BHXH Việt Nam cho rằng công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện BHXH, BHYT cho người dân tại vùng đồng bằng này còn khá nhiều hạn chế. Các chỉ số tham gia của vùng đều thấp hơn so mặt bằng chung của cả nước.
Phải làm cho người dân hiểu rõ “quyền” là như thế nào và “lợi” là ra sao trong tham gia BHYT? Đó là một trong nhiều vấn đề đặt ra tại hội thảo mới đây về “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL”.
Đây là lần đầu tại miền Tây sông nước, BHXH Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ban ngành và lãnh đạo các tỉnh- thành, cơ quan BHXH, hội nông dân các địa phương vùng ĐBSCL ngồi lại tìm giải pháp khả thi để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Ở ĐBSCL, hộ gia đình, người lao động tham gia BHYT và BHXH tự nguyện còn thấp so bình quân chung cả nước. |
Theo ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đến nay cả nước có gần 79 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 85% dân số.
Khoảng 13,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 11,33 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tuy nhiên số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ chiếm thấp với khoảng 242.000 người.
BHXH Việt Nam cho rằng công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện BHXH, BHYT cho người dân tại vùng đồng bằng này còn khá nhiều hạn chế. Các chỉ số tham gia của vùng đều thấp hơn so mặt bằng chung của cả nước.
Nhưng chính sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương trong vùng mà những năm qua độ bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT không ngừng gia tăng.
Ông Mai Đức Thắng- Phó trưởng Ban thu BHXH Việt Nam- cho biết tính đến 31/8/2017, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT cả nước là 79.027.658 người, đạt 99,7% kế hoạch Chính phủ giao, tăng 2.895.178 người (3,8%) so cùng kỳ năm 2016.
Tại ĐBSCL, tính đến 31/8/2017, tổng số đối tượng tham gia BHYT là gần 14,3 triệu người, đạt bao phủ 79,9% dân số toàn vùng, tăng 4,88% so với năm 2016. Bao phủ BHYT vùng sông nước chiếm 15,31% so tỷ lệ bao phủ chung toàn quốc.
BHXH Việt Nam thông tin đến thời điểm này, chỉ có 7 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ; 6 tỉnh- thành còn lại chưa hoàn thành.
Tỷ lệ tham gia BHYT thấp ở ĐBSCL tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, người lao động trong các doanh nghiệp và đáng quan tâm là đối tượng học sinh- sinh viên và người trong hộ gia đình.
Theo ông Mai Đức Thắng, học sinh- sinh viên ở hầu hết các tỉnh- thành ĐBSCL tham gia BHYT chưa đạt 100%, trong khi đây là đối tượng bắt buộc. Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, BHXH Việt Nam thống kê đến 31/12/2016, có hơn 2,8 triệu người tham gia, tức hơn 16% dân số.
Trong khi bình quân chung cả nước đạt 40%. Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân: nhận thức của nhiều hộ về BHYT còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn ngược, tức chỉ khi nào đau ốm mới nghĩ đến tham gia BHYT; điều kiện kinh tế một số gia đình còn khó khăn, nên chưa thể tham gia BHYT đầy đủ cho mọi thành viên...
Tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Lý- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- lưu ý số người chưa tham gia BHYT đa số là nông dân thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình. Trong đó đặc biệt ở đối tượng hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình chính là đối tượng sẽ khó vận động nhất.
Chỉ rõ quyền lợi và tăng “độ hấp dẫn của chính sách”
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội- cho rằng trong thực hiện chính sách này cần cho người dân thấy rõ BHYT là “lợi” như thế nào và “quyền” ra sao?
Để làm rõ, cần giải quyết các vấn đề như: làm chuyển biến nhận thức người dân về chính sách an sinh xã hội mà BHXH, BHYT là một trong các trụ cột; chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quyết liệt, gắn bó động viên nhân dân; và điều quan trọng là phải tuyên truyền, phối hợp thực hiện cho người dân thấy “độ hấp dẫn của chính sách”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói việc thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện toàn quốc gần 2 năm qua là cách để các bệnh viện cải thiện chất lượng hơn, cạnh tranh phục vụ người dân tốt hơn.
Ở góc độ liên hệ mật thiết giữa các cơ sở khám chữa bệnh với chính sách BHYT, có thể coi đó là cách để hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHYT.
Hội Nông dân Việt Nam cũng cùng nhìn nhận tỷ lệ tham gia BHYT ở ĐBSCL còn thấp so mặt bằng chung, khi còn hơn 4 triệu người miền Tây chưa tham gia BHYT và hầu hết nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện.
Theo bà Nguyễn Hồng Lý, trong mạng lưới hội nông dân ở 13 tỉnh- thành đồng bằng với hơn 1.500 cơ sở hội, trên 10.300 chi hội và trên 63.600 tổ hội (tổng cộng hơn 2,6 triệu hộ gia đình nông dân với trên 12 triệu hội viên nông dân) sẽ là cơ hội lẫn thách thức đòi hỏi BHXH và hội nông dân các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để đưa chính sách BHYT, BHXH tự nguyện đến với nông dân.
Ông Phạm Lương Sơn cho biết theo mục tiêu Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; và mới đây nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số.
So các mục tiêu đó, thì vẫn còn một khoảng cách, tuy nhỏ nhưng lại là thách thức lớn. Đặc biệt là với khu vực ĐBSCL. Bởi đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ BHYT và số người lao động tham gia BHXH đều thấp hơn so mặt bằng chung cả nước.
Để phát triển đối tượng, nâng bao phủ BHYT và BHXH tự nguyện ở ĐBSCL, ông Phạm Lương Sơn cho rằng cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020”.
Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết quan trọng này trong 5 năm qua và định hướng đến 2020... BHXH các địa phương chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở ở từng địa bàn, cụm dân cư.
|
Đến nay, cả nước có gần 79 triệu người tham gia BHYT, đạt trên 85% dân số. Khoảng 13,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 11,33 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ chiếm thấp với 242.000 người. Mục tiêu Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH, 35% người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; và mới đây nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số. So các mục tiêu đó thì vẫn còn một khoảng cách, tuy nhỏ nhưng lại là thách thức lớn. Đặc biệt là với khu vực ĐBSCL. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin