Bảo vệ "thiên thần nhỏ" trên mạng xã hội

05:06, 01/06/2018

Mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành một công cụ trong giao tiếp hàng ngày. Song, mặt trái của công nghệ này là việc thiếu kiểm soát thông tin có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà đôi khi từ sự chủ quan của người lớn.

Mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành một công cụ trong giao tiếp hàng ngày. Song, mặt trái của công nghệ này là việc thiếu kiểm soát thông tin có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà đôi khi từ sự chủ quan của người lớn.

Cần nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ dịp hè. Ảnh: VINH HIỂN
Cần nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ dịp hè. Ảnh: VINH HIỂN

Khoe con trên mạng khác nào hại con

Theo số liệu thống kê của Facebook năm 2018, Việt Nam có khoảng 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 48 triệu tài khoản Facebook. Riêng thống kê của Unicef năm 2017 thì hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15- 24.

Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%).

Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. 

Môi trường mạng mang đến nhiều lợi ích tích cực, đồng thời xuất hiện nhiều nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

Mạng xã hội tuy ảo nhưng thật, đôi khi những cái like (thích), share (chia sẻ) hay comment (bình luận) ác ý bỗng chốc hóa thành cơn thịnh nộ chà đạp nhân phẩm, danh dự một con người.

Những sự việc nữ sinh tự tử khi bị tung clip tình cảm vì không chịu nỗi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng.

Trẻ em đang đối diện với nhiều nguy cơ từ mạng xã hội, bởi thời gian qua, nhiều phụ huynh vẫn thường có thói quen, sở thích đăng ảnh khoe con, khoe thành tích học tập của con lên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo...

Không khó để thấy hình ảnh các bé khóc, cười, vui chơi được các phụ huynh đưa lên. Nhiều hình ảnh trong đó đều trong tình trạng sinh hoạt cá nhân tại nhà như khi đang tắm, ăn uống, ngủ… trở thành tâm điểm để dân mạng thi nhau bình phẩm, khen, chê...

Bé Bảo Ngọc (8 tuổi, Phường 1- TP Vĩnh Long) kể: “Con bị sún răng khóc xấu hoắc mà mẹ chụp rồi up face. Hình đẹp con mới khoái up, hình xấu con thấy mẹ chụp xong con lấy điện thoại, con xóa ngay”.

Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) chia sẻ tại hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng:

Trước đây, chúng ta nói thế giới mạng là thế giới ảo, nhưng giờ đây nó không ảo. Một trong các lý do “không ảo” là những hậu quả gây ra tổn hại cho trẻ trên mạng, song lại xảy ra ở đời thực.

Cụ thể, các chứng nghiện game ảnh hưởng tinh thần, học tập, sức khỏe của trẻ, có trường hợp phải vào viện cấp cứu.

Việc đưa thông tin bất lợi cho trẻ em đã dẫn đến những sang chấn tâm lý trẻ. Rồi những tổn hại như xâm hại tình dục trên mạng dẫn tới xâm hại trong đời thật…

Trang bị “vắc xin” để trẻ an toàn trên mạng

Xã hội ngày nay, điện thoại, TV, iPad… trở thành “bảo mẫu” của trẻ một cách bất đắc dĩ. Ảnh: THÚY QUYÊN
Xã hội ngày nay, điện thoại, TV, iPad… trở thành “bảo mẫu” của trẻ một cách bất đắc dĩ. Ảnh: THÚY QUYÊN

Đối với giới trẻ hiện nay, Facebook chính là niềm vui, nỗi buồn và là niềm đam mê chính “tìm hiểu xã hội”. Song, khi lạm dụng thái quá sự đam mê ấy lại trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến học tập.

Thực tế cho thấy có nhiều trẻ vị thành niên mê Facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học hành. Nhiều trẻ vị thành niên sau khi quay lại bàn học vẫn lưu luyến Facebook mà không thể tập trung được.

Em T.T.H. (13 tuổi, Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Em thường lên mạng để chat với bạn em. Face có nhiều cái xấu mà cũng nhiều cái tốt.

Cái xấu là nhiều người lớn chia sẻ những ảnh bậy bạ, nhiều bạn đăng face rủ đánh lộn, có bạn ở Khánh Hòa nói nếu đủ 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường và bạn đó đốt thiệt, bị phỏng nữa; có bạn nói sốc nhau và gửi clip chửi nhau tùm lum”.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Khi phát hiện mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, cần gọi ngay 111- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (miễn phí).

Còn N.T.U.- học sinh Trường THCS-THPT Trưng Vương thừa nhận: “Một ngày em vào face khá nhiều, những lúc rảnh là em vào face. 

Cái hại của face là có những bạn lên đó sống ảo, rồi đăng những cái bậy bạ lên. Có những lúc em cũng phải lên đó để xem có bạn nào nói xấu mình không”.

Ngày nay, để thuận tiện trong công việc, trong giao tiếp, nhiều phụ huynh đã trang bị cho con mình những thiết bị công nghệ và cài sẵn những trò chơi game mà con yêu thích để làm bạn, thậm chí làm bảo mẫu bởi khi đó trẻ rất ngoan ngoãn, không quấy phá.

Chỉ cần có điện thoại thì việc cho trẻ ăn, cho trẻ uống cũng trở nên dễ dàng hơn. Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Quới An- Vũng Liêm) thở dài: “Ngày xưa trẻ con mê chơi, trốn ba mẹ đi chơi, kêu hổng chịu về.

Giờ thì ngược lại, tụi nhỏ lâu lâu về quê chơi cũng hổng thèm ra vườn hái trái cây, tắm sông nữa mà chỉ biết cắm mặt vào điện thoại mà cười vui với nó, hổng thèm hỏi han, trò chuyện với ông bà gì hết. Buồn”.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ ba mẹ cần phải biết cách giúp con nhận ra các nguy cơ trên mạng xã hội, không để mặc con bị lôi kéo trên thế giới online, biết tự bảo vệ mình, biết miễn nhiễm trước các trào lưu xấu.

Có con gái đang ở “tuổi ô mai”- anh Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: “Việc chơi mạng xã hội của con là xu hướng của giới trẻ, nên mình vẫn cho trẻ chơi nhưng phải kiểm soát tác dụng của nó như thế nào, phải giới hạn thời gian”.

Còn chị Trần Ngọc Hà (Phường 5- TP Vĩnh Long) băn khoăn: “Có lúc tôi giật mình khi thấy buổi tối vợ chồng mỗi người điện thoại và con lớn thì chơi laptop, gái nhỏ thì chăm chú xem iPad.

Chúng tôi chịu khó đưa con đi chơi, mua thêm sách và ra quy định mỗi ngày, các thành viên chỉ lướt mạng nửa tiếng. Đặc biệt, thứ bảy và chủ nhật thì wifi trong nhà tắt, cả nhà không sử dụng điện thoại, cùng đi ăn sáng, uống cà phê để cả nhà giao tiếp với nhau nhiều hơn”.

Xác định môi trường mạng hiện nay đã trở thành tất yếu, để chung sống an toàn với môi trường mạng, theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, biện pháp tốt nhất chính là hướng dẫn cha mẹ và trẻ em có kỹ năng tự bảo vệ mình.

Biết tận dụng tối đa thế mạnh của thế giới số, hạn chế tối đa tổn hại có thể gây ra cho mình- khi trở thành công dân của thế giới số.

Chính cha mẹ, giáo viên- những người có vai trò quyết định nhất- thay vì theo dõi, “đột nhập”, can thiệp thô bạo vào các “bí mật” trên mạng của trẻ em thì hãy làm cách nào để trẻ em tự kể, tự chia sẻ.

Chính thế hệ đi trước cần học hỏi tích cực để có thể làm bạn, kết nối và bảo vệ trẻ em một cách tốt hơn. Bản thân trẻ em cần học tập, rèn luyện kỹ năng, như “vắc xin” tự bảo vệ để trở thành công dân công nghệ số một cách tích cực nhất. 

Ông Nguyễn Hoài Nam- Cục An toàn thông tin ( Bộ Thông tin Truyền thông) gợi ý: Các gia đình nên để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể quản lý được (ví dụ ở phòng ngủ của cha mẹ); kích hoạt các chức năng an toàn cho trẻ em ở hệ điều hành và trình duyệt web; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn (turn on safesearch) với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em. Ví dụ, Qustodio (công cụ quản lý máy tính), KidLogger (công cụ nắm bắt hoạt động của trẻ trên mạng), Zoodles (trình duyệt web an toàn cho trẻ)…

THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh