Việc xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở vật chất văn hóa (CS.VCVH) vẫn đang là "bài toán" đặt ra, đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ càng giữa nhu cầu thực tế chứ không chỉ "xây xong... để đó", cốt cho đạt tiêu chí số 6 trong xây dựng nông thôn mới về CS.VCVH rồi thôi.
Trong hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) cơ sở, các trung tâm văn hóa thể thao (TT.VHTT) xã, Nhà VH xã, Nhà VH- khu TT liên ấp luôn được “nhấn mạnh” là bộ phận không thể thiếu vì nó giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, nâng cao tri thức, thỏa mãn nhu cầu VH của người dân.
Tuy nhiên, việc xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở vật chất văn hóa (CS.VCVH) vẫn đang là “bài toán” đặt ra, đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ càng giữa nhu cầu thực tế chứ không chỉ “xây xong... để đó”, cốt cho đạt tiêu chí số 6 trong xây dựng nông thôn mới về CS.VCVH rồi thôi.
Kỳ 1: Chưa phát huy công năng, hiệu quả
Thời gian qua, các trung tâm, nhà văn hóa xã... chưa phát huy đồng bộ chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống tinh thần cộng đồng. |
Để đạt tiêu chí số 6 trong xây dựng nông thôn mới thì các CS.VCVH phải được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy các TT.VHTT xã, Nhà VH xã, Nhà VH- khu TT liên ấp chưa phát huy đúng tầm đầu tư xây dựng, gây tốn kém, lãng phí. Có nơi ít hoạt động thậm chí không hoạt động. Mặc dù tỉnh đã cấp thêm kinh phí, nhân lực nhưng vẫn chưa mấy khởi sắc.
Vị trí không thuận lợi, cơ sở vật chất không đảm bảo
Nhà VH xã Mỹ Thuận là một trong các công trình CS.VCVH của huyện Bình Tân được xây nhiều năm nay nhưng không có người đến sinh hoạt, phòng đọc sách bám đầy bụi, hội trường thiếu ánh sáng, “tổng thể cũ kỹ, dụng cụ hư hỏng, buổi tối có bật đèn cũng... lờ mờ, tối om hà”- anh Nguyễn Minh Khôi- người dân sống gần đó cho biết.
Không nằm ngay tuyến đường chính, đường đi không thuận lợi là một trong những nguyên nhân khiến cho Nhà VH xã Mỹ Thuận khó thu hút người dân đến sinh hoạt.
Được xây gắn kết, cạnh UBND xã, tuy nhiên mặt tiền của TT.VH- Học tập cộng đồng xã Tích Thiện (Trà Ôn) lại xây ngược với trục đường chính- quay lưng với mặt tiền của UBND xã, còn các phòng chức năng luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài” lại bị hư, sút, bể kiếng; bên trong bàn ghế ọp ẹp, dụng cụ cũ kỹ.
Sau 3 năm về đích nông thôn mới, Nhà VH- khu TT liên ấp Tích Phú- Phú Quới- Tích Quới (xã Tích Thiện) vẫn chưa được bố trí nhà để xe, còn hội trường thì không có bàn ghế, nên mỗi khi tổ chức sinh hoạt, hội họp phải qua nhà dân mượn bàn ghế.
Nằm ở phía sau UBND xã, TT.VHTT xã Mỹ Lộc (Tam Bình) chỉ đông người khi xã tổ chức hội họp. Các phòng chức năng được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng bị bụi bặm vây kín, nhất là phòng đọc sách. Theo nhiều người dân, việc mở TT.VHTT xã ngay phía sau nơi làm việc của UBND xã là không phù hợp, cộng thêm lối vào chung nhỏ hẹp nên mọi người rất “ngại” đến sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Năm- Phó Chủ tịch UBND xã- cho biết: Hơn 5 năm nay, TT.VHTT xã tổ chức khá nhiều loại hình hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân, nhưng chỉ có phong trào thể dục dưỡng sinh là thế mạnh. Còn phòng đọc sách, phòng truyền thống thì chẳng có người nào “dòm ngó” đến.
Một phần do người dân bận đi làm ăn xa, phần khác thì ai cũng... “ngán ngại” đi qua UBND xã, cộng với thứ bảy và Chủ nhật thì UBND xã đóng cửa nghỉ làm việc nên người dân không thể vào trung tâm được.
Phòng tập thể hình của TT.VHTT xã Phú Lộc được đầu tư nhiều dụng cụ luyện tập nhưng rất ít được sử dụng. |
Thiếu kinh phí, kém sức hút
TT.VHTT xã Phú Lộc (Tam Bình) nằm cạnh UBND xã và ngay trục lộ lớn- nơi có đông người qua lại, khá thuận tiện cho người dân đến sinh hoạt. Mặc dù được đầu tư đầy đủ CSVC nhằm phục vụ tốt cho các phong trào ở địa phương và được mở cửa phục vụ thường xuyên, nhưng tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn, “hoạt động chỉ sôi nổi chủ yếu vào những dịp lễ, một số phòng chức năng chưa phát huy hiệu quả”- ông Trần Minh Dưỡng- Phó Chủ tịch UBND xã- nói.
Phòng tập thể hình của trung tâm được trang bị 7 máy tập, nhưng chỉ có 2- 3 máy được sử dụng, còn lại hầu như... chẳng ai đụng tới. “Sáng sớm chỉ có vài chị em phụ nữ đến tập. Thiết bị đầu tư mới như vầy không sử dụng hết cũng uổng phí. Sắp tới, xã sẽ giao cho Hội LHPN xã quản lý để thu hút chị em đến đây tập nhiều hơn”- ông Nguyễn Thành Tánh- Công chức VH xã Phú Lộc- cho hay.
TT.VHTT xã An Phước (Mang Thít) được gắn kết hoạt động với hoạt động của Đình Hòa Phú và trung tâm học tập cộng đồng, có tên là TT.VHTT đình Hòa Phú; tọa lạc cặp Đường tỉnh 902, cách UBND xã 1km về phía Nam và ở khu vực đông dân cư và được Nhà nước trang bị CSVC, kinh phí nhằm tạo điều kiện cho hoạt động.
Tuy nhiên, theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 thì trung tâm vẫn còn thiếu thiết bị phục vụ cho người cao tuổi và thiết bị vui chơi cho trẻ em.
Song, “kinh phí vẫn còn ít và chưa đáp ứng kịp thời so nhu cầu, nhiệm vụ của trung tâm; hầu hết cán bộ đều kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa cao, luôn thay đổi ban chủ nhiệm cũng như thành viên nên hoạt động còn hạn chế, hiệu quả chưa cao”- ông Phan Thanh Cần- Giám đốc TT.VHTT Đình Hòa Phú- cho biết.
Với khuôn viên rộng đến 4.000m2, TT.VHTT xã Tân Bình (Bình Tân) được xem là khá rộng (quy định 2.500m2) để tổ chức các hoạt động. Tuy nhiên, hạn chế là sân tập lại quá nhỏ và CSVC bên trong chưa đẹp, các cây đố, cây đà đều trong tình trạng... sắp rớt. Các phòng chức năng đã xuống cấp không còn hoạt động được nữa, chỉ có hội trường 200 chỗ mới xây là chắc chắn.
Nhà VH- khu TT cụm ấp Tân Trung- Tân Qui- Tân Phước (xã Tân Bình) dường như... bị “bỏ quên” với sơn tường bong tróc, bậc thềm loang lổ. Ổ khóa các phòng đã gỉ sét, bên trong bám đầy bụi, tủ sách chỉ loe hoe vài quyển sách- thậm chí dây ny lông còn buộc chặt và cũ sờn. Trước sân không có hệ thống đèn chiếu sáng, sân chơi thể thao thì cỏ chết khô, giàn lưới ngả nghiêng.
Qua thời gian hoạt động, các CSVC, Nhà VH xã Chánh An (Mang Thít) đã xuống cấp, nên gặp khó khăn trong công tác bảo quản trang thiết bị, sổ, sách báo... cũng như tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, giao lưu văn nghệ tại địa phương.
Theo ông Trương Thanh Sơn- Chủ tịch UBND xã: Hàng năm, UBND xã dành một phần ngân sách cho hoạt động của nhà VH và có kế hoạch duy trì, củng cố các thiết chế VH và vận động người dân tập luyện thể dục- thể thao. Tuy nhiên, CSVC và trang thiết bị chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.
Song, do địa bàn xã nằm ở vùng nông thôn sâu, điều kiện kinh tế khó khăn nên công tác xã hội hóa còn hạn chế và người dân phải lo bươn chải làm ăn nên chưa mặn mà cũng như không có thời gian để tập luyện hay tham gia các hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Nhẹ- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bình Tân: Hiện, huyện có 3 nhà VH xã nhưng tất cả đều đang xuống cấp. Nhìn chung, các CSVC, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thể dục- thể thao còn hạn chế, sân chơi, bãi tập chưa được đầu tư kịp thời là nguyên nhân khiến các CS.VCVH hoạt động không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức. Ông Võ Trung Thứ- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin huyện Tam Bình: Hiện, các phòng chức năng của các CS.VCVH chưa phát huy hiệu quả. Việc tổ chức các hoạt động cũng chưa thường xuyên. Một số loại hình sinh hoạt CLB chưa tạo được sức hút. Hiện, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp VH ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Cụ thể, TT.VHTT xã, nhà VH xã được hỗ trợ 20 triệu đồng/năm, nếu kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng thì được gộp chung được 40 triệu đồng/năm. Nhà VH- khu TT liên ấp thì 5 triệu đồng/năm. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CẨM HUỆ
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin