Việt Nam thúc đẩy và đảm bảo quyền của người khuyết tật

01:06, 14/06/2018


Ngày 13/6, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã hoan nghênh chủ đề của hội nghị năm nay "Không ai bị bỏ lại phía sau thông qua triển khai đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật." 

Ngày 13/6, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã hoan nghênh chủ đề của hội nghị năm nay “Không ai bị bỏ lại phía sau thông qua triển khai đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật." 

(Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN)
(Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN)


Đại sứ nhận định chủ đề này cho thấy mối quan hệ mật thiết, bổ trợ giữa việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và CRPD hướng tới mục tiêu xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. 

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định Việt Nam coi sự bình đẳng và không phân biệt đối xử là những nguyên tắc nền tảng của việc thúc đẩy và bảo đảm quyền của tất cả mọi người, trong đó có quyền của người khuyết tật; việc thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ cuộc sống, thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của người khuyết tật trong xã hội, trong đó có việc xây dựng các Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập cho người khuyết tật, chính sách ưu đãi khuyến khích các tổ chức hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho việc đào tạo nghề, giáo dục, tạo việc làm cho người khuyết tật, nâng cao chất lượng thống kê phục vụ công tác hoạch định chính sách. 

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm 12/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết CRPD là một trong những điều ước quốc tế được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất với 177 thành viên, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của 1,5 tỷ người khuyết tật. 

Ông Guterres nhấn mạnh người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vẫn đang phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử, cản trở tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm. Do vậy, việc bảo vệ quyền của người khuyết tật là “một mệnh lệnh của lương tri," khẳng định tính thiết yếu của việc công nhận quyền của người khuyết tật trong việc xây dựng các xã hội lành mạnh, bền vững, có lợi cho tất cả mọi người. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước lồng ghép vấn đề khuyết tật vào hệ thống pháp luật, chiến lược phát triển quốc gia, xóa bỏ các rào cản, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia và đóng góp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời củng cố các khuôn khổ chính sách đa phương và toàn cầu về vấn đề người khuyết tật để hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 là không ai bị bỏ lại phía sau. 

Cũng trong khuôn khổ hội nghị trên, các bên tham gia đã tiến hành nhiều phiên thảo luận chuyên đề về không gian tài chính quốc gia, quan hệ đối tác công-tư và hợp tác quốc tế nhằm tăng cường triển khai CRPD, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật và tham gia trong lĩnh vực chính trị và sự công nhận bình đẳng trước pháp luật. 

Nhân dịp này, hội nghị đã bầu ra chín thành viên mới của Ủy ban Công ước CRPD cho nhiệm kỳ 2019-2022 gồm Lítva, Nigeria, Australia, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Ghana, Indonesia, Brazil và Mexico./. 

Theo TTXVN/VIETNAM+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh