Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Trong khi đó, nhiệm vụ trọng tâm là phải thực hiện giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh…
Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Trong khi đó, nhiệm vụ trọng tâm là phải thực hiện giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh…
Các chính sách hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề góp phần thoát nghèo bền vững cho những hộ dân.Ảnh minh họa |
Giảm tỷ lệ hộ nghèo
Theo báo cáo từ BCĐ giảm nghèo thành phố, ngay từ mỗi đầu năm, ban đã xây dựng kế hoạch và có nhiều giải pháp đồng bộ, triển khai kế hoạch và lồng ghép vào các chương trình của các ban ngành, đoàn thể.
Tính đến nay, toàn thành phố còn 525 hộ (chiếm 1,31%), giảm 167 hộ so cùng kỳ, tỷ lệ thoát nghèo 0,41%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 0,3%. Trong khi hộ cận nghèo còn 653 hộ, chiếm 1,63%.
Có được kết quả đó- theo Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long Lê Sơn Dũng- là nhờ có sự quan tâm đúng mức từ các cấp, các ngành, đoàn thể.
Qua đó, các chế độ chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên được triển khai tốt, các chính sách hỗ trợ y tế, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, chính sách khuyến nông- lâm- ngư và hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
“Đặc điểm của hộ nghèo ở thành thị có phần khác biệt so với nông thôn, giữa các phường và xã trên địa bàn thành phố.
Khi đó, công tác nắm bắt nhu cầu và ham muốn thoát nghèo của các hộ dân phải được thực hiện tốt.
Như ở các xã thì có chương trình đào tạo nghề nông thôn theo Đề án 1956, các phường thì có các chương trình vay vốn để mua bán, tất cả được thực hiện có hiệu quả”- ông Lê Sơn Dũng cho biết.
Trong khi đó, công tác phối hợp giảm nghèo của các ban ngành, đoàn thể được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là các chương trình vay vốn, xây dựng nhà đại đoàn kết.
Trong đó, thực hiện chính sách “an cư lập nghiệp” năm 2017, thành phố đã hỗ trợ và vận động tài trợ 48 căn nhà với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, sửa chữa 9 căn với trên 96 triệu đồng… đã giúp cho nhiều hộ dân an tâm làm ăn, từng bước thoát nghèo.
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể. Trong ảnh: Trao nhà tình thương cho một hộ nghèo ở xã Tân Hòa. |
Song song với các chính sách giảm nghèo, UBND TP Vĩnh Long cũng đã ban hành chương trình phối hợp về việc thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh.
Theo đó, chương trình giảm nghèo bền vững phải giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn.
Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện quy trình xác định đối tượng hỗ trợ, nhất là việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn
2016- 2020.
Mục tiêu trong năm 2018, TP Vĩnh Long phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,25% mức chuẩn nghèo hiện hành bằng các chương trình giảm nghèo, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, sẽ thực hiện công tác giải quyết việc làm cho 5.500 lao động, đào tạo nghề cho 3.500 lao động.
Đồng thời phấn đấu 100% lượt hộ nghèo (có nhu cầu và đủ điều kiện) được vay vốn tín dụng ưu đãi, 100% người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, tàn tật được hỗ trợ dạy nghề.
Theo Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long Nguyễn Ngọc Công, sẽ có các nhóm chính sách và hoạt động để thực hiện việc giảm nghèo bền vững.
Cụ thể sẽ có nhóm chính sách dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; nhóm chính sách tạo cơ hội để người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Cuối cùng là nhóm dự án nâng cao năng lực và nhận thức (dự án nâng cao năng lực giảm nghèo).
Để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2018, “thành phố sẽ mở rộng công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho hộ nghèo, cận nghèo về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật.
Đặc biệt là chú trọng đào tạo cho thanh niên nghèo, cận nghèo, không chỉ tạo việc làm cho họ mà còn hướng dẫn nhận thức cách làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững”- ông Nguyễn Ngọc Công cho biết.
Cũng theo ông, một giải pháp hết sức quan trọng là các đoàn thể phân công thành viên của mình kèm cập, hướng dẫn kiến thức làm ăn cho hộ nghèo, cận nghèo. Vì các hộ đa số nằm trong các đoàn thể, nếu đoàn thể vận động và hướng dẫn tốt thì hộ dân sẽ có cách thoát nghèo nhanh và bền vững…
Tuy đạt được một số kết quả về công tác giảm nghèo và công tác phối hợp giảm nghèo bền vững, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định cần có giải pháp cụ thể. Một trong số đó là các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo hiện chưa có hướng dẫn để triển khai thực hiện tiếp. Ngoài ra, ông Lê Sơn Dũng cho rằng, vẫn còn một bộ phận người nghèo, cận nghèo có “tính ỷ lại”, chưa thật sự nâng cao nhận thức và mong muốn thoát nghèo bền vững. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, giúp cho họ thoát nghèo. Qua đó, góp phần cho chương trình giảm nghèo của thành phố được bền vững, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị… |
Bài, ảnh: NGUYỄN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin