Là Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi xanh 1 (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long), cô Trịnh Thị Thủy hiểu rằng, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ không thể xem nhẹ.
Là Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi xanh 1 (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long), cô Trịnh Thị Thủy hiểu rằng, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ không thể xem nhẹ.
Đề tài “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong Trường Mầm non Tuổi Xanh 1” được cô chọn lựa thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non.
Cô Trịnh Thị Thủy được nêu gương tại Hội nghị điển hình tiên tiến của TP Vĩnh Long. |
Nâng cao ý thức về môi trường
Nhận thấy giáo viên, nhân viên (GV-NV) còn xem nhẹ, chưa nhận thức sâu về việc bảo vệ môi trường, chưa biết tận dụng rác thải trong dạy- học để bảo vệ môi trường, cô Trịnh Thị Thủy đã tập trung tuyên truyền đến GV và cả học sinh việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách và không thể xem nhẹ.
Khi kinh tế- xã hội càng phát triển thì vấn đề bảo vệ môi trường càng cần được quan tâm để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Hàng năm, sau khi được sự chỉ đạo của Phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long và UBND xã Tân Hòa, nhà trường đã tạo điều kiện cho 100% CB-GV-NV tham gia học tập nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của các cấp;
tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức để toàn thể nhà trường biết và thực hiện nghiêm túc; xây dựng tiêu chuẩn thi đua có nội dung về bảo vệ môi trường và triển khai 100% CB-GV-NV đăng ký thực hiện.
Việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là việc nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả CB-GV-NV, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài.
Đây là nhiệm vụ rất cần thiết và hết sức quan trọng, vì chỉ cần một cá nhân không có ý thức bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến nhà trường, những người xung quanh và toàn xã hội.
Do đó, nhà trường lồng ghép sinh hoạt bảo vệ môi trường trong các hoạt động như: tuyên truyền trên loa phát thanh buổi sáng và chiều hàng ngày, trong các buổi họp phụ huynh, họp hội đồng sư phạm, các lớp tập huấn, cung cấp tài liệu, tranh ảnh tuyên truyền về bảo vệ
môi trường...
Bên cạnh đó, giáo dục cho trẻ biết tác hại của việc ô nhiễm môi trường, việc bảo vệ môi trường không phải của riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà tất cả mọi người đếu phải làm. Dù một việc làm nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc cây xanh,… là đã biết bảo vệ môi trường.
Việc hình thành thói quen giữ vệ sinh trong nhà trường đã được cô Thủy chỉ đạo thực hiện bằng việc xây dựng lịch tổng vệ sinh trường hàng tuần, hàng ngày phải tự vệ sinh mỗi phòng ban, nơi làm việc của mình.
Đi đôi với việc nâng cao nhận thức là phải cung cấp cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất (thùng rác, nơi đổ rác…), phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ làm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới môi trường.
Hiệu quả thực tế từ mô hình
Hàng ngày, trong nhà trường có rất nhiều loại rác thải như: hộp sữa, chai nhựa, vỏ bọc ny lông, giấy…
Cô Thủy đã hướng dẫn cho CB-GV-NV và trẻ phân loại rác và sau mỗi ngày làm việc, các loại rác thải được các cô xử lý đúng quy định như rác hữu cơ được vận chuyển đi xử lý; rác vô cơ được mang ra khu chôn lấp rác thải; rác tái chế như giấy, kim loại, vỏ hộp, ny lông… sẽ được tái chế làm đồ chơi, đồ dùng hoặc bán lấy tiền.
Những chiếc túi ny lông khó phân hủy được các cô và trẻ tận dụng lại để làm hoa, lá, trang phục trình diễn thời trang và còn nhiều món đồ dùng học tập xinh xắn, hữu ích…
Từ việc tận dụng nguyên vật liệu phế thải làm đồ dùng dạy học, nhà trường đã tiết kiệm được trên 8 triệu đồng/năm.
Cô Trần Thị Thanh Thảo- tổ trưởng Khối Lá của trường- rất tâm đắc với mô hình này. Cô cho rằng nó rất phù hợp, nhất là trong các giờ dạy tạo hình, các bé được cô hướng dẫn tái chế đồ dùng học tập từ những vỏ chai nhựa các bé mang theo từ nhà vào, cô và trò cùng sáng tạo, cùng học hỏi.
Qua mô hình, giáo viên vừa dạy trẻ bảo vệ môi trường, cách phân loại rác và nhất là trẻ đã có ý thức bảo vệ môi trường rất tốt.
“Đây là cách dạy trẻ trực quan sinh động, tìm hiểu những đồ vật xung quanh mình qua những mô hình, đồ dùng mà cô và trò cùng làm cùng học nên trẻ rất vui, rất hứng thú với việc học nên chất lượng giảng dạy đạt hiệu quả cao”- cô Thảo chia sẻ.
Cô Trịnh Thị Thủy cho biết: “Phải mạnh dạn đề ra những giải pháp và cách làm hay để cùng bàn bạc và thống nhất trong hành động mới đem lại hiệu quả cao nhất.
Đồng thời phải xây dựng được đội ngũ đoàn kết vững mạnh về mọi mặt, biết vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, riêng bản thân tôi phải nêu gương, đi đầu trong mọi phong trào, phải biết khích lệ bằng nhiều hình thức khen thưởng, tạo động lực thúc đẩy tinh thần đội ngũ giáo viên”.
Với giải pháp “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”- cô Trịnh Thị Thủy đã lãnh đạo trường đạt giải thưởng Môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên- Môi trường; bằng khen của Tỉnh ủy, đạt giải nhất hội thi “Báo công dâng Bác”, mô hình “Chung tay thực hành tiết kiệm”; Giải III Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ IV, mô hình “Vĩnh Long quê em” và nhiều giải thưởng trong các hội thi đồ dùng dạy học. Đặc biệt, đơn vị nhiều năm liền đạt cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh và năm học vừa qua trường vinh dự nhận cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin