Bạo lực gia đình là vấn đề xã hội được nói khá nhiều, nhưng thường chúng ta dễ nhìn thấy là dạng bạo hành "thượng tay thượng chân". Song, có những góc khuất vợ chồng bị chìm lấp và rất nhiều người đã không dám nói, chia sẻ nỗi khổ của mình.
Bạo lực gia đình là vấn đề xã hội được nói khá nhiều, nhưng thường chúng ta dễ nhìn thấy là dạng bạo hành “thượng tay thượng chân”. Song, có những góc khuất vợ chồng bị chìm lấp và rất nhiều người đã không dám nói, chia sẻ nỗi khổ của mình.
Các mối quan hệ trong gia đình cần được xây dựng trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và yêu thương nhau để đạt được hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa: VINH HIỂN |
Đó là nỗi khổ khi bị “người đầu ấp tay gối” xúc phạm bằng lời nói. Đó là một kiểu gây thương tích không để lại dấu vết, không nhìn thấy được và để lại sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn người bị “bạo hành tinh thần”.
Lấy nhau gần 7 năm, có với nhau “đủ nếp, đủ tẻ”, người ngoài nhìn vào mái ấm của chị Đ.N.T. mà không khỏi xuýt xoa: có nhà, có xe hơi, chồng thành đạt.
Song, trong lòng chị T. luôn nặng trĩu tâm tư. Chồng chị làm kinh doanh, thường xuyên đi công tác, cuối tuần mới về nhà. Mọi chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái đều do một tay chị quán xuyến.
Cả nhà hiếm khi được đoàn viên để ăn cơm hay đi chơi cùng nhau bởi ngày cuối tuần ít ỏi đó có khi anh đi đám tiệc hay vui vẻ với bạn bè.
Anh không công nhận sự vén khéo chăm lo gia đình, nuôi dạy con mà luôn coi chị như người ăn bám. Việc lớn, việc nhỏ trong nhà, anh đều tự quyết, xem như vợ không hề tồn tại.
Chị làm được việc thì không được khen ngợi, nhưng lỡ gây ra sơ suất gì là bị chồng “nói này nói nọ”. Anh tự cho mình quyền được xả hơi lai rai với đối tác, với bạn bè mà quên trách nhiệm làm cha, làm chồng.
Chị buồn tâm sự, khuyên anh dành thời gian cho vợ con thì anh lại lớn tiếng nói: “Anh làm vậy vì ai? Là để vợ con sống sung sướng đó”.
Anh chê vợ làm lương ít. Anh ra ngoài cười nói thân thiện nhưng về nhà lại nói chuyện cáu gắt với chị. Anh không tôn trọng, làm ngơ trước cảm xúc của chị. Chị chỉ cần một người chồng biết sẻ chia, biết yêu thương xem trọng gia đình”.
Trong cuộc sống hiện nay, có những người vợ, người chồng bạo hành với nhau dù họ không hề muốn và hình thức bạo hành ngày càng tinh vi hơn.
Đàn ông bạo hành lên người phụ nữ bằng hình thức gia trưởng, độc đoán, đánh đập và cả chì chiết xem thường phụ nữ.
Nhiều người đàn ông còn bạo hành bằng cách kiểm soát ý nghĩ, hành động, thời gian, tiền bạc, không cho vợ đi làm, không cho vợ gặp bạn bè hay bạo hành tình dục,…
Có những người đàn ông coi nhà mình như nhà trọ, thích đi thì đi thích về thì về, không quan tâm vợ con, ngang nhiên cặp bồ, dùng lời nói khủng bố tinh thần làm cho vợ khổ tâm.
Rồi, có không ít phụ nữ “cắn răng chịu đựng” khi chồng chửi cũng im, chồng đánh cũng im, chồng cưỡng ép quan hệ tình dục cũng im.
Họ im lặng giấu giếm ngay cả với những đứa con trong gia đình, mặc nhiên cho đó là một phần cuộc đời của mình.
Rồi, khi đến giọt nước tràn ly, không chịu được sự “tra tấn” cả về tinh thần, thể chất, thậm chí những đứa con bị sang chấn tâm lý mới quyết định tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ tâm lý hay cơ quan chức năng.
Trong gia đình, sau khi vợ chồng cãi cọ thì thường im lặng, không nói chuyện với nhau trong nhiều ngày, gây ra những căng thẳng, đây cũng là một dạng bạo lực.
Không ít người chọn im lặng nhưng lại dùng mạng xã hội là cái bồ để trút tất cả những trục trặc trong đời sống hôn nhân, trút những lời chì chiết đối phương để tìm sự chia sẻ của “bạn ảo” thay vì vợ chồng ngồi lại cùng nhau để tìm tiếng nói chung.
Không ít phụ nữ bạo hành bằng cách hay bắt lỗi chồng, chê bai bất cứ việc gì chồng làm, so sánh chồng mình với chồng người khác, kiểm soát thời khóa biểu của chồng, kiểm soát hết tiền bạc, hay kiểm tra tin nhắn, ghen tuông vô cớ,…
Anh P.L. bức xúc: “Tôi đi làm thu nhập đưa vợ hết 2 phần, chừa lại 1 phần để đổ xăng, thỉnh thoảng lai rai hay cà phê với đồng nghiệp vậy mà cô ấy cũng đòi giữ hết.
Có lúc, vợ quên bỏ tiền trong bóp, tôi mua bánh mì cũng hổng đủ tiền trả. Tôi muốn mời bạn cà phê cũng không thể, riết có người nói tôi hổng biết chơi với anh em, chả thấy tôi mời ăn uống gì cả”.
Các hình thức bạo hành tinh thần này rất khó để nhận ra, ngay cả với người đang vô tình thực hiện nó, và về lâu về dài có thể phá hủy tinh thần, cuộc sống của tất cả người trong gia đình.
Âm ỉ hàng ngày, hàng giờ, nó gặm nhấm tinh thần người trong cuộc, khiến họ mất đi niềm hạnh phúc bình thường, nhu nhược và dễ có cảm xúc tiêu cực.
Khi vợ chồng không còn có tiếng nói chung, hôn nhân rơi vào bế tắc, thậm chí căm ghét nhau thì cách ngắn nhất dẫn họ đi đến chấm dứt chính là các lá đơn ly hôn.
Vì vậy, không có cơ quan chức năng nào, pháp luật nào xử lý triệt để bạo hành gia đình, nhất là kiểu bạo hành tinh vi nếu bản thân nạn nhân không tự giải thoát chính mình.
MAI ANH
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin