Do áp lực về học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối, một nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) đã nhảy lầu tự tử và để lại thư tuyệt mệnh.
Do áp lực về học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối, một nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) đã nhảy lầu tự tử và để lại thư tuyệt mệnh.
Ngày 10/4, một sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh) cũng đã áp lực về số điểm học tập và có ý định nhảy lầu tự tử, tuy nhiên hành động trên được nhiều người ứng cứu kịp thời...
Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam bị các rối loạn về sức khỏe tâm thần.
Ba mẹ hãy dành thời gian cho con vui chơi, thả lỏng sau những tiết học căng thẳng. |
Các nhà tâm lý học đánh giá, áp lực học hành được đặt lên vai các em học sinh từ lớp 1, lớp 2, nhưng ở độ tuổi này, các em chưa thể nhận thức được sự cần thiết của việc giải tỏa áp lực (stress).
Theo thời gian, nó sẽ tích tụ dần dẫn đến những thay đổi tâm lý khó lường trước. Một câu hỏi đặt ra là: Ai là người tạo ra áp lực học hành cho con trẻ?
Trong giây phút con yêu chào đời, mong ước lớn nhất của ba mẹ là thấy con khỏe mạnh, vui vẻ. Nhưng khi con bắt đầu đến trường, sự vui vẻ có thể sẽ bị tước đi bởi những gánh nặng học tập.
Các em phải hàng ngày “gồng mình”, căng thẳng trong xã hội học tập hiện đại. Ở trường học, nhiều học sinh đang chịu rất nhiều áp lực về học hành, thi cử, điểm số.
Sau thời gian ở trường, đa số các em mệt mỏi với các ca học thêm, một số ít em ru rú trong nhà, vào mạng sống “ảo”...
Nhiều em học như đi “tăng ca”, ra khỏi nhà từ sáng sớm, mãi đến 21h mới trở về nhà. Khoảng cách giữa các ca học thêm là những bữa ăn vội vàng, với những thức ăn nhanh mua vội dọc đường, rồi lại ăn trên đường chạy... học!
Số giờ học nhiều đến mức các em không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi khiến trẻ mất cân bằng trong cuộc sống.
Đặc biệt, những học sinh học cuối cấp, học lớp chọn, trường chuyên thì áp lực học tập càng nặng nề hơn.
Rồi, thành tích của trường, của thầy cô, mong muốn con có thành tích học tập cao của ba mẹ lại “đè nặng” trên vai các em, làm cho con mình hiểu rằng điểm kém sẽ hủy hoại cả cuộc đời con khiến cho “bong bóng cảm xúc” của các em rất là căng, dẫn đến trầm cảm.
Bởi, các em cảm thấy mình đang bị bỏ rơi vì chính những áp lực, kỳ vọng không có điểm dừng của ba mẹ...
Ở tuổi vị thành niên các em có sự biến đổi mạnh về sinh lý, kéo theo biến đổi về tâm lý. Môi trường học tập cùng với những thử thách vừa phải trong cuộc sống sẽ giúp các em trưởng thành. Song, nếu nó là gánh nặng, gây hại sức khỏe cho các em thì hậu quả ấy thật khó lường.
Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011- 2015 do Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử.
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.
Mặc dù việc ba mẹ có kỳ vọng ở con mình là động lực cho con mình cố gắng. Không có kỳ vọng ở ba mẹ, các con rất dễ buông xuôi. Song, kỳ vọng của ba mẹ nên đặt đúng với khả năng con mình có.
Một phụ huynh có 2 con gái chia sẻ trên Facebook: “Nếu con không học giỏi, không có bằng tốt nghiệp trường top, con có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên.
Nhưng nếu con không hiểu tiếng nói bên trong cơ thể mình, nếu con đánh mất niềm vui sống thì là mất rất lớn! Và tất cả các môn học khác trong trường cũng thế, con học để con được vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng! Học để sống, nhớ nha con!"
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin