Thống nhất phương án nghỉ trước Tết Nguyên đán 2 ngày

02:10, 19/10/2017

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), các bộ ngành được lấy ý kiến về lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2018 đều ủng hộ đề xuất của Bộ LĐTBXH.

 

Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2018 theo phương án 1 theo Tờ trình của Bộ LĐTBXH
Lịch nghỉ tết Nguyên đán 2018 theo phương án 1 theo Tờ trình của Bộ LĐTBXH

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), các bộ ngành được lấy ý kiến về lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2018 đều ủng hộ đề xuất của Bộ LĐTBXH.

Các đơn vị lấy ý kiến gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội Vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đều đồng thuận với phương án 1 nghỉ Tết Nguyên đán năm 2018 (Mậu Tuất) kéo dài 7 ngày. Như vậy, người lao động sẽ nghỉ trước Tết Nguyên đán (hay còn gọi Tết Âm lịch) 2 ngày, nghỉ sau tết 5 ngày.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn phương án nghỉ trước Tết Nguyên đán 2 ngày. Lý do, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở phía Nam, nhiều lao động ở xa miền Bắc và miền Trung nên thời gian di chuyển dài nên nghỉ trước Tết Nguyên đán 2 ngày sẽ tạo thuận lợi cho công nhân, lao động có thể bố trí thời gian về quê. Đồng thời việc công bố sớm thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2018 và bố trí nghỉ 2 ngày trước Tết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh phù hợp”.

Trước đó, trong văn bản xin ý kiến các bộ ngành, Bộ LĐTBXH đề xuất hai phương án.

Phương án 1 là nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 14/2/2018 đến hết ngày 20/2/2018 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Trong đó có 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần.

Phương án 2 nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 15/2/2018 đến hết ngày 21/2/2018 Dương lịch (tức ngày 30 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng). Trong đó 1 ngày trước Tết, 4 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần.

Trong dự thảo đề xuất, quan điểm của Bộ LĐTBXH ủng hộ lựa chọn phương án 1 vì có tính hài hòa, phù hợp vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết là 5 ngày là phù hợp. Với phương án này, ngày đi làm ngắt quãng là 2 ngày liên tục nên tác động tiêu cực của việc đi làm ngắt quãng không nhiều.

Theo Báo Tin Tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh