Ba mẹ lơ là- con bị thương tích

11:02, 02/02/2018

Tai nạn thương tích (TNTT) luôn rình rập trẻ từ mọi phía. Dù những TNTT này có thể phòng tránh được nhưng trên thực tế, TNTT vẫn xảy ra, gây những nỗi đau khôn lường cho gia đình và cộng đồng.

Tai nạn thương tích (TNTT) luôn rình rập trẻ từ mọi phía. Dù những TNTT này có thể phòng tránh được nhưng trên thực tế, TNTT vẫn xảy ra, gây những nỗi đau khôn lường cho gia đình và cộng đồng.

Có những tai nạn thương tích hoàn toàn có thể phòng tránh được khi có sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ.
Có những tai nạn thương tích hoàn toàn có thể phòng tránh được khi có sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ.

Xin đừng lơ là, chủ quan với con

Trong rất nhiều tình huống trẻ gặp nạn thì tai nạn trong khi tham giao thông dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé nhất.

Tại Việt Nam, rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do ba mẹ có thói quen để con đứng hoặc ngồi ngay phía trước tay lái mà không ý thức được rằng vị trí này cực kỳ nguy hiểm.

Khi ba mẹ chủ quan hay bất cẩn quên tắt máy hoặc quên rút chìa khóa xe trong khi vẫn để con ngồi trên xe thì các bé có thể vô tình rồ ga khiến xe bị vọt đi, gây tai nạn.

Chị Nguyễn Ngọc Thảo (thị trấn Trà Ôn) nhớ đời vụ tai nạn do chị vừa dừng xe, thì con trai hơn 3 tuổi nhanh tay vịn tay ga bước xuống khiến chiếc xe rồ ga, vọt lên.

Còn may là xe vướng bậc thềm, nên mẹ con chị té bị trầy xước tay chân. “Ôm con trong tay, nhìn tay nhỏ xíu của con trầy xước rướm máu tôi khóc òa. Cũng may, mẹ con không sao. Sợ quá rồi, tôi không dám chủ quan chở con ngồi phía trước nữa”.

Một điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều bậc cha mẹ chở con trên xe máy thường không quan tâm đến việc đội nón bảo hiểm cho con; chủ quan khi chở con trên xe máy không hề có đai địu chắc chắn mà chỉ ẵm trên tay.

Chị Lê Loan Trúc (Phường 1- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Chị rất giận khi thấy có người chủ quan vừa “nách” con một bên, tay kia chạy xe. Thật nguy hiểm.”

Đề phòng trẻ bị động vật tấn công

Nhiều gia đình có sở thích nuôi chó, mèo với ý định vừa trông nhà vừa chơi với trẻ vì nghĩ rằng trẻ chơi với động vật sẽ hoạt bát, nhanh nhẹn, lại biết yêu thương động vật. Thế nhưng, những động vật bé nhỏ này có nguy cơ gây thương tích rất cao cho trẻ.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận ca trẻ em bị chó cắn rất nghiêm trọng: một bé trai 5 tuổi ở tỉnh Đăk Lăk bị chó cắn ở vùng mặt, được gia đình đưa về TP Hồ Chí Minh cấp cứu trong tình trạng tổn thương dữ dội, nguyên phần mũi bị chó cắn đứt.

Một bệnh nhi ở Đồng Nai bị chó nhà tấn công, cắn đứt vùng cổ, đặc biệt là đường thở, ảnh hưởng đến chức năng sống.

Đề phòng trẻ bị động vật tấn công, theo các bác sĩ, tốt nhất là trẻ 5- 6 tuổi hãy cho tiếp xúc và tìm hiểu thú nuôi. Chó mèo nuôi trong nhà cần phải chích ngừa đầy đủ, chăm sóc đàng hoàng.

Dạy trẻ cách vuốt ve chó mèo phần lưng, không cho đùa giỡn phần mặt, đầu và phần đuôi, không cho kéo đuôi, không chơi trò giấu xương, giấu đồ ăn mà chúng thích.

Nghiêm khắc không cho trẻ chọc thú nuôi khi ăn hay khi ngủ; không để trẻ nhỏ một mình với thú nuôi vì bé không biết thú nuôi đang muốn gì.

Dạy trẻ không nên tiếp cận với thú nuôi lạ, không có “con chó” nào gọi là hiền cả. Dạy trẻ không bỏ chạy, đạp xe, ném đá khi có chó lạ đến gần hay sủa về phía trẻ. Dạy trẻ nhìn thẳng vào mắt chó và lùi lại dần dần.

Đừng để trẻ tử vong do đuối nước

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, năm 2017 toàn quốc có 1.800 em tử vong do đuối nước, trong đó Vĩnh Long có 12 trẻ.

Giữa tháng 3/2017, Trường Tiểu học Lộc Hòa B- Long Hồ tổ chức đi tham quan, tắm biển ở Ba Động (Trà Vinh). Tiếc rằng trong chuyến đi này, một học sinh lớp 5 đã bị đuối nước chết.

Trường hợp khác, do người lớn bất cẩn nên bé 2 tuổi (thị trấn Long Hồ) vô nhà tắm chơi và bị té chúi đầu vô xô nước dẫn đến ngạt nước chết.

Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt là đầu mùa hè khi các em chuẩn bị nghỉ hè.

Nguyên nhân trẻ em tử vong do đuối nước là thiếu sự giám sát của gia đình và cộng đồng (77,6% trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra tại gia đình, 22,4% tại cộng đồng và 1% tại trường học).

Trẻ em không có hoặc thiếu các kỹ năng an toàn đối với nước và không biết bơi, mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và THCS biết bơi.

Đồng thời, môi trường sống ở gia đình, cộng đồng, trường học, công trình giao thông, công trình xây dựng còn nhiều yếu tố không an toàn đối với trẻ em.

Đa phần những trẻ dưới 5 tuổi đuối nước lại đến ngay trong nhà, từ các loại xô, chậu chứa nước… Những trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước.

Chính vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ là cực kỳ quan trọng.

Vấn đề hiện tại là nhiều em đã biết bơi, thậm chí là bơi giỏi nhưng vẫn có thể trở thành nạn nhân đuối nước.

Vì khi gặp sự cố- nhất là tình trạng một nhóm em bị đuối, hoảng loạn nên bấu víu vào nhau và dẫn đến thảm cảnh… chết chùm.

Bởi vậy, bên cạnh dạy bơi lội, cần phải đưa đến từng học sinh những kỹ năng xử lý khi gặp sự cố sông nước, để tránh có thêm những tai nạn thương tâm.

Khi trẻ gặp TNTT, chúng ta thường coi đó là sự rủi ro nhưng trên thực tế, có những TNTT hoàn toàn có thể phòng tránh được. Cận tết là thời gian người lớn bận rộn với công việc, ít quan tâm đến trẻ.

 Tai nạn ở nhà thường gặp nhất là điện giật, đuối nước, phỏng, nuốt dị vật; uống nhầm hóa chất; bị vật nhọn đâm; ngạt nước.

Chỉ một phút lơ là của người lớn, cái giá phải trả quá đắt. Trẻ ở lứa tuổi hiếu động nên việc phòng ngừa tai nạn sinh hoạt cho trẻ đòi hỏi phụ huynh phải luôn giám sát trẻ mọi lúc mọi nơi.

Năm 2017, Vĩnh Long có 1.053 trẻ em bị TNTT (tăng 467 em so với năm 2016), số trẻ em tử vong là 15 em (12 đuối nước, 2 tai nạn giao thông và 1 điện giật). Các ngành phối hợp tổ chức 106 lớp dạy bơi cho trên 4.660 trẻ em tham dự. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn viên bơi lội, cứu đuối cho 14 hồ bơi trong tỉnh; kiểm tra các hồ bơi, bãi tắm sông;… nhằm rèn luyện sức khỏe và hạn chế tai nạn đuối nước.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh