Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em vào sáng 6/8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các gia đình, nhà trường và các cơ quan bảo vệ trẻ em phải xem việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo hành, đuối nước và tai nạn là việc làm hàng ngày.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em vào sáng 6/8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các gia đình, nhà trường và các cơ quan bảo vệ trẻ em phải xem việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo hành, đuối nước và tai nạn là việc làm hàng ngày.
Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức trên 675 điểm cầu, với gần 18.000 đại biểu, cho tới chủ tịch UBND cấp xã. Và điều quan trọng là, các đại biểu đã đưa ra được biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời, hiệu quả hơn.
Cần tạo môi trường sống vui tươi, an toàn cho trẻ em. |
Trên 80% trẻ bị xâm hại do người thân, người quen
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Nguyễn Thị Hà, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) chiếm hơn 60%.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, con số khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành, XHTD theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH không phải là số thực tế mà vẫn còn nhiều trường hợp khác chưa được phát hiện.
Nhiều hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà người ta coi là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
Đau lòng hơn là không ít trẻ em bị chính người thân trong gia đình, trường lớp hay xóm giềng ngược đãi và xâm hại, nhiều trường hợp được pháp luật can thiệp nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tinh
thần trẻ.
Tại Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh tiếp nhận thông tin và can thiệp 20 trường hợp trẻ em bị XHTD (trong đó hiếp dâm 7 vụ, giao cấu 11 vụ và dâm ô 2 vụ).
Phát biểu tại đầu cầu huyện Mang Thít, ông Trần Thanh Huệ- Phó Chủ tịch UBND huyện- cho biết, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ XHTD trẻ em (1 vụ đối tượng do chính cha ruột, 1 vụ cha và ông nội và 1 vụ do cha dượng).
Trẻ em bị xâm hại đều sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trẻ không có kỹ năng tự bảo vệ; đối tượng có trình độ dân trí thấp và điều đáng buồn là mẹ các bé không hay biết hoặc hay nhưng không dám tố cáo dẫn tới trẻ em bị xâm hại trong thời gian dài.
Một số giải pháp được đưa ra tại hội nghị xoay quanh việc làm tốt hơn công tác truyền thông; các quy trình về xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em cần được nghiên cứu lại và tăng những mức hình phạt cao và nghiêm hơn;
việc trang bị kỹ năng cho trẻ và người giám hộ trẻ trong đó tính chất đặc thù về môi trường, vùng miền được chú trọng.
Đừng coi vấn đề trẻ em là “chuyện con nít”
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ truyền thống kính già, yêu trẻ của dân tộc lẫn quy định trong Hiến pháp đều luôn coi trọng và khẳng định trẻ em phải được bảo vệ.
Thủ tướng trăn trở trước thực trạng hiện nay, nhiều gia đình “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”.
Cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Những thông tin thiếu sàng lọc trên Internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn
trẻ em.
“Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt XHTD trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội.
Chúng ta vô cùng đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng ngàn trẻ em tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông”- vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em phải là nhiệm vụ hàng ngày của mỗi gia đình, nhà trường và các cấp các ngành.
Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược lâu dài vì trẻ em là những thông điệp sống mà thế hệ hiện nay gửi tới tương lai.
Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý, khi mà hiện nay cả nước mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã có bố trí.
“Các mô hình này rất cần thiết. Chứ chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được”- Thủ tướng nói và đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; trẻ em được trang bị kỹ năng để bảo vệ mình.
Các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Việc xử lý vụ việc về xâm hại, bạo lực trẻ em cần phải được xử lý thân thiện, hiệu quả, tạo niềm tin cho chính gia đình người bị hại và quần chúng nhân dân.
Theo thống kê 5 tháng đầu năm, toàn quốc phát hiện 682 vụ XHTD trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị XHTD bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%. Ước tính khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin