Năm 2017, Vĩnh Long có trên 2.800 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,72%.
Nhờ chính quyền, mặt trận, đoàn thể hỗ trợ nhà, vốn vay ưu đãi cùng với ý thức bản thân, chị Thạch Thị Ly (xã Đông Thành- TX Bình Minh) chăn nuôi bò, buôn bán rau cải đã thoát nghèo. |
Năm 2017, Vĩnh Long có trên 2.800 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,72%.
Đạt được kết quả trên là nhờ công tác chỉ đạo, sự kiên trì, nỗ lực không ngừng thực hiện đa dạng các giải pháp hỗ trợ của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, bên cạnh đó là sự nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo đáng trân trọng của người dân.
Ý chí vươn lên thoát nghèo
Từ ngân sách nhà nước, quỹ Vì người nghèo và công tác xã hội hóa, năm qua, có 2.800 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được triển khai cất mới và sửa chữa cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị trên 86 tỷ đồng.
Ngần ấy căn nhà mới khang trang, thấm đượm nghĩa tình của Đảng, Nhà nước với nhân dân, chắc chắn sẽ là động lực giúp bà con an cư lạc nghiệp, làm nền tảng vững chắc để tự lực vươn lên, phấn đấu thoát nghèo bền vững.
Đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhìn cách họ làm kinh tế mới thấy bà con không còn thụ động ngồi chờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Xuất phát điểm là hộ nghèo, kinh tế gia đình chị Na Vuy (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình- TX Bình Minh) được cải thiện từ khi được Nhà nước giúp con bò cái giống sinh sản và căn nhà 40 triệu đồng được THVL hỗ trợ. Chị còn mạnh dạn vay vốn cải tạo hơn công vườn tạp trồng mận xanh đường, thu huê lợi ổn định.
Chị Na Vuy chân chất: “Cái nghèo khổ lắm, cố gắng mần mà thiếu vốn cũng khó. Nhờ đài cho nhà, hỗ trợ bò rồi được vay vốn ưu đãi nữa nên mừng lắm. Cả nhà cùng xúm nhau mần, nên sống khỏe hơn”.
Căn nhà 167 được Nhà nước hỗ trợ cộng thêm vay ưu đãi đã giúp gia đình nhỏ 4 người của ông Thạch Trung Ngọc (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn- Trà Ôn) an cư, lập nghiệp.
Trước gia cảnh khó khăn, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng, ông nuôi bò và 1 công ruộng luân canh lúa- màu.
Ông hồ hởi: “Ngoài bò, trồng màu, vợ chồng tui còn tranh thủ ai kêu gì mần đó để lo cho 2 con gái ăn học. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều rồi, giờ đây người Khmer tụi tui đều ý thức cố mần để đừng rơi vô cảnh nghèo nữa”.
Theo ông Phan Thanh Vũ- Chủ tịch UBND xã Trà Côn cho biết: “Chúng tôi xác định ngay từ đầu năm, đối với những hộ có khả năng vươn lên thoát nghèo thì sẽ tập trung các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, từ nguồn vốn xoay vòng của các đoàn thể. Đồng thời, các chương trình dự án giải quyết việc làm, động viên hướng dẫn họ để có phương án vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Với hiệu quả từ chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo, trên cơ sở lồng ghép việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2017 tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề tại các địa phương đạt 94%. |
Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Chăm lo nhà ở, giáo dục, y tế, vốn vay, tư liệu sản xuất, nghề hay phương án làm ăn hiệu quả được xem là những yếu tố quan trọng góp phần để giảm nghèo. Song, kết quả giảm nghèo có bền vững hay không thì điều cốt lõi còn tùy thuộc vào việc các ngành, các địa phương khơi dậy ý thức chủ động, tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Đông Thành Nguyễn Hoàng Chương: Để giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo, địa phương đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, vận động cất nhà đại đoàn kết cho hộ Khmer nghèo, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình ưu đãi.
Ngoài chăn nuôi bò, heo, người lao động đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, đời sống bà con Khmer khá hơn.
Còn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc Trần Công Khánh cho biết: Toàn xã có khoảng 70% hộ có người lao động ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên và nhiều hộ đã thoát nghèo, một số hộ còn vươn lên khá giàu.
Được Nhà nước hỗ trợ cất nhà, chị Sơn Thị Ngọc Bích (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) an tâm làm ăn, nuôi con ăn học và đăng ký thoát cận nghèo trong năm nay. |
Để đạt mục tiêu năm 2018, Vĩnh Long giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm, ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- cho biết: Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao kiến thức cho người nghèo, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn và lao động thuộc hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo cải thiện sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Song song đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước;
hạn chế cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, đảm bảo thời gian thụ hưởng; khuyến khích sự chủ động, tích cực tham gia của người nghèo thông qua việc khen thưởng đối với hộ thoát nghèo, không tái nghèo.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho người nghèo nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tổ chức thực hiện chặt chẽ công tác rà soát, khảo sát và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch;...
Năm 2018, Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: hỗ trợ thêm 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò, nâng cao đời sống; hỗ trợ nhà ở hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer; hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020... |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin