Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được tổ chức hàng năm, nhằm truyền cảm hứng hạnh phúc đến tất cả mọi người. Chúng ta hãy xây dựng hạnh phúc cho bản thân và lan tỏa những điều này cho những người xung quanh bằng tình yêu thương và lòng nhân ái.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được tổ chức hàng năm, nhằm truyền cảm hứng hạnh phúc đến tất cả mọi người. Chúng ta hãy xây dựng hạnh phúc cho bản thân và lan tỏa những điều này cho những người xung quanh bằng tình yêu thương và lòng nhân ái.
Đối với nhiều người, hạnh phúc đơn giản là gia đình đầm ấm, con cái vui khỏe, hiếu thảo. |
Bí mật của hạnh phúc
Trong cuộc sống, hạnh phúc là đích đến của mỗi người và con người dù ở giai đoạn nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, ước muốn mình được hạnh phúc. Chính vì vậy, các quốc gia chung tay thực hiện mục tiêu hạnh phúc nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo con người có tương lai bền vững.
Hạnh phúc với người này có thể là chinh phục những đỉnh cao, tìm kiếm danh vọng, địa vị xã hội hay là tiền tài nhưng với người khác, có thể đơn giản chỉ là có việc làm, có một mái ấm và bữa cơm đủ no.
Giản đơn như tiếng cười con trẻ, được hít hà không khí trong lành buổi sớm, hay sâu xa hơn như sự yên bình hay sức khỏe dồi dào... đều là hạnh phúc. Đối với các thầy cô giáo, chính sự yêu mến của học trò là phần thưởng vô giá.
Với người đi đường, đó là bình an, không nơm nớp lo các “hung thần” phóng nhanh, vượt ẩu. Hạnh phúc nằm trong chính suy nghĩ của mỗi người, là mình bằng lòng với cảm giác vui vẻ, thỏa nguyện, lạc quan.
Với bác Phạm Hoàng Việt (Phường 2- TP Vĩnh Long) hạnh phúc “tuổi xế chiều” là ấm áp bên tình yêu gia đình. Sáng thức sớm, bác đón bình minh bằng 1 giờ đi bộ, hít thở gió sông Tiền mát mẻ. Về nhà, bác tưới rau, tưới kiểng, nghe cháu bi bô thưa ông ngoại ơi, ông ngoại à, Cà Rốt đi học.
“Bác thường ăn sáng, uống sữa đậu do cô nấu rồi mới đi làm. Bữa cơm nhà 3 thế hệ luôn đem lại niềm vui và sức khỏe cho mọi người. Quanh mâm cơm ngọt lành, tiếng nói cười khiến gia đình thêm bền chặt và tràn đầy tình thân”- bác Việt chia sẻ.
Hạnh phúc gia đình chỉ có được từ sự chia sẻ, hiểu nhau, thấu cảm, sâu sắc, chân thành. Chị Nguyễn Hồng Nhiên (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) chia sẻ: “Chị chỉ mong ước có được cuộc sống gia đình hạnh phúc, biết quan tâm nhau cùng chia ngọt, sẻ bùi. Con cái vui khỏe, hiếu thảo”.
Một gia đình hạnh phúc khi dành cho nhau thời gian trò chuyện, vui đùa, cùng san sẻ yêu thương. Vợ chồng hãy tin tưởng và trao cho nhau tình yêu, lắng nghe và tận hưởng khoảnh khắc quý giá bên nhau. Chúng ta đừng quá bận bịu mà quên khoảng trời yêu thương ấy.
“Yêu thương và chia sẻ”
Giữa bộn bề lo toan, cả khối vấn đề cần phải lo lắng, từ cơm áo, gạo tiền đến sức khỏe, học hành... khiến bạn cảm thấy chán nản, bế tắc và không còn chút năng lượng nào.
Đâu đó vẫn còn tai nạn giao thông rồi ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn tràn lan, biến đổi khí hậu, cái xấu, cái ác vẫn còn… nên không phải ai cũng cảm thấy hạnh phúc.
Những bài học từ bước chân vấp ngã, những khó khăn cần vượt qua để thêm trân trọng giá trị cuộc sống.
Chúng ta biết rằng, hạnh phúc là mỗi ngày chúng ta bước đi với công việc, học hành; tập thái độ sống lạc quan, biết mơ mộng, chia sẻ những yêu thương với bạn bè, người thân để có chuỗi ngày hạnh phúc, an nhiên.
Hôm nay, vẫn luôn có những câu chuyện về tình người và sự tử tế được trao đi trong cuộc sống bộn bề. Có người chọn cách cho đi vật chất như tiền bạc, cơm gạo. Có người chọn cách đem kiến thức, sức khỏe của mình giúp đỡ những mảnh đời khó khăn…
Tất cả đều là những tấm lòng vĩ đại, hảo tâm, giúp cuộc sống một cách âm thầm… Bởi họ nhận thấy rằng: khi giúp được một người qua khó khăn, trong lòng thêm hạnh phúc!
Đó là chuyện cô giáo Nga mở lớp tình thương dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo ở Phường 8- TP Vĩnh Long; những quầy quần áo “ai dư thì cho, ai cần đến nhận”, những thùng nước uống miễn phí làm “mát lòng” biết bao người.
Trong xã hội vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh, nghèo khó… Vì vậy, từ cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội, các tổ chức, đơn vị, những tấm lòng thơm thảo đã đồng hành, để xây nên hàng ngàn căn nhà nghĩa tình; góp sức cho người nghèo vượt khó, vươn lên vì cuộc sống tươi đẹp hơn.
Nếu mỗi người chúng ta có ý thức, có trách nhiệm và biết quan tâm, sẻ chia thì hạnh phúc sẽ tìm đến. Biết cho đi, biết chia sẻ và hài lòng với hiện tại thì hạnh phúc còn cần tìm ở đâu xa nữa?
Chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” lại tiếp tục nối dài từ năm 2013 đến năm nay với các khẩu hiệu chính như: Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh;
Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên. Có thể thấy hạnh phúc là khái niệm rất rộng từ những điều phi thường nhất cho những điều bình dị nhất.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin