Mất cân đối rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam là một thực tế đáng lo ngại. Đặc biệt, thói quen chuộng chất béo, chuộng thức ăn nhanh và ngại ăn rau xanh đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ.
Mất cân đối rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam là một thực tế đáng lo ngại. Đặc biệt, thói quen chuộng chất béo, chuộng thức ăn nhanh và ngại ăn rau xanh đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Đây không còn đơn giản là chuyện ăn uống mà hệ lụy là chất lượng giống nòi, là nguồn nhân lực của đất nước.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại hơn là vấn đề nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nó như câu hỏi khó trong bài toán khá nan giải là cân đối rau xanh trong bữa ăn của người Việt Nam.
Kỳ 1: Khi người Việt Nam lười ăn rau
Nghịch lý trái khoáy là sống ở xứ nhiệt đới, rau trái quanh năm tươi xanh, ngọt lành vậy mà người Việt Nam chỉ ăn rau rất ít (200 g/ngày) so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 400g.
Việc tiêu thụ quá ít rau, dư thừa chất béo, dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động chính là những nguyên nhân gây ra những căn bệnh mãn tính và mất cân bằng trọng lượng cơ thể.
Cần có đủ nguồn rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Trong ảnh: Rau trồng nhà lưới ở xã Phước Hậu (Long Hồ). |
Vì sao người Việt Nam ít ăn rau?
Rau xanh vốn là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam. Các chuyên gia dinh dưỡng đề cao việc tăng cường ăn rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày.
Bởi rau xanh đóng vai trò rất lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo nghiên cứu của WHO, có tới 52,7% người trưởng thành ăn thiếu rau, trong khi ăn mặn gấp đôi so với mức cần thiết, rất không tốt cho sức khỏe.
Trong đó nam lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, đột quỵ, mỡ máu,…
Theo bà Lê Bạch Mai- nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, 2 lý do dẫn đến tình trạng người Việt Nam ăn quá ít rau so với khuyến cáo là do quan niệm sai về giá trị dinh dưỡng và nhiều lo ngại rau không an toàn.
Người Việt Nam luôn nghĩ mâm cơm nhiều rau là mâm cơm đạm bạc, khách đến phải thật nhiều thịt cá mới sang, mới là chu đáo và giàu dinh dưỡng.
Chế độ ăn bất hợp lý này đang góp phần làm gia tăng các bệnh rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường (tăng gấp đôi sau 10 năm), tăng huyết áp (điều tra mới nhất ở mức trên 40% ở nhóm cư dân từ 25 tuổi trở lên).
Một trong những lý do khiến nhiều người Việt Nam “ngại” ăn rau chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Chị Lê Xuân Hoa (Phường 4- TP Vĩnh Long) lo ngại rau củ tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu: “chuyện về 2 luống rau, một để bán, một để ăn khiến cho những người nội trợ như tôi cảm thấy bất an mỗi khi ra chợ”.
Người ta ra chợ mua rau trôi nổi về đóng gói, dán mác, đưa vào bán nói là rau sạch thì cũng đành bó tay. Quan trọng là cái tâm của người bán hàng và nơi nào cảm thấy an tâm hơn thì mua thôi! Do vậy, tâm lý của nhiều bà nội trợ cho rằng: “Thà ăn ít còn hơn ăn bẩn”.
Vì vậy, nhiều người lo lắng rau xanh không đảm bảo về an toàn thực phẩm và cho rằng có thể bớt lượng rau ăn vào thay vào đó họ ăn thêm trái cây, nhằm thay thế rau xanh.
Ngoài nỗi lo rau không sạch, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam còn chưa có thói quen ăn rau trong các bữa ăn, nhất là trẻ em.
Nhiều gia đình không có thói quen nấu ăn sáng tại nhà mà hay đi ăn hàng quán... Điều dễ nhận thấy là bữa sáng này có tinh bột, đạm, chất béo nhưng thường thiếu rau.
Ăn đồ ăn nhanh đang là một xu hướng của giới trẻ tại thành thị. Thế nhưng đồ ăn nhanh không chỉ mất cân đối về dinh dưỡng, thiếu rau mà còn có thể có một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến ảnh hưởng tới sức khỏe. Còn ở nông thôn, vẫn có một số bà con không có thói quen… thích ăn rau.
Anh Nguyễn Văn Ba (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) cho biết: “Đi mần khoai mướn, dỡ cơm đem theo trưa ăn nên thường chỉ nấu cơm, thịt hay cá kho ăn cho gọn lẹ.
Bữa nào nhớ thì mua đem thêm trái dưa leo, cà chua. Còn ở nhà cũng ít ăn rau vì mất thời giờ, ăn rau lặt rửa, chấm đúng bài mới ngon. Tui dân lao động mà, ăn gì nhanh gọn lẹ, cho no bụng để có sức mần”.
Nỗi lo rau từ những hàng quán bên ngoài không được kiểm soát. |
Ăn thiếu rau- tiềm tàng bệnh
GS. bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh- cho biết Hội Ung thư Hoa Kỳ có hướng dẫn ăn uống ngừa ung thư.
Bữa ăn giàu thực vật, nhiều rau trái, đậu củ hột hàng ngày. Một chế độ ăn uống đầy đủ chất đạm, nhiều cá ít thịt, chất bột vừa phải, tránh chất béo động vật, nên dùng dầu thực vật, nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, không thuốc lá, uống ít hoặc không uống rượu, vận động cơ thể để chống béo phì và nên hội nhập tích cực với xã hội.
Rau xanh ngoài tác dụng thải độc, nhuận tràng còn rất nhiều công dụng khác như có nhiều chất phòng ngừa ung thư, có nhiều hợp chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lão hóa, khiến con người trẻ lâu, da mặt mịn màng.
Nghiên cứu mới được các nhà khoa học Mỹ công bố, ăn nhiều rau xanh (cải bó xôi, cải xoăn và rau diếp) mỗi ngày có thể ngăn chặn chứng mất trí nhớ ở tuổi già, trẻ hóa não bộ.
Theo bà Trần Lan Hương- giảng viên về dinh dưỡng, chế độ ăn hợp lý và lành mạnh là chế độ ăn chủ yếu bằng thực vật. Hãy nhớ rau chiếm ưu thế trong bữa ăn chứ không phải là tinh bột và củ, quả.
Nhưng khi mà bài toán rau sạch từ rẫy ra chợ cho đến bàn ăn còn chưa được giải quyết một cách rốt ráo, thì chưa thể nói đến chuyện thay đổi thói quen lười ăn rau của người dân hiện nay.
Thậm chí, nhiều người, nhiều gia đình vốn rất “mê” rau cũng bắt đầu e dè, luôn nghi ngờ khi nhìn rau ngoài chợ, rau trong hàng quán và đương nhiên, rau cũng dần bị hạn chế ngay trong bữa cơm thường nhật của gia đình.
Ăn thiếu rau là một nguy cơ nhưng ăn rau bẩn lại có tác hại vô cùng lớn. Thật sự để giải tỏa nỗi lo bữa ăn mất cân đối rau xanh, cần phải giải bài toán nguồn rau sạch. Mà đây không hề là câu chuyện đơn giản.
Kỳ cuối: Nghịch lý rau sạch
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin