Choáng với chiêu trò giả ngất xỉu để xin tiền

01:06, 01/06/2018

Nếu gặp một người bị ngất xỉu thì sẽ có sự đồng cảm và "móc bóp" ra cho tiền người bị ngất xỉu. Đánh vào bản năng thương cảm của con người, người phụ nữ nọ đã giở chiêu trò giả ngất để ăn xin.

Nếu gặp một người bị ngất xỉu thì sẽ có sự đồng cảm và “móc bóp” ra cho tiền người bị ngất xỉu. Đánh vào bản năng thương cảm của con người, người phụ nữ nọ đã giở chiêu trò giả ngất để ăn xin.

Chưa đầy 2 giờ đồng hồ, 2 “màn diễn” lừa đảo của người phụ nữ đã “móc bóp” của người qua đường không ít tiền. Trong ảnh: Người phụ nữ đang nằm “bất động” trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 9).
Chưa đầy 2 giờ đồng hồ, 2 “màn diễn” lừa đảo của người phụ nữ đã “móc bóp” của người qua đường không ít tiền. Trong ảnh: Người phụ nữ đang nằm “bất động” trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 9).

Khoảng 19 giờ 30 ngày 21/5/2018, trên cầu Bình Lữ (Phường 9- TP Vĩnh Long) có một phụ nữ khoảng 18- 20 tuổi, hình dáng gầy gò đi đến giữa cầu thì ngất xỉu và nằm bất động.

Bên cạnh là đôi dép cũ và chiếc giỏ màu hồng phấn, bên trong giỏ có chiếc điện thoại “cùi bắp” hết pin. Sự việc gây nhiều sự chú ý của người đi đường.

Được người đi đường đỡ dậy, chỉ trong ít phút phụ nữ nọ đã tỉnh. Người đi đường xúm lại hỏi han. Phụ nữ nọ cho biết, chị đói quá không có tiền ăn nên xỉu. Những người vây quanh nghe vậy liền móc bóp lấy tiền cho chị.

Chị nhận được khoảng 500.000đ. Thấy chị đã tỉnh táo trở lại nên người đi đường lần lượt lên xe đi. Trong khoảnh khắc, chị nọ cũng đứng dậy “tỉnh khô” rồi đi về hướng ngã ba Cần Thơ với điệu bộ “lấm la lấm lét” quan sát xung quanh như để thừa cơ diễn tiếp vở kịch.

Và đúng như vậy, đi bộ thêm một quãng đường, đến đường Võ Văn Kiệt (Phường 9), chị nọ bắt đầu trình diễn lại màn kịch: để giỏ và dép trên đường với tư thế nằm y lúc nãy.

Và, người đi đường, người xung quanh đó đỡ chị nọ dậy và hỏi han. Chị nọ cho biết, đi chơi cùng bạn nhưng bạn bỏ chị đi chơi với người bạn khác.

Chị không có tiền ăn và tiền xe đi về, đi bộ từ sáng đến giờ, đói quá nên xỉu. Hỏi chị nọ số điện thoại của bạn để điện giúp thì chị không nhớ.

Nghe chị kể, người dân xung quanh động lòng cho chị tiền mà không hề biết mình đã bị lôi vào làm “diễn viên” cho một vở kịch. 2 “màn diễn” lừa đảo của chị nọ khá hiệu quả khi “móc bóp” của người qua đường không ít tiền.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến màn kịch lừa đảo như thế này. Cách đây không lâu trên địa bàn TP Vĩnh Long, phát hiện người đàn ông giả xe hư hay vụ nam thanh niên mặt áo Đoàn thanh niên giả sinh viên tỉnh Trà Vinh đi lạc không tiền về quê, đôi nam nữ giả bị bệnh lở loét,…

Những chiêu trò lừa đảo này với mục đích đánh vào lòng thương cảm, tâm lý luôn sẵn sàng giúp đỡ của mọi người.

Thực tế thì trong xã hội có những trường hợp rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Vì vậy, khi muốn giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó, trước hết ta nên xác định thông tin về đối tượng để tránh bị lừa gạt, để lòng tốt không trở thành “tiếp tay” cho những kẻ lừa đảo (vì theo phản ứng dây chuyền, sẽ có nhiều người đồng cảm và “móc bóp” ra để giúp như những người tốt trước đó).

Chúng ta thật sự tỉnh táo để giúp đúng người, đúng cách, để những “màn kịch” trên sớm “hạ màn”.

Bài, ảnh: HỮU THẮNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh