Trở về đời thường, ông tiếp tục nêu gương sáng cho thế hệ trẻ, tham gia giải quyết chính sách cho NTKC và chăm lo đời sống hội viên.
Ông Huỳnh Tấn Phước (bìa phải) cùng các cựu tù kháng chiến đi thực tế tại các mô hình làm ăn hiệu quả của hội viên. |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông Huỳnh Tấn Phước-hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến (NTKC) tỉnh- đã góp mặt trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, “biến” nhà tù thành trường học, tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Vĩnh Long.
Trở về đời thường, ông tiếp tục nêu gương sáng cho thế hệ trẻ, tham gia giải quyết chính sách cho NTKC và chăm lo đời sống hội viên.
Vừa là học trò, vừa là giáo viên
Ý thức trước cảnh nước mất nhà tan, năm 1966, khi mới 14 tuổi, ông Huỳnh Tấn Phước xin vào du kích xã, quyết lập chiến công. Một năm sau, ông bị bắt và trải qua nhiều nhà giam, trong đó có “địa ngục trần gian” Phú Quốc với những tên cai ngục khét tiếng có “thành tích” đánh tù binh tới tàn tật và chết dần.
Tuy nhiên, “dù địch có tàn ác hiểm độc đến đâu, cũng không thể làm lung lạc tinh thần bất khuất của tù binh”- ông Huỳnh Tấn Phước nhớ lại. Nơi đây, đã thành lập tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên để lãnh đạo phong trào đấu tranh, hoạt động theo nguyên tắc bí mật, từng bước “biến” nhà tù thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới, đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Theo ông Huỳnh Tấn Phước, học tập là một trong những nhiệm vụ được Đảng ủy, chi bộ nhà lao đặc biệt quan tâm, trong đó có học chính trị và học văn hóa theo kiểu người có kiến thức cao hơn truyền đạt lại cho người chưa biết. Đây được xem là “nghị quyết bất thành văn” với mong muốn sau này đem kiến thức phục vụ cho cách mạng.
Tuy nhiên, việc học cũng gặp không ít khó khăn do bọn quân cảnh thường xuyên lục soát, bắt bớ.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập không có, phải phát huy sáng kiến bằng cách mài nhỏ mảnh tôn hoặc dùng kẽm gai để làm ngòi viết và dùng mực của con mực làm mực viết. Việc soạn giáo án thì chỉ soạn những nội dung thật cơ bản trên giấy dầu và giấy bao gói thuốc hút.
Bảng học thì tận dụng củi đốn ngoài rừng- lúc đi lao dịch, rồi chẻ ra thành hình chữ nhật và mài nhẵn; tiếp đến là tận dụng phần vải lành nhất của quần áo rách bọc lên tấm ván; trộn xà bông với mỡ bò hoặc dầu dưỡng tóc bôi đều lên mặt bảng và dùng bọc ny lông màu trắng phủ lên, rồi dùng que viết lên bảng, khi xóa thì chỉ cần gỡ bọc ny lông lên là xong. Về môn học thì có 3 môn chính là Toán, Văn, Sử.
Gọi là lớp học nhưng chỉ là nhóm nhỏ từ 2- 4 người để tránh bị phát hiện và tranh thủ được lúc nào học lúc đó. Có khi học 2- 3 lần/ngày nhưng cũng có khi vài ngày mới được học. Khi bọn quân cảnh điểm danh thì lận “tập vở” trong bụng hoặc cất ở hầm bí mật.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng tinh thần học tập của anh em tù binh rất cao vì “học là để về làm việc, tiếp tục phục vụ cho cách mạng; tuy nhiên cũng chính từ việc học này mà tôi và một người thầy giáo bị nhốt ngoài chuồng cọp 15 ngày”- ông Huỳnh Tấn Phước nhớ lại- “Trước khi bị bắt, tôi chỉ mới bập bẹ học lớp 5.
Với phong trào học chữ trong tù, tôi vừa là học trò và cũng là thầy truyền đạt kiến thức cho anh em ở Vĩnh Long. Khi trở về đời thường, tôi chỉ việc ôn tập thêm môn Lý, Hóa trong vòng nửa tháng là đã thi đậu bổ túc lớp 9.
Vinh hạnh là người dẫn mũi vào sân bay
Đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, ông Huỳnh Tấn Phước được trao trả về sân bay Lộc Ninh.
Sau hơn 1 năm an dưỡng và học tập, ông được bổ sung vào đơn vị trinh sát quân báo- Ban Tham mưu Tỉnh đội với quân hàm Trung sĩ, Tiểu đội trưởng trinh sát.
Khi tiếng súng chiến đấu vang dội khắp chiến trường Nam Bộ, ông tiếp tục xông pha vào các chiến trận như: chiến dịch đánh diệt đồn Giáp Nước, giải phóng khu Trù Mật- Cái Sơn cắt đứt lộ 16, chiếm đồn Lung Chuối, rồi đánh vào Ba Càng cắt đứt lộ 4...
Ngày 29/4/1975, ông nhận lệnh cùng với 3 đồng đội vượt lộ 4 về Sở Chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội. Khi đến nơi đã là trưa 30/4 và Tổng thống của chính quyền Sài Gòn- Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh đầu hàng không điều kiện lực lượng cách mạng.
Tuy nhiên, tại Vĩnh Long, địch vẫn không đầu hàng mà còn ra lệnh cho các chi khu tử thủ. Cán bộ, chiến sĩ ta được quán triệt phải nắm chắc tay súng, sẵn sàng đáp trả hành động chống cự của địch.
Đồng thời, phát động quần chúng phối hợp với bộ đội nổi dậy, kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng. Lúc đó, ông cùng đoàn quân tiến về Vĩnh Long. Khi đến xã Tân Hạnh thì đã xế chiều, đoàn dừng lại đóng quân đào công sự vì theo lệnh nếu đại tá Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long- không đầu hàng thì sẽ nổ súng.
“Đến 22 giờ đêm, được tin đại tá Thành đầu hàng, tin vui chiến thắng lan truyền khắp nơi. Mọi người ôm nhau mừng vui không kể siết, suốt đêm không ngủ, cùng nhau trao đổi về những dự định trong tương lai...”- ông Huỳnh Tấn Phước xúc động kể. Lúc đó, ai cũng muốn mặc đồ đẹp nhất để sáng hôm sau vào Vĩnh Long.
Đã 42 năm trôi qua nhưng ký ức về Đại thắng mùa Xuân 1975 đến nay như mãi còn nguyên vẹn trong lòng ông.
“Điều làm tôi cảm thấy hân hạnh nhất là người dẫn mũi cho Ban chỉ huy tiền phương vào sân bay Vĩnh Long rạng sáng 1/5. Khi đó, tên lính gặp tôi liền nói: “Chào anh giải phóng quân, em chờ anh từ đầu hôm tới giờ”. Sau khi mở cửa, hắn tiếp tục đưa đoàn vào sân bay và còn xin tôi chiếc nón tai bèo”- ông Huỳnh Tấn Phước kể.
Ông Huỳnh Tấn Phước (giữa) tham quan mô hình chăn nuôi do Hội NTKC tỉnh hỗ trợ. |
Trưởng thành từ những trận chiến ác liệt, vết thương trên người ông cũng ngày một nhiều thêm và đến giờ ông vẫn đang sống chung với mảnh đạn ở trong đầu.
Từ những đòn roi bầm giập trong tù đến vết thương chiến trận, ông đã nhiều lần phát bệnh, có lúc tưởng chừng như mạng sống của ông đã cận kề vực thẳm. Năm 1995, ông từ giã quân ngũ với quân hàm trung tá.
Ban Liên lạc tù chính trị lâm thời ra đời và từng bước thành lập Hội NTKC tỉnh. Đến khi sức khỏe dần ổn định, với vai trò là Chủ tịch Hội NTKC tỉnh, ông tiếp tục có những hoạt động tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, tham gia giải quyết chính sách cho NTKC và chăm lo đời sống hội viên.
Nổi bật là đầu năm đến nay, đã vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế trên 1,2 tỷ đồng; cất mới và sửa chữa 81 căn nhà tình nghĩa với trên 2,3 tỷ đồng.
Ông tâm sự: Điều tôi luôn trăn trở trong lòng là qua 42 năm giải phóng, tôi vẫn chưa có dịp gặp lại những đồng đội cùng công tác ở lực lượng trinh sát, vệ binh.
Vì khi hòa bình chỉ có một số ít tiếp tục phục vụ và trưởng thành trong quân đội, còn lại đa số trở về đời thường và mất liên lạc cho đến ngày nay.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin