Người trao "cần câu cơm"

02:11, 15/11/2017

Giáo viên không chỉ là người truyền tri thức cho học trò. Họ còn là những người rèn kỹ năng nghề, cho học viên "một nghề cho chính" để tự nuôi sống bản thân, gia đình góp phần cho xã hội.

 

 

Ths. Lê Văn Trắng trong giờ dạy thực hành.
Ths. Lê Văn Trắng trong giờ dạy thực hành.

Giáo viên không chỉ là người truyền tri thức cho học trò. Họ còn là những người rèn kỹ năng nghề, cho học viên “một nghề cho chính” để tự nuôi sống bản thân, gia đình góp phần cho xã hội.

Gần 20 năm trong nghề, Th.s Lê Văn Trắng- giảng viên Khoa Điện- Điện tử, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã truyền nghề cho nhiều thế hệ học viên như thế.

Dạy học là truyền nghề, truyền kiến thức, rèn kỹ năng cho học viên để họ trở thành những người thợ giỏi. Và ngay sau khi ra trường, họ sẽ “xài” được ngay cái nghề vào công việc của mình để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.

“Bản thân ông thầy cũng phải học hỏi không ngừng để dạy học trò mình kịp những thay đổi thời đại”- thầy Trắng nói.

Ngoài giảng dạy, thầy Trắng còn mở dịch vụ sửa chữa vi tính, điện dân dụng tại nhà, nhờ đó thầy được tiếp xúc thực tế nhiều hơn và dạy học viên “sát” hơn. Dù cơ sở vật chất của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long khá đầy đủ nhưng nghề “tay trái” đã bổ sung những kinh nghiệm mới để thầy Trắng dạy học viên của mình.

Thầy Trắng nhớ về quá trình lắm thăng trầm và bao bài học kinh nghiệm với nghề khi bắt đầu trở thành thầy giáo ở Trung tâm Dạy nghề tỉnh Trà Vinh (năm 1999) đến nay là giảng viên Trường CĐ Nghề Vĩnh Long. Thăng trầm, gian nan, bởi có khi trường nghề “bị bỏ quên” hay những lúc “chế độ cho giáo viên nghề không có”,…

Vượt lên tất cả khó khăn, thầy giáo phải phấn đấu để “nuôi” nghề và trao nghề cho bao thế hệ.

“Đối tượng học viên khác nhau thì cách dạy cũng phải khác nhau”- thầy Trắng nói thêm- “trước đây, học viên lớn tuổi hơn nên tâm lý họ khác, nay học viên chủ yếu ở độ tuổi 16- 18 nên tâm lý khác”. Học viên lớn tuổi “tiếp thu hơi chậm” nhưng lại rất siêng năng, chăm chỉ; trong khi học viên hiện nay thì nhanh nhạy hơn nhưng một số lại không chịu khó”.

Để “cho ra lò” những người thợ lành nghề, thầy giáo không chỉ giảng dễ hiểu, chỉ bảo tận tâm mà còn biết quan tâm học viên. Thầy Trắng luôn lưu ý những học trò kém tập trung, thực hành cẩu thả để rèn luyện thêm.

Theo thầy, bất kỳ nghề nào cũng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và nghề điện- điện tử càng đề cao việc này. Thầy Trắng giải thích: “Trong lĩnh vực điện- điện tử, nếu không cẩn thận có khi ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của rất nhiều người”.

Điểm nổi bật của thầy giáo này là có nhiều thiết bị đào tạo tự làm để dự thi, đạt giải các kỳ thi cấp trường, cấp tỉnh, toàn quốc.

Tuy nhiên, thầy Trắng cho rằng việc nghiên cứu làm các thiết bị, mô hình là để phục vụ công tác giảng dạy trước tiên, sau đó mới đến tham gia hội thi. “Mục đích của người giáo viên là dạy cho học trò mình hiểu bài”- thầy Trắng nói.

Niềm vui của thầy Trắng là những tin nhắn chúc mừng ấm áp của học trò ngày 20/11, trong đó có những học trò lớn tuổi hơn thầy.

Vui khi thấy học viên ngày càng tiến bộ hơn, nhu cầu học nghề của mọi người ngày càng cao. Bên cạnh đó, thầy cũng luôn quan tâm đến những chính sách đổi mới giáo dục, đời sống giáo viên dù ở khối ngành khác.

“Tôi thấy chính sách đối với giáo viên mầm non như vậy là không ổn. Các cô giáo này rất vất vả và cần có những chính sách hỗ trợ giống như các bậc học khác”- thầy Trắng nói.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh