Tiết kiệm nhỏ- lợi ích lớn

01:04, 12/04/2018

Học theo Bác thực hành tiết kiệm là một đức tính đáng quý, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Phụ nữ chính là đối tượng thích hợp vận dụng hiệu quả bài học nhỏ mà lợi ích lớn này.

Học theo Bác thực hành tiết kiệm là một đức tính đáng quý, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Phụ nữ chính là đối tượng thích hợp vận dụng hiệu quả bài học nhỏ mà lợi ích lớn này.

 Nuôi heo đất là cách tiết kiệm phổ biến của chị em phụ nữ.
Nuôi heo đất là cách tiết kiệm phổ biến của chị em phụ nữ.

Vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm

Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo gương Bác trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; vận động hội viên đăng ký thực hiện tốt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua yêu nước

“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng xây dựng và duy trì, phát triển các mô hình phụ nữ thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống.

Trong quý I/2018, các cấp hội nuôi mới 29 con heo đất và đã mổ 29 con với trên 150 triệu đồng, giúp cho 89 chị có vốn chăn nuôi, buôn bán phát triển kinh tế gia đình;

thành lập mới 37 tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng có 584 chị tham gia với trên 1,8 tỷ đồng giúp cho 251 lượt chị nhận vốn; vận động 73 chị khá giúp cho 198 chị khó khăn với gần 430 triệu đồng.

Trong năm qua, các cấp hội phụ nữ đã vận động thành lập mới 1.039 tổ góp vốn xoay vòng và nuôi heo đất tiết kiệm, có trên 19.400 chị tham gia trên 22 tỷ đồng, giúp gần 6.400 lượt chị.

Ngoài ra, các cấp hội phối hợp với BHXH cùng cấp đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với hội viên, phụ nữ về các chính sách BHYT được gần 1.900 cuộc, có gần 50.000 chị dự; vận động trên 19.000 chị mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình.

Qua đó, thành lập được 241 tổ phụ nữ hùn vốn mua BHYT, có trên 3.900 chị tham gia. Nâng tổng số có 90/108 cơ sở xây dựng mô hình “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT hộ gia đình”.

Riêng tại cơ quan Hội LHPN tỉnh, thành lập được 1 tổ tiết kiệm có 18/18 cán bộ, công chức, viên chức tham gia, tiết kiệm ít nhất 50.000 đ/tháng, 4 tổ góp vốn xoay vòng có 50 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia, số tiền góp vốn từ 200.000- 500.000 đ/tháng.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- cho biết: Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cơ sở hội đăng ký thực hiện các mô hình học tập và làm theo Bác phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của từng cán bộ, hội viên, xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động các loại hình tổ- nhóm phụ nữ thực hành tiết kiệm làm theo gương Bác một cách thiết thực.

Từ đó, giúp trên 120.000 hộ đạt tiêu chí “Không đói nghèo” trong xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa cách làm phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị để nâng cao hiệu quả, chất lượng của việc học tập và làm theo Bác thực hành tiết kiệm trong toàn hệ thống Hội LHPN tỉnh.

Hiệu quả không nhỏ

Trồng rau sạch quanh nhà để nấu ăn và kiếm thêm thu nhập, tiết kiệm chi tiêu đang được nhiều phụ nữ áp dụng.
Trồng rau sạch quanh nhà để nấu ăn và kiếm thêm thu nhập, tiết kiệm chi tiêu đang được nhiều phụ nữ áp dụng.

Với phụ nữ, mỗi người có cách quản lý tài chính riêng, cách tiết kiệm riêng và đều mong muốn đạt được kết quả tốt. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt, tiết kiệm phải thật khéo léo, khoa học thì mới có hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Điệp (Phường 8- TP Vĩnh Long) là nhân viên tại một cơ quan nhà nước. Tuy lương không cao nhưng chị hiểu rằng chỉ có tiết kiệm chi tiêu bỏ ống heo thì mới có dư mua sắm vật dụng trong nhà, nâng chất cuộc sống.

Chị đã bỏ ống heo nhiều năm nay, một năm có thể được trên 20 triệu đồng. Vừa qua, chị đập heo và có được khoảng 80 triệu đồng để cất một gian nhà khách khang trang, mát mẻ trước sân nhà, dùng để tiếp khách, mời bạn bè đến chơi. Nhìn gian nhà mới đẹp mắt và biết được cách tiết kiệm của chị, ai cũng tấm tắc khen ngợi.

Theo chia sẻ của chị Điệp, cách tiết kiệm của chị là tận dụng những khoảng đất trống quanh nhà để trồng rau củ nấu ăn, vừa sạch vừa tiết kiệm chi phí chợ búa hàng ngày.

Hơn nữa, mỗi ngày chị thức dậy rất sớm để đi chợ mua được những sản phẩm tươi ngon mà giá lại khá rẻ.

Buổi sáng, chị chịu khó nấu cơm sáng cho cả nhà, tiết kiệm được chi phí đáng kể cho các thành viên. Cứ thế mà mấy năm nay chị đã gặt hái được thành quả đáng kể.

“Tôi sẽ tiếp tục bỏ ống heo để cất thêm được gian nhà nữa. Việc làm này tuy chỉ là nhỏ nhặt thôi nhưng ngày tháng qua nhanh, mình thu được kết quả lớn hồi nào không hay, thấy vui lắm”- chị Điệp chia sẻ.

Chị Trương Thị Hồng Cúc (Phường 5) cũng vậy. Là công nhân may, lương trên 5 triệu đồng/tháng, cả 10 năm nay chị Cúc đã có thói quen tiết kiệm chi tiêu để bỏ ống heo mỗi ngày.

Giờ đây khi heo đã “đủ lớn” cộng thêm một khoản cha mẹ cho, vợ chồng chị đã mua được căn nhà trị giá 400 triệu đồng, thoát cảnh ở nhà trọ bao năm nay.

Cách để dành của chị Cúc cũng vẫn là đi chợ sớm, nấu ăn sáng ở nhà và không xài phung phí. Chị vui mừng chia sẻ:

“Tôi để dành cũng kiên trì lắm mới được gần 200 triệu đồng đó, chỉ có cách tiết kiệm chi tiêu thì mới dành dụm được, giờ mua được căn nhà không phải ở thuê nhà trọ nữa, mừng lắm”.

Vậy đó, tiết kiệm nhỏ, lợi ích lớn. Phụ nữ nên bắt đầu tiết kiệm cho tương lai dù số tiền ban đầu rất nhỏ nhưng theo thời gian ta có thể thu được kết quả bất ngờ, phục vụ cho những nhu cầu cần thiết của gia đình và bản thân.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh