
Thời gian qua, những vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em liên tiếp xảy ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. 90% kẻ XHTD là người quen. Vậy các bậc phụ huynh phải nói với các con như thế nào và dạy các con những kỹ năng gì để phòng tránh?
Thời gian qua, những vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em liên tiếp xảy ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. 90% kẻ XHTD là người quen. Vậy các bậc phụ huynh phải nói với các con như thế nào và dạy các con những kỹ năng gì để phòng tránh?
![]() |
Trẻ em Vĩnh Long tham gia Diễn đàn trẻ em toàn quốc với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em”. |
Gần 90% kẻ XHTD trẻ em là người thân quen
Dư luận đã từng bàng hoàng về vụ việc một bé gái 10 tuổi (xã An Phước- Mang Thít) bị chính ông nội và cha ruột nhiều lần xâm hại. Vụ án gây chấn động này đã khép lại khi 2 bị cáo bị tuyên án tù chung thân nhưng cũng không khiến gia đình và dư luận có thể nguôi ngoai.
Ngày 8/5, có người cha ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã gửi đơn tố cáo anh ruột có hành vi hiếp dâm con gái dẫn đến cháu có thai và sinh em bé. Cháu không dám lên tiếng tố cáo vì người bác ruột thường xuyên đe dọa sẽ giết 2 mẹ con cháu…
Ngày 5/6, trên mạng xã hội xuất hiện clip một bé gái 9 tuổi sống tại huyện Cần Giuộc (Long An) kể lại việc mình bị cha hiếp dâm trong thời gian dài.
Ngay lập tức, cơ quan công an tiến hành điều tra xác minh và đưa bé gái đi giám định. Kết quả cho thấy bé bị tổn thương âm hộ. Người cha đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi hiếp dâm trẻ em.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, gần 90% trẻ em bị XHTD bởi người thân quen, trong đó có cả cha ruột, ông nội, thầy giáo... là con số đau lòng.
Riêng tại Vĩnh Long, 6 tháng qua, tỉnh xảy ra 20 vụ XHTD trẻ em, tăng 5 vụ so với cùng kỳ 2017 và tất cả thủ phạm đều quen biết với nạn nhân. Những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý nên con số nêu trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện hơn 700 vụ XHTD trẻ em, chiếm hơn 80% số vụ việc so với cả năm 2017. Cứ 10 vụ thì có đến 8 nạn nhân là các bé gái.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chung do tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, phối hợp chăm sóc các em chưa chặt chẽ, thiếu kỹ năng. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em còn hạn chế.
Nạn nhân và người thân thường giấu kín, thiếu hợp tác với cơ quan điều tra, không có nhân chứng, trong khi nạn nhân còn nhỏ nên việc khai báo chưa chính xác, không thống nhất.
Cha mẹ nên nhớ việc đòi lại lý lẽ công bằng cho con bằng luật pháp, bằng sự trừng trị đích đáng dành cho kẻ xấu là cần thiết.
Nhưng không quan trọng bằng việc gia đình hãy làm chỗ dựa, là gối êm vỗ về con sau những sang chấn tâm lý bởi những đau đớn ấy là không thể mô tả, không thể đo lường được và sẽ ám ảnh, đeo bám đứa trẻ.
Bảo vệ con khỏi XHTD
Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những điều khiến nguy cơ XHTD ở trẻ em tại Việt Nam ngày càng nhiều là do nếp văn hóa từ giao tiếp với trẻ trong xã hội Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trong khi cha mẹ nỗ lực dạy con cái cần biết tự vệ, nói không với những động chạm cơ thể mà con không thích, kể cả với những người ruột thịt thì văn hóa phải “phục tùng” người lớn của người Việt Nam vô tình chống lại điều này.
Đứa trẻ sẽ bị rầy la là không ngoan, thậm chí bị phạt khi không “cho chú ôm một cái, cho cô hôn một cái” hoặc được giải thích bằng những lý do “vì chú/cô/anh/chị yêu con, quý con nên mới làm thế” sẽ vô tình khiến trẻ mang tâm lý cam chịu, không dám chống cự.
Việc dạy cho trẻ phòng ngừa XHTD trước những người thân rất quan trọng, song vẫn giúp các em không bị khủng hoảng niềm tin là điều cần thiết.
TS. Tâm lý học Phạm Thị Thúy- Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều phụ huynh đang thật sự rất bất an. Phụ huynh nhìn đâu cũng thấy tội phạm nên bắt trẻ tránh xa mọi thứ.
Chính sự bất an của người lớn dễ dẫn đến mặt trái hết sức nguy hiểm là gieo vào đầu trẻ những lo lắng không đáng có. Việc giáo dục về giới tính phải là việc lâu dài, cả một quá trình và đặc biệt không thể đạt hiệu quả bằng sự hù dọa.
Việc chăm chăm giữ con bên người cũng không phải là phương án hay vì điều này tước đi của trẻ sự tự do khám phá, vui chơi, tự do suy nghĩ cũng như làm mất đi các phản xạ, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự lập trong cuộc sống của các em.
Ngay từ khi con 3 tuổi, phụ huynh phải giáo dục cho trẻ ý thức về quyền sở hữu cơ thể. Không những tôn trọng bản thân mình mà còn phải tôn trọng cơ thể của người khác. Tuyệt đối không cho bất cứ ai sờ chạm vào vùng nhạy cảm của mình.
Cha mẹ nên tập cho con thói quen kín đáo khi ăn mặc, thay quần áo; tập mặc đồ lót sớm. Ngoài ra, hãy thường xuyên nói chuyện, chia sẻ hàng ngày với con, dành thời gian để tạo bữa ăn sum vầy của gia đình để nói chuyện về giới tính một cách nhẹ nhàng, thân tình. Và có thể dùng sách, báo để dạy trẻ về giới tính.
Chị Nguyễn Yến Ngọc (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho rằng việc đọc một vài cuốn sách về giới tính cho trẻ không bảo đảm cha mẹ sẽ có tất tật kiến thức để trẻ “miễn nhiễm” với vấn nạn xâm hại. Nhưng đọc để trang bị, để làm bạn, để hiểu con và thật sự lắng nghe cơ thể nhỏ bé của con chẳng bao giờ thừa.
TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ, thay vì hù dọa, làm trẻ sợ hãi, cha mẹ có thể thông qua các trò chơi, hoạt động thường ngày để dạy con cách ăn nói, ăn mặc, đi đứng, cách cư xử, cách bắt tay, giao tiếp, cách từ chối, biết nói không... sao cho phù hợp, kín đáo để các em phát triển thành một con người có nhân cách, giúp trẻ biết tránh xa những nguy cơ bị người khác làm tổn thương. Chúng ta vừa dạy trẻ nhưng cũng làm sao phải giúp các em thấy được sự bình yên, an tâm
Thống kê trong 3 năm (2015- 2017) từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, đa phần trẻ em bị XHTD bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị XHTD bởi người thân trong gia đình (cha đẻ, cha dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi người lạ là 12,6%. |
- Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin