Tại TP HCM, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng gấp 3 lần; ở nhóm học sinh phổ thông tăng gấp 2 lần trong hơn 10 năm qua
Tại TP HCM, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng gấp 3 lần; ở nhóm học sinh phổ thông tăng gấp 2 lần trong hơn 10 năm qua
Thông tin trên được các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo tại hội thảo phòng chống thừa cân béo phì, tổ chức sáng 18/10 ở Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Từ năm 1980-2013, tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng 27,5% ở người lớn và 47% ở trẻ em. TP HCM là địa phương có tốc độ thừa cân, béo phì gia tăng rất nhanh; trong đó nhóm học sinh tiểu học là 38,5%, học sinh trung học cơ sở 22,5% và trung học phổ thông 11,7%.
Đáng lo ngại, thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh bị tăng huyết áp và là căn nguyên dẫn đến bệnh lý đái tháo đường ở người trưởng thành.
TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cảnh báo trẻ em bị béo phì đang tăng với cấp độ phi mã, do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ đang được bố mẹ cho ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Trong khi đó, khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và trẻ suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu vẫn thiếu.
Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Bệnh viện Nhi Trung ương, nêu thực tế 30% bà mẹ có con béo phì vẫn muốn con tăng cân nữa bởi lý do sợ con ốm, mọi người sẽ chê cười. Đồng thời nhấn mạnh thừa cân, béo phì đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ nhưng người Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ từ căn bệnh này.
Nói thêm về hậu quả đến từ thừa cân, béo phì, TS Từ Ngữ cho biết đó là sự không dung nạp glucose, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, thoái hóa gan, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu, đặc biệt là chứng ngưng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm.
"Nhiều người cho rằng việc phòng ngừa béo phì là điều dễ dàng trong suy nghĩ, đó là nên "ăn ít – hoạt động nhiều" nhưng trên thực tế, việc này rất tốn thời gian, gây ra thái độ bực bội, gặp nhiều khó khăn. Phải hàng chục năm sau mới biết rõ tác dụng và hậu quả của nó đến sức khỏe" - TS Từ Ngữ nói.
Trẻ béo phì đừng bỏ bữa sáng
Theo bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có thể là nguy cơ tăng tích lũy mỡ đặc biệt ở thanh thiếu niên. Để kiểm soát cân nặng nên hạn chế các bữa ăn phụ nhiều năng lượng và chất béo như: kem, khoai tây chiên, kẹo, ngũ cốc ăn sáng, bắp rang bơ, bánh, nước ngọt công nghiệp.
Tăng hoạt động thể lực với thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại (hạn chế xem ti vi). Trẻ 0-5 tuổi cần ngủ 11 giờ/ngày; 5-10 tuổi ngủ 10 giờ/ngày; trên 10 tuổi ngủ 9 giờ/ngày. Trường hợp trẻ béo phì trên 12 tuổi cần can thiệp tích cực, thầy thuốc sẽ cân nhắc chỉ định thuốc điều trị nhưng bệnh nhân vẫn phải kết hợp chế độ dinh dưỡng và luyện tập
Theo NLDO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin