Học sinh khiếm thị cần ánh sáng tri thức

12:07, 11/07/2018

May mắn được sinh ra và lớn lên lành lặn- đó là khởi đầu hạnh phúc của một con người, tuy nhiên không phải ai cũng có được điều tưởng chừng đơn giản đó. 

May mắn được sinh ra và lớn lên lành lặn- đó là khởi đầu hạnh phúc của một con người, tuy nhiên không phải ai cũng có được điều tưởng chừng đơn giản đó.

Trong buổi trao quà cho học sinh, sinh viên khiếm thị khó khăn tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi không chỉ cảm thông mà còn nể phục ý chí và nghị lực của các em. Và hiểu rằng, các em khiếm thị cũng cần được đến trường và nhiều em không chỉ học “được” mà còn chăm ngoan, học giỏi.

Bé Ngọc Hân vui hát trong lễ trao học bổng.
Bé Ngọc Hân vui hát trong lễ trao học bổng.

Bé Hân mơ làm cô giáo

Cô bé khiếm thị Lê Thị Ngọc Hân 11 tuổi ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) được mẹ đưa lên sân khấu hát bài “Nỗi buồn mẹ tôi” tại buổi lễ trao học bổng. Giọng hát trong veo, ngọt ngào của cô bé mũm mĩm đúng từng nhịp, dù em không hề nhìn thấy một chút ánh sáng nào.

Mẹ Ngọc Hân sinh non nên em bị mù bẩm sinh. Học lớp 2, cô bé cũng có 2 năm liền là học sinh giỏi ở Trường Khiếm thị Nhựt Hồng (Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh).

Mẹ của Hân- chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng- nói về con gái với vẻ vừa xúc động vừa tự hào: “Bé học ngoan, được các cô ở trường khen lắm, bé còn đàn organ được nhiều bài”.

Chị Hằng cũng nhắc nhớ về lúc sinh con khi mới mang thai hơn 6 tháng. Bé Hân phải nằm lồng kính 1 tháng và khi đưa con đi khám mắt, vợ chồng chị mới biết bé Hân bị khiếm thị bẩm sinh.

Giọng chị Hằng run run hòa với những dòng nước mắt lăn dài “sanh con thì ai không muốn con mình lành lặn, vậy mà…”.

Mọi chuyện với chị Hằng và cô con gái nhỏ tưởng chừng chấm hết ở đây. Chị định bụng làm chỗ dựa nuôi nấng con suốt cuộc đời mình…

Hôm đó, chị đi nhận quà của Hội Người mù ở thị trấn Vũng Liêm. “Tôi còn nhớ rành rành hôm đó là ngày 1/6/2014, tôi gặp chú Việt- Chủ tịch Hội Người mù tỉnh.

Chú hỏi có muốn đưa cháu đi học không, học miễn phí. Rồi chú cho chúng tôi đi tham quan trường”- chị Hằng nhớ lại.

Con gái mới 7 tuổi lại khiếm khuyết nên vợ chồng chị không muốn xa con nhưng hiểu rằng con gái cần được đến trường và bé Hân cũng có quyền được ước mơ. Vậy là gạt nước mắt và gạt bao lo lắng cho cô con gái nhỏ, chị Hằng cho bé Hân đi học.

Bé Hân cười thật tươi: “Ban đầu xa mẹ cha và 2 em, con cũng khóc nhiều nhưng được đi học con mừng lắm. Con học từ mẫu giáo rồi lên lớp 1, lớp 2 và sắp tới là lớp 3, được học chữ nổi, học đàn, làm toán… Ước mơ của con sau này là làm giáo viên dạy đàn cho người khiếm thị”.

Giấc mơ đại học của Thiên Thư

Chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của toàn xã hội.
Chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của toàn xã hội.

18 tuổi, Lâm Thiên Thư (ở xã Thới Hòa- Trà Ôn) đang nuôi biết bao ước mơ tươi đẹp. Thư là học sinh của Trường THPT Hựu Thành nhưng em bị khiếm thị, “cận 14 độ” và chị Hai của em là Lâm Kim Ngân cũng cận 14 độ. Thư cho biết: “Cả nhà nội đều bị khiếm thị.

Riêng ba em là Lâm Văn Pho thì trước cũng bị khiếm thị, cận 14 độ như em, nay ba em không thấy đường nữa”.

Trong một gia đình 4 người mà có 3 người khiếm thị lại thiếu đất sản xuất nên hoàn cảnh rất khó khăn. Chú Pho dù không thấy gì vẫn ngày ngày đi mò cua, bắt ốc cho vợ đem ra chợ bán. Mẹ Thiên Thư thì vừa bán cá vừa làm thuê để lo lắng cho các con.

Nói về hoàn cảnh của mình, Thư cười tươi: “Hồi còn nhỏ, biết mình bị khiếm thị, em buồn lắm. Giờ thì em thấy mình còn may mắn vì ít ra khi đeo kính em còn thấy được mờ mờ”.

Còn chú Pho, dù khó khăn vẫn quyết không cho con nghỉ học. Thư kể: “Ba em nói mình không nhìn thấy đường thì ánh sáng của mình là tri thức”.

Không phụ lòng ba mẹ, Thư là học sinh khá lớp 12 và đang chờ bậc học cao hơn. Nhưng nỗi buồn của cô gái nhỏ là khi ước mơ còn dang dở cùng với nỗi lo về sức khỏe của bản thân, của cha và chị gái.

“Bị cận nặng quá nên khó xin việc lắm”- Thư chia sẻ- “Nhưng mà em không từ bỏ ước mơ của mình đâu, ít nhất em phải có một cái nghề để nuôi thân và lo cho ba mẹ nữa”.

Rất đáng khen, khi sự bất hạnh trong cuộc đời không đánh gục các em mà đã tôi luyện nên một tinh thần thép, giúp các em vượt ngàn khó khăn. Được học hòa nhập là quyền của trẻ em khuyết tật, để các em vững bước tới tương lai.

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/8/2014 ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, tại Điều 12 cũng đã dành một mục riêng cho học sinh khuyết tật: “Đối với học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục hòa nhập, nếu khả năng của học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung thì được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung thì được đánh giá theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân”.

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh