốn khá lớn, mua đồ nghề, sửa xe, thay nhớt”- anh Hận nói thêm “không có số tiền đó thì tiệm sửa xe này không được như bây giờ rồi”.
Với sự chung tay của cộng đồng, những nạn nhân da cam đã dần được xoa dịu nỗi đau. Những người còn khả năng lao động cũng cố gắng hết mình để vươn lên trong cuộc sống. Có những nụ cười nhẹ nhàngmang màu da cam như thế đó!
Hiện tỉnh Vĩnh Long có trên 6.500 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có nhiều gia đình có 2, 3 và 4 nạn nhân đang được hưởng chính sách của Nhà nước. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Rạng cho biết: Phần lớn các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh hết sức khó khăn, do hầu hết những người bị nhiễm đều bệnh tật không tự lực được. |
Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin