Tại diễn đàn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV trong mấy ngày qua, vấn đề thực hiện chính sách về BHXH, BHYT được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp, trong đó đại biểu lo ngại nhất là vấn đề trục lợi BHYT và nợ BHXH.
Doanh nghiệp đóng đầy đủ BHXH, BHYT nghĩa là quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng được bảo đảm đầy đủ |
Tại diễn đàn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV trong mấy ngày qua, vấn đề thực hiện chính sách về BHXH, BHYT được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp, trong đó đại biểu lo ngại nhất là vấn đề trục lợi BHYT và nợ BHXH.
Lo trục lợi quỹ BHYT
Theo nhiều đại biểu, chưa bao giờ chính sách pháp luật về BHYT, BHXH được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực như trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Luật BHYT năm 2014 nên đã xuất hiện quá nhiều sự bất cập trong lĩnh vực này. Nợ đọng BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bội chi lạm dụng, trục lợi, vướng mắc bất cập trong quản lý sử dụng thanh toán quỹ BHYT đang là vấn đề nóng.
Theo BHXH Việt Nam, thống kê đến tháng 8/2017, số chi khám chữa bệnh BHYT trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 70% quỹ sử dụng trong năm 2017, có 51 tỉnh đã bội chi lớn như Nghệ An trên 900 tỷ đồng, Thanh Hóa 800 tỷ đồng, Quảng Nam 300 tỷ đồng…
BHXH Việt Nam dự kiến quỹ BHYT sẽ tăng rất nhanh nếu không có giải pháp căn cơ sẽ khó bảo đảm tiền chi trả cho khám chữa bệnh BHYT của các năm sau.
Một trong những tình trạng đáng lo ngại hiện nay là việc trục lợi quỹ BHYT. Theo một số đại biểu, quỹ BHYT đang bị trục lợi một cách nghiêm trọng, các chuyên gia ví BHYT như “chùm khế ngọt” đang được đua nhau hái.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (đơn vị tỉnh Đăk Lăk), chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2017 BHXH đã từ chối thanh toán tới 3.000 tỷ đồng vì không hợp lệ. Câu hỏi đặt ra là trong số hàng ngàn tỷ đồng này có bao nhiêu tỷ đồng bị vẽ ra để thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT.
BHXH Việt Nam thông tin, khả năng năm 2017 sẽ bội chi quỹ BHYT khoảng 10.000 tỷ đồng, kéo theo chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân sẽ bị kém đi, đại biểu đề nghị năm 2018 cần phải có thanh tra làm rõ, lập lại tính minh bạch, công khai trong lĩnh vực khám chữa bệnh để bảo đảm an sinh xã hội, mọi người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc tốt hơn.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (đơn vị tỉnh Vĩnh Long), tình trạng lạm dụng trục lợi BHYT có xu hướng tăng mạnh, ngày càng tinh vi hơn, xảy ra từ nhiều phía, cả ở người tham gia BHYT và một số cơ sở y tế
Điều này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong các tầng lớp dân cư mà còn ảnh hưởng đến quỹ BHYT.
Đại biểu đề nghị ngành y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và giải quyết kịp thời những vấn đề xã hội đề ra.
Đặc biệt quan tâm hơn nữa phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT hướng tới sự hài lòng thực sự của người bệnh.
Một số đại biểu đề nghị, trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quỹ BHYT là do công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT mới còn thấp, hiện mới đạt 83% dân số. Nhiều người lợi dụng chính sách thông tuyến khám nhiều lần trong ngày, trong tháng tại các cơ sở y tế…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan chỉ đạo làm rõ nguyên nhân để sớm có giải pháp tăng nguồn quỹ, cân đối thu chi để chi trả cho khám chữa bệnh BHYT.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH
Theo đại biểu Bùi Văn Cường (đơn vị tỉnh Gia Lai), số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp trốn đóng nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ước khoảng gần 12.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện nay có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị treo chưa có hướng giải quyết.
Theo một số đại biểu, việc doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH trong đó không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ một phần tiền lương đều đặn của người lao động với lý do để đóng BHXH không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động mà còn tác động xấu đến an toàn, cân đối nguồn quỹ, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững đất nước.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đơn vị TP Hà Nội) cho rằng, tình trạng trốn đóng và nợ BHXH hiện nay tiếp tục gia tăng.
Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo việc làm bền vững và bảo vệ người lao động, nhất là sớm sửa quy định đảm bảo quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn đối với BHXH.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đơn vị tỉnh Quảng Trị) cho biết, nợ đọng BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bội chi lạm dụng, trục lợi, vướng mắc bất cập trong quản lý sử dụng thanh toán quỹ BHYT đang là vấn đề nóng.Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ tích cực.
Đề nghị cần đưa tỷ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm.
Nếu không có giải pháp quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2020, 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 30% tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất khó khả thi.
Theo đại biểu Bùi Văn Cường, phương châm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động đối với các doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm là khởi kiện ra tòa. Về việc khởi kiện nợ bảo hiểm ra tòa án, sau gần 2 năm thực hiện, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang, 20 liên đoàn lao động tỉnh- thành đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp tòa án, 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH, số còn lại không gửi nữa do không được thụ lý giải quyết. Trong 187 vụ do công đoàn khởi kiện, tòa án các cấp đã hòa giải thành công 18 vụ. Tòa án cấp huyện ở một tỉnh thụ lý 2 vụ án, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại tòa án không thụ lý giải quyết. |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin