Nâng cao mức sống cho gia đình người có công- việc cần làm ngay

09:07, 25/07/2018

Thực hiện mô hình điểm nâng cao mức sống cho gia đình người có công với cách mạng- nhất là hộ gia đình nghèo, cận nghèo- là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) có nhiều gia đình thuộc diện này và từ năm ngoái đến nay, địa phương triển khai tích cực, bước đầu đạt hiệu quả.

 

Thực hiện mô hình điểm nâng cao mức sống cho gia đình người có công với cách mạng- nhất là hộ gia đình nghèo, cận nghèo- là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) có nhiều gia đình thuộc diện này và từ năm ngoái đến nay, địa phương triển khai tích cực, bước đầu đạt hiệu quả.

Ông Sỹ kể chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đời sống vật chất và tinh thần gia đình đã đổi mới hơn lên.
Ông Sỹ kể chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đời sống vật chất và tinh thần gia đình đã đổi mới hơn lên.

“Uống nước nhớ nguồn”

Hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của 2 từ “hòa bình”- 2 từ đơn giản nhưng là máu, nước mắt và mồ hôi của biết bao người. Cùng với các địa phương trong tỉnh, xã Trung Nghĩa luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách.

Theo bà Lê Thị Tuyết Trinh- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Vũng Liêm, Trung Nghĩa là xã triển khai mô hình điểm này. Từ năm 2017 đến nay, có 21 căn nhà đã và đang xây dựng, trong đó cất mới 15 căn và sửa chữa 6 căn. Mô hình hướng tới đảm bảo đời sống gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo ổn định nhà cửa, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Để nâng cao mức sống cho gia đình người có công, bên cạnh thực hiện tốt chính sách với người có công, ngành huyện cũng làm tốt công tác thanh- kiểm tra việc triển khai các chế độ chính sách. Bà Tuyết Trinh cho biết định kỳ đều tổ chức gặp gỡ đối tượng chính sách ở xã để nắm tình hình.

Cụ thể như cán bộ có tổ chức chi trả đúng, đầy đủ cho đối tượng không; rồi trao đổi, giải đáp vướng mắc, tư vấn nhằm đảm bảo các chính sách đối với người có công thực hiện đúng, đủ đến các đối tượng...

Bà Trần Thị Thu Loan- cán bộ thương binh- xã hội ở UBND xã Trung Nghĩa- cho biết, trong số các gia đình chính sách ở xã, hiện tại diện nghèo có 17 hộ, hộ cận nghèo có 8; chiếm khá đông so các địa bàn và đa số được thụ hưởng mô hình điểm trên.

Ông Nguyễn Văn Sáu (ấp Phú Tân) vừa được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà năm 2017. Ông nói: “Có tiền cất nhà, gia đình tui phụ thêm 20 triệu cất một mái chái bên cạnh nhà mới để rộng rãi khi các con cháu sum họp”. Căn nhà vững chãi với ông Sáu là cả một niềm an ủi lúc xế chiều. Năm 1968, ông Sáu tham gia cách mạng. Không chỉ vậy, ông cười nói: “Tui còn có cha, anh là liệt sĩ và mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng”.

Gia đình ông được xét trong mô hình điểm nâng cao mức sống cho gia đình người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã, tạo thêm cơ hội để vươn lên

Theo ngành lao động- thương binh và xã hội, ngoài việc hỗ trợ về nhà ở, trong thời gian tới, những gia đình người có công tham gia mô hình điểm nâng cao mức sống còn được hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản khác tùy theo nhu cầu thực tế của từng hộ gia đình như: hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm... Qua đó, giúp các hộ gia đình người có công với cách mạng phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng đời sống từ bằng đến cao hơn đời sống dân cư nơi cư trú.

 

“Bây giờ nhà cửa khỏe”

Ông Nguyễn Văn Sỹ (ngụ ấp Phú Tân) là thương binh 3/4. Ông cho biết hồi năm 1969, đi du kích xã Trung Ngãi. Hiện ông đã 67 tuổi, nay ốm mai đau nên đối với ông số tiền trợ cấp hàng tháng là một khoản không thể thiếu, vì “nhiều lần tai biến và may mắn qua khỏi”- ông Sỹ nói- “và cũng để vui sống hưởng hòa bình cùng cháu con”.

Hàng tháng, ông tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh và đây là nơi ông chia sẻ, góp chuyện xưa chuyện nay, chuyện làm ăn sinh sống. Ông Sỹ vui vẻ cho biết: “Mỗi tháng, ông lãnh tiền trợ cấp hơn 1,8 triệu đồng. Cộng với thu nhập từ ruộng vườn do con canh tác cũng góp phần đảm bảo đời sống gia đình ở nông thôn rồi”.

Hôm chúng tôi đến ấp Phú Ân, nhiều căn nhà cửa đóng then cài. Đang thu hoạch vụ Hè Thu, bà Thu Loan nói những người nhà đã đi làm thuê mướn việc đồng, kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết, với những nhà có điều kiện, cuộc sống cơ bản đảm bảo đổi mới về tinh thần lẫn vật chất. Còn ông Sáu, dù hay bệnh lên bệnh xuống, vẫn phấn khởi nói “bây giờ nhà cửa khỏe”.

Tuy đời sống người có công đã khá hơn nhưng theo cán bộ thương binh- xã hội địa phương, nhiều người thuộc gia đình chính sách do hạn chế về sức khỏe, nên khó khăn trong việc tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Do đó, rất cần các điều kiện để gia đình chính sách diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tạo lập và phát triển kinh tế. Theo bà Lê Thị Tuyết Trinh, mong mỏi của ngành, của các địa bàn là bên cạnh các mô hình nâng cao mức sống (về nhà ở, hố xí,...) thì còn cần các dự án, mô hình kinh tế để họ tùy điều kiện của mình tham gia, đảm bảo đời sống khá hơn.

Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Vũng Liêm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là các gia đình chính sách từng bước nâng lên đã góp phần cho việc thực hiện chính sách người có công tốt hơn. Thống kê ở huyện, người có công được chi trợ cấp thường xuyên là 2.978 đối tượng. Huyện có 53/692 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và đều được các cơ quan, đơn vị cấp huyện, tỉnh tham gia phụng dưỡng.

Bài, ảnh: THÁI - HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh