Nguy cơ mắc tai nạn lao động trong nông nghiệp

04:05, 15/05/2018

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), nguy cơ mắc tai nạn lao động (TNLĐ) trong nông nghiệp (NN) rất cao và đang ở mức báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.

 

Phun thuốc trừ sâu cho lúa trong khi không có đồ bảo hộ lao động dễ xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe bản thân.
Phun thuốc trừ sâu cho lúa trong khi không có đồ bảo hộ lao động dễ xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe bản thân.

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), nguy cơ mắc tai nạn lao động (TNLĐ) trong nông nghiệp (NN) rất cao và đang ở mức báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.

Nông dân còn chủ quan

Nhiều nông dân bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi phun xịt thuốc mà không có đồ bảo hộ hoặc phun không đúng cách. Và, một bộ phận nông dân vẫn còn thói quen vứt bỏ bao bì, vỏ thuốc BVTV ngoài đồng ruộng, mương vườn làm ảnh hưởng tiêu cực đến
môi trường.

Khi phun thuốc, đa số nông dân không trang bị phương tiện bảo hộ. Thường là họ phun thuốc để diệt sâu bệnh chứ chưa nghĩ đến an toàn cho bản thân và môi trường.

Bà con không chú ý đến các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc trừ sâu, nhất là không có đồ bảo hộ, không đeo khẩu trang, không để ý hướng gió, liều lượng phun xịt... thậm chí có người còn dùng tay trần để pha chế thuốc, nếm thuốc để kiểm tra nồng độ; phun thuốc xong lại hút thuốc.

Có người dùng tay lau mồ hôi; xịt thuốc xong, rửa tay chân qua loa rồi… ăn cơm. Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc tại chỗ khi phun thuốc BVTV, số bị bệnh do ảnh hưởng của dư lượng thuốc về lâu dài tất nhiên không thể tránh khỏi.

Trung bình, nông dân phun từ 5- 8 lần/vụ lúa, tương ứng với lượng bao bì, vỏ thuốc sử dụng khoảng 3- 4 kg/ha. Anh Nguyễn Văn B. (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết: “Đeo bình thuốc 16 lít nặng muốn xệ vai, lội dưới ruộng giữa trưa nắng nóng mà bịt miệng thì thở làm sao nổi. Mỗi mùa, xịt có tý là xong, khỏi bao tay, bịt mặt chi phiền
phức lắm”.

Không chỉ có nông dân, một số chủ cửa hàng bán thuốc BVTV cũng phớt lờ và chủ quan với những nguy hiểm đang rình rập. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng bày biện đủ loại thuốc ngay tại gian nhà trước để bán và vô tư ăn uống cạnh quầy thuốc hôi nồng nặc.

Việc một số nông dân thiếu ý thức vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường và nguy hại đối với sức khỏe con người.

Thời gian qua, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đã tiến hành thu gom rác thải thuốc BVTV.

Ngành chức năng lắp đặt hố chứa rác thải BVTV trên đồng ruộng và thu gom tiêu hủy định kỳ. Trong số gần 120.000ha đất sản xuất nông nghiệp thì toàn tỉnh chỉ mới có hơn 740 hố chứa rác thải thuốc BVTV, còn quá ít so với nhu cầu.

Nguy cơ mất an toàn trong nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, thuốc BVTV là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học.

Khi những hóa chất này theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, trong không khí, thức ăn là một trong những tác nhân gây các bệnh ung thư điển hình cho
con người.

Hiện nay, với tốc độ cơ giới hóa cao trong NN, các loại máy móc NN đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Song, người LĐ vẫn chưa quan tâm đến sự an toàn khi sử dụng các phương tiện này. Họ dựa vào kinh nghiệm hoặc truyền nghề từ người này sang người khác mà chưa được tập huấn, hướng dẫn về an toàn trong LĐ.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tai nạn trong sản xuất NN tăng là do phần lớn LĐ trong NN chưa qua đào tạo nghề. Họ thường làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy NN.

Người dân mua máy về tự học, tự làm, thậm chí tự chế mà không có người hướng dẫn bài bản, do vậy đã dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Thực tế cho thấy, khi lao động NN bị tai nạn, họ vừa mất đi thu nhập, vừa đẩy kinh tế gia đình vào hoàn cảnh khó khăn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ trong lĩnh vực sản xuất NN và các ngành nghề nông thôn, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long thường xuyên chỉ đạo chi cục trực thuộc mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh LĐ trong sản xuất NN và sử dụng an toàn thuốc BVTV để bà con có thể tự bảo vệ mình.

Ngành xác định, để đảm bảo an toàn LĐ trong kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, thì ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra cần phát huy vai trò của các hội, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng, cảnh báo nguy cơ TNLĐ góp phần bảo vệ tốt sức khỏe và tính mạng cho nông dân và người LĐ

Theo chuyên gia y tế, để hạn chế việc ảnh hưởng của các loại thuốc BVTV, bà con nông dân cần trang bị bảo hộ LĐ (nón, quần áo, khẩu trang chuyên dùng), khi phun phải lựa chọn hướng gió để tránh thuốc bay vào người, sau khi phun phải tắm rửa, thay quần áo... Và quan trọng là cần sử dụng thuốc hợp lý, đúng liều lượng theo khuyến cáo, tránh lạm dụng. Sau khi sử dụng cần có biện pháp cách ly hóa chất, dụng cụ đựng hóa chất ở nơi an toàn.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh