Với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt, năm 2017, Vĩnh Long đưa đi trên 1.000 lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 144% kế hoạch năm. Kết quả này đánh dấu một bước tiến mới trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh nhà.
Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thăm hỏi chuyện học tập của học viên XKLĐ sang Nhật Bản. |
Với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt, năm 2017, Vĩnh Long đưa đi trên 1.000 lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 144% kế hoạch năm. Kết quả này đánh dấu một bước tiến mới trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh nhà.
XKLĐ giảm nghèo hiệu quả
Là một huyện thuần nông nên việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động luôn là điều trăn trở của lãnh đạo huyện Trà Ôn. Do đó, XKLĐ được xem là một trong những hướng giải quyết việc làm hiệu quả.
Trước đây, do nhận thức của người dân về lĩnh vực này còn hạn chế và chi phí ban đầu cho hoạt động xuất cảnh khá lớn, nên người dân tham gia XKLĐ chưa nhiều.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ về vốn, nên số người đi XKLĐ trên địa bàn huyện được nhiều hơn, trong 2 năm 2016- 2017, đã có 399 người tham gia. Nhờ đó, không ít hộ nghèo, đời sống khó khăn đã vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giàu.
Theo ông Trần Quốc Điện- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Trà Ôn, 2 xã Trà Côn, Tân Mỹ có đông đồng bào dân tộc Khmer, có tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó các ban, ngành đoàn thể đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân.
Năm nay, 2 xã này đưa gần 40 người đi XKLĐ, đặc biệt là trong đó có lao động dân tộc Khmer. Trong quý I/2018, em Thạch Sa Khương (23 tuổi, ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ) sẽ “bay” sang Nhật, do trúng tuyển đơn hàng ngành xây dựng cầu đường. “Em hy vọng sẽ gặt hái thành công. Trước là để phụ giúp cha mẹ, sau là để dành ít vốn mần ăn”- Sa Khương nói.
Do thấy hiệu quả mang lại, anh Nguyễn Văn Sơn (ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Mỹ) ủng hộ con trai lớn Nguyễn Vũ Linh tham gia XKLĐ ở thị trường Nhật Bản.
Chỉ sau một thời gian làm việc, Vũ Linh tích cóp, gửi tiền về xây dựng lại nhà cửa, giúp ba mẹ không phải vất vả mưu sinh như trước đây. Sau khi hết hạn hợp đồng, Linh xin gia hạn thêm 2 năm, để tận dụng sức trẻ làm việc ở đất nước có nền công nghiệp hiện đại.
Với Linh, việc ở lại ngoài có thêm số vốn còn giúp em có thêm trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống, nâng cao những năng lực cần thiết cho tương lai.
Bước tiến trong XKLĐ
Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trước đây các doanh nghiệp về tuyển LĐ phải qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh.
Năm nay, sở chủ trương khi doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng LĐ trên địa bàn tỉnh thì phòng chuyên môn thẩm định hồ sơ đầy đủ rồi, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến tất cả các huyện- thị- thành để cùng phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền tư vấn, tuyển LĐ trực tiếp.
Với cách làm này, trong hơn 1.010 LĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thì có trên 60% LĐ thuộc các huyện.
Ngoài ra, đây còn là năm đầu tiên Vĩnh Long triển khai thực hiện chính sách đặc thù cho LĐ vay vốn XKLĐ theo hình thức tín chấp. Nhờ vậy mà nhiều hộ khó khăn trước đây không có khả năng trang trải chi phí XKLĐ thì nay đã thuận lợi hơn.
Ngoài học tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ (xã Thanh Đức- Long Hồ), học viên còn được học tác phong công nghiệp, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp. |
Gia đình thuộc hộ cận nghèo nên khi con muốn đi XKLĐ, chị Huỳnh Kim Phượng (xã Phước Hậu- Long Hồ) trăn trở mãi không biết vay mượn ai số tiền hơn trăm triệu đồng. “2 năm trước vì không đủ tiền nên con không đi được đó. Nhờ Nhà nước cho vay vốn ưu đãi nên kỳ này con trai tui đạt được nguyện vọng ra nước ngoài mần giúp đỡ cha mẹ rồi”.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long còn tìm hiểu thị trường, năng lực của doanh nghiệp nước ngoài, để tư vấn cho người dân, đồng thời đào tạo nghề, ngoại ngữ để XKLĐ.
Bà Hà Thị Ổn- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh- cho biết: “Trung tâm luôn tìm kiếm những công ty có uy tín trong XKLĐ, những doanh nghiệp nước ngoài có mức lương và môi trường làm việc tốt. Nhờ vậy, đã thu hút được NLĐ tham gia và là đơn vị dẫn đầu về XKLĐ nhiều năm nay”.
Song song đó, Vĩnh Long còn tích cực mời gọi các doanh nghiệp mở văn phòng, trung tâm đào tạo bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp tạo nguồn XKLĐ tại tỉnh.
Cùng các bạn ôn lại bài học tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ (xã Thanh Đức- Long Hồ), em Thái Công Khanh (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết: “Em cùng các bạn tích cực học thêm tiếng Nhật, tác phong làm việc cũng như kỹ năng sống trong môi trường làm việc công nghiệp y chang như ở Nhật. Học tại đây không phải lên TP Hồ Chí Minh nên chi phí cũng ít hơn”.
Với những giải pháp cụ thể, sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành có liên quan cùng nhiều chính sách hỗ trợ XKLĐ, người dân có thêm cơ hội lao động và nguồn thu nhập ổn định. Qua đó, công tác giảm nghèo ở địa phương sẽ đạt hiệu quả bền vững, góp phần cho Vĩnh Long nâng cao lợi thế, thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin