Vấn đề sống sót dưới nước không chỉ cần mỗi kỹ năng bơi, mà cần trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống đuối nước khác.
Vấn đề sống sót dưới nước không chỉ cần mỗi kỹ năng bơi, mà cần trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống đuối nước khác.
Trang bị kỹ năng bơi để phòng chống tai nạn đuối nước là một việc làm hết sức cần thiết. |
Đuối nước gây tử vong hàng đầu cho trẻ
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trong các loại hình tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi. Trung bình hàng năm, ở Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Có thể thấy tai nạn thương tích- trong đó có đuối nước- không những ảnh hưởng đến sự phát triển của các em, mà còn cướp đi sự sống, để lại những nỗi đau không nguôi trong nhiều gia đình.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay có 9 trẻ tử vong do đuối nước. Hầu hết những vụ tai nạn đuối nước là do trẻ không biết bơi, trẻ biết bơi thì thiếu kỹ năng cứu bạn nên bị đuối nước.
Trường hợp đuối nước của 2 em sinh đôi, con của anh Huỳnh Phi H. (xã Đông Thành- TX Bình Minh). Anh H. có 3 cô con gái sinh ba được 12 tuổi, nhưng cả 3 em đều không biết bơi. Vào dịp nghỉ tết, 3 em được gia đình cho về quê chơi.
Do nhà của dì ở gần sông nên 3 em cùng người bạn đồng trang lứa rủ nhau đi tắm sông. Vì không biết bơi nên 2 trong số 3 chị em ruột bị chết đuối.
“2 con bị đuối nước, gia đình gần như suy sụp, nhà trường hết sức thương tiếc, vì cả 2 đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Gia đình tui thuộc hộ nghèo, bản thân tui lại mang trong người nhiều bệnh tật, nên từ khi con mất, buồn nhớ thương con nên sức khỏe của tui càng suy kiệt”- anh H. rưng rưng.
Trưa 22/4/2018, bé Lưu Thiên P.- học lớp mầm (ở Tam Bình) ra trước cửa nhà để câu cá nhưng không may trượt chân xuống sông. Khi người thân phát hiện có cần câu cá và đôi dép của bé ở bờ sông, nhảy xuống mò tìm nhưng bé đã tử vong.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của ba mẹ, để trẻ tự vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.
Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên...
An toàn cho con trong môi trường nước
Một trong những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long trong phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ là tuyên truyền rộng rãi trong dân nên dạy bơi cho trẻ em, nhất là các xã vùng sông nước; tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí. Ngoài ra, các địa phương còn vận động xã hội hóa nhằm làm sao có nhiều trẻ được học bơi, để phòng tránh đuối nước.
Đưa con đi học bơi miễn phí tại xã, chị Lê Thị Ngọc Diễm (xã Thành Đông- Bình Tân) cho biết: “Lớp bơi mở đúng dịp hè nên con tui mừng lắm. Tui cũng dành thời gian đến trông con, con biết bơi rồi tui cũng yên tâm”.
Tại hồ bơi Hoàng Hảo, anh Nguyễn Quang Thức (Phường 4- TP Vĩnh Long) hướng dẫn con trai là bé Quang Duy (9 tuổi) đang “làm nóng” người trước khi xuống bơi. Anh cho biết: “2 con tôi được học bơi từ nhỏ nên giờ bơi được ra hồ sâu luôn.
Song, con muốn đi bơi tôi đều theo quan sát. Tôi luôn nhắc con phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, đeo kính bảo hộ, xử lý ra sao khi bị chuột rút, đặc biệt khi chuyển qua giai đoạn sống sót trong vùng nước sâu, con vẫn phải rèn kỹ thuật đứng nước. Vì không để ngộp thở hay hoảng loạn trong nhiều tình huống là yếu tố quan trọng để tránh đuối nước”.
Bé Quang Duy hí hửng khoe: “Giờ biết bơi rồi con thích lắm, bơi được giúp con khỏe, con cao lên nè, không bị béo phì nữa”.
Trước khi nghỉ hè, 350 học sinh khối 10 Trường THPT Tân Quới (Bình Tân) được Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Vĩnh Long hướng dẫn những kiến thức cơ bản về cách tiếp cận, ứng cứu người bị đuối nước và cách sơ cứu ban đầu đối với người bị nạn.
Tuyên truyền để các em biết tự bảo vệ bằng cách mặc áo phao hoặc cầm nắm dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thủy. Khi phát hiện trường hợp đuối nước, các em cũng có những kỹ năng cần thiết để cứu vớt người bị nạn.
Trung tá Huỳnh Thanh Phong cho biết: “Khi gặp bạn đuối nước, các em phải hô to để tạo chú ý mọi người xung quanh cùng nhau cứu bạn. Tận dụng hết sào, dây, gậy, can nhựa để quăng cho bạn.
Trong trường hợp biết bơi thì các em cần biết kỹ năng cứu đuối như lặn xuống và tiếp cận bạn từ sau lưng, để tránh bạn hoảng ôm bám, gây nguy hiểm cho chính mình. Sau đó kéo bạn vào người mình, bơi ngửa vào bờ. Chú ý nâng cằm bạn lên cao để nạn nhân thở, đưa vào bờ để sơ cấp cứu”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2- Nguyễn Quang Tiến- Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cha mẹ nên tìm hiểu kiến thức sơ cứu về tai nạn đuối nước để đề phòng những trường hợp không may xảy ra.
Khi phát hiện trẻ ngã xuống nước, cha mẹ cần bình tĩnh, nhanh chóng kêu gọi những người xung quanh hỗ trợ cứu trẻ. Sau khi trẻ được đưa lên bờ, cần kiểm tra đường thở của trẻ. Nếu trong miệng hay mũi của trẻ có dị vật, cần móc ra ngay lập tức, sau đó đặt trẻ nằm nghiêng sang bên để nước có thể thoát ra khỏi đường thở.
Nếu thấy trẻ ngừng thở, ngay lập tức để trẻ nằm ngửa sau đó lấy tay bịt mũi, hít thật sâu và ngậm kín miệng trẻ, thổi hơi dài, làm lại liên tiếp 2 lần. Tiếp tục ép tim lồng ngực bằng cách dùng 2 tay đan nhau, đặt lên 1/3 xương ức về phía ngực trái của trẻ và ép liên tục cho đến khi có nhân viên y tế tới.
Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hơn 77% trẻ bị đuối nước ngay tại cộng đồng. Trong đó, có tới 22% trẻ bị đuối ngay trong môi trường cạnh nhà, thậm chí các em bị đuối nước ngay trong nhà tắm do sự bất cẩn của ông bà, ba mẹ. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin