"Xét nghiệm HIV sớm- hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020"

05:12, 01/12/2017

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2017 diễn ra từ ngày 10/11- 10/12 nhằm nhấn mạnh đến việc xét nghiệm HIV sớm. 

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2017 diễn ra từ ngày 10/11- 10/12 nhằm nhấn mạnh đến việc xét nghiệm HIV sớm.

Để đạt được mục tiêu thanh toán đại dịch HIV/AIDS thì việc xét nghiệm HIV sớm ở những đối tượng có nguy cơ cao để tầm soát và có hướng điều trị thích hợp, không để lây lan trong cộng đồng là một vấn đề vô cùng quan trọng.

Thăm khám sức khỏe cho người đang cai nghiện ma túy tại Trung tâm Y tế TX Bình Minh.
Thăm khám sức khỏe cho người đang cai nghiện ma túy tại Trung tâm Y tế TX Bình Minh.

Những đứa trẻ bị nhiễm

Chúng tôi theo anh Nguyễn Thanh Tuấn- cán bộ chuyên trách Phòng chống HIV/AIDS huyện Long Hồ- thăm các bé chẳng may bị nhiễm HIV/AIDS.

Anh Tuấn cho biết, nhiệm vụ của chúng tôi là đi đến tận nhà những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý để thăm hỏi, tư vấn về sức khỏe; về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS; giới thiệu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ. 

Đường vô nhà em V.T.B.T. (14 tuổi, ấp Phú Thạnh A, xã Phú Quới- Long Hồ) lầy lội sau cơn mưa đêm. Căn nhà tình thương rộn ràng, đông vui hơn bởi hôm nay là ngày giỗ của cha T. Bà nội T. là cô N.T.T.H. xuýt xoa: “Con tui mất gần 10 năm.

Con dâu cũng bỏ con cho tui nuôi tới giờ, không về thăm luôn. Thương cháu, lớn cũng hiểu bịnh tình, mặc cảm, đòi nghỉ học hoài”.

Nghe bà nội nói vậy, anh Tuấn động viên: “Con sống hòa bình với bệnh, nhớ uống thuốc đều đặn, đúng liều đừng quên. Giờ nhiều người nhiễm vẫn sống bình thường với bệnh.

Con lạc quan lên, đừng tự ti, mặc cảm, ráng học có cái nghề nuôi bản thân, nuôi nội nữa chứ”.

Gương mặt đượm buồn, em T. đan tay vào nhau khi chúng tôi hỏi thăm chuyện học hành. “Em học cũng khá, được thầy cô quan tâm cho em học thêm không tốn tiền.

Em có tham gia BHYT học đường nên bữa nào khám cần xét nghiệm thì em đi xe ôm lên bệnh viện tỉnh lấy thuốc, còn không thì bà nội đi lấy thuốc để em không nghỉ học”.

Anh Tuấn dẫn chúng tôi đến nhà bé N.N.H. (9 tuổi, ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Quới- Long Hồ) cho biết: “Bé trai này là em cùng mẹ khác cha với bé T. đó.

Nghe nói, người mẹ nhiễm HIV do tiêm ma túy. Điều đau lòng là khi sanh con ra, ba bé bị tai nạn giao thông mất thì mẹ cũng đi khỏi địa phương luôn”.

Bé H. ngồi đung đưa trên võng, tay bưng tô cơm ăn ngon lành, thi thoảng cười thích thú khi xem phim hoạt hình.

Cán bộ thăm hỏi đời sống, sức khỏe, động viên việc học hành trẻ em chẳng may bị nhiễm HIV tại huyện Long Hồ.
Cán bộ thăm hỏi đời sống, sức khỏe, động viên việc học hành trẻ em chẳng may bị nhiễm HIV tại huyện Long Hồ.

Ông nội bé là thương bệnh binh, mất sức lao động, song mỗi ngày vẫn cố gắng lội khắp xã để bán vé số. Bà nội thì phụ việc ở quán cơm.

Ngoài ra, tủ “tạp hóa” nhỏ với vài món đồ dùng thiết yếu bán tại nhà ở Khu dân cư vượt lũ của xã Thạnh Quới giúp có thêm “đồng vô đồng ra” đi chợ.

Trong căn nhà ấy, còn một nỗi lo cho vợ chồng già, khi chú Út của bé H. bị bệnh tâm thần phân liệt.

Ông O. nhìn cháu vô tư cười khi xem ti vi, buồn buồn nói: “Tội nghiệp cháu tui, đi học ngồi 1 mình 1 bàn, có 1- 2 đứa bạn chịu chơi, nói chuyện thôi.

Về nhà là làm bạn với chó mèo, huấn luyện chó nhảy lên nhảy xuống. Thui thủi mình ênh vậy. Thằng bé ngoan lắm, ý thức uống thuốc đúng bon 6 giờ sáng và 6 giờ chiều. Bữa nào tui giả bộ quên là nhắc ông lấy thuốc cho uống hà”.

Xét nghiệm HIV sớm

Tại Vĩnh Long, hiện đang duy trì Phòng khám Ngoại trú người lớn, nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Phòng khám Ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Đa khoa TX Bình Minh nhằm đáp ứng tốt nhất việc chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV.

Song song đó, nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện đã được hình thành và phát triển như chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV.

Họ sẽ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng; đồng nghĩa với việc họ cũng không được tiếp cận với các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và giảm lây truyền ra cộng đồng.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long phát hiện 2.853 ca nhiễm (1.539 bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS, tử vong 800 bệnh nhân).

Số nhiễm HIV mới tập trung ở nhóm nam nhiều hơn nữ, chủ yếu ở độ tuổi từ 25- 49 tuổi, dự báo tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục có chiều hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, can thiệp trong nhóm người này.

Theo BS Phạm Trí Châu- Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang hướng tới.

90-90-90 nghĩa là đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Xét nghiệm HIV sớm sẽ giúp giải tỏa băn khoăn, lo lắng cho những người có hành vi nguy cơ; đồng thời giúp họ biết cách dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân và gia đình.

Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Và hơn hết là giúp nước ta đến gần hơn với mục tiêu thanh toán đại dịch này trong tương lai không xa.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 1), thành viên Tiểu ban Nhi thuộc Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh, nếu hiểu biết về HIV thì khó có thể bị lây nhiễm. Ngoài ra, khi người bệnh được uống thuốc sớm, họ gần như là người bình thường nên khả năng người nhiễm HIV lây cho người khác có thể là con số không. Họ duy trì cuộc sống khỏe mạnh 20-30 năm là bình thường. Do vậy, nếu chẳng may bị nhiễm HIV, người bệnh không nên quá bi quan và tự kỳ thị mình.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh