Phòng chống tai nạn cho trẻ khi du lịch

03:09, 05/09/2017

Những chuyến du lịch dài ngày với con trẻ là điều thú vị biết bao. Trẻ con háo hức, tha hồ khám phá thế giới xung quanh. Song, để có chuyến đi an toàn, vui vẻ, khỏe khoắn cho "thiên thần nhỏ", các bậc phụ huynh cần trang bị cho các bé những kỹ năng cơ bản, cũng như chú ý quan sát con thật kỹ.

 

Để có được những chuyến đi vui trọn vẹn, ba mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết.
Để có được những chuyến đi vui trọn vẹn, ba mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết.

Những chuyến du lịch dài ngày với con trẻ là điều thú vị biết bao. Trẻ con háo hức, tha hồ khám phá thế giới xung quanh. Song, để có chuyến đi an toàn, vui vẻ, khỏe khoắn cho “thiên thần nhỏ”, các bậc phụ huynh cần trang bị cho các bé những kỹ năng cơ bản, cũng như chú ý quan sát con thật kỹ.

Quan trọng nhất là không bao giờ rời mắt khỏi trẻ

Các tai nạn thường gặp như té ngã, trầy xước, côn trùng cắn, điện giật, kẹt thang máy, đi lạc, đuối nước… thường gặp trong khi đi du lịch. Trẻ đi du lịch cần được tự do khám phá nhưng các phụ huynh phải giải thích trước cho con những điều nên và không nên làm.

Trẻ con bị lạc khi đi du lịch là một tình huống rất đáng lo ngại. Tháng 5/2016, một gia đình ở TP Hồ Chí Minh đi tham quan ngọn Thủy Sơn tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thì bất ngờ bé L. (6 tuổi) đi lạc.

Gia đình hoảng hốt đi tìm và báo cho các nhân viên ở đây cùng tìm. Một lúc sau thì du khách phát hiện bé ngã xuống động Âm Phủ và không may bị tử vong. Khu vực bé bị ngã có biển báo cấm cảnh báo nguy hiểm.

Tại các điểm du lịch, khu vui chơi, đặc biệt là ở các bãi biển, năm nào cũng có hiện tượng trẻ bị lạc, cho dù loa phóng thanh vẫn liên tục nhắc nhở các mẹ chú ý quan sát con nhỏ. Gia đình anh Nguyễn Đăng Khoa (Phường 4- TP Vĩnh Long) vừa cho 2 con đi du lịch biển Vũng Tàu trước khi các con bắt đầu năm học mới.

Anh cho biết: “2 con được ba mẹ cho đi du lịch thường xuyên nên ngay khi bé bập bẹ nói chuyện, anh chị dạy bé nói được tên mình và ba mẹ. Lớn xíu bé thuộc số di động của ba mẹ và luôn dạy bé đi chơi phải đi cùng người lớn, cẩn thận không chạy nhảy lung tung phòng đi lạc hay té ngã”.

Một số điểm du lịch hiện có nhiều ghềnh đá, dốc, đoạn đường trơn trợt. Trẻ con luôn tò mò về mọi thứ xung quanh nên thường thích sờ mó, khám phá những thứ bắt mắt như bóng điện trang trí buổi tối ở quán cà phê, các tiểu cảnh. Cũng có lúc chúng rủ nhau vào thang máy, chạy thi lên thang cuốn...

Việc bé trai 17 tháng bị thang cuốn kẹp cánh tay gần đứt khi bé cùng mẹ ngồi chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến chị Phạm Hạ Nghi (Phường 2- TP Vĩnh Long) không dám rời con nửa bước. Bé Cà Rốt (21 tháng tuổi) của chị rất hiếu động.

Bé thích thú khi thấy máy bay, làm quen với các bé cùng trang lứa, thích tự đi tung tăng trong phòng chờ.

“Vợ chồng tôi thay phiên nhau giữ bé. Đi sát bên con, không dám lơi mắt rời con giây phút nào. Dù vậy, tôi vẫn dẫn con đứng nhìn máy bay cất và hạ cánh, chỉ cho con chỗ thang cuốn là nguy hiểm, con không đi tới đây mà không có ba mẹ nhé. Bé nghe xong dạ, và khi tới thang cuốn bé lắc tay nói nguy hiểm”.

Cần giữ lịch sinh hoạt gần như ở nhà cho con

Vai trò của ba mẹ trong việc trang bị các kỹ năng cần thiết cho con cái khi đi du lịch là cực kỳ quan trọng, bởi với các em nhỏ, có rất nhiều hiểm nguy rình rập khi đến nơi lạ, khác với sự quen thuộc ở nhà mình.

Các bậc phụ huynh cần dạy con kỹ năng quan sát, cách tự phục vụ bản thân, nhận diện nguồn nguy hiểm, có nguy cơ cao; cách làm quen và tồn tại trong môi trường sống xa lạ, mới mẻ, vượt qua nỗi sợ hãi để con trẻ biết cách xử lý những tình huống rủi ro có thể xảy ra.

Cho con tận hưởng niềm vui khám phá song hãy đảm bảo là trẻ con luôn ở trong tầm mắt bạn.
Cho con tận hưởng niềm vui khám phá song hãy đảm bảo là trẻ con luôn ở trong tầm mắt bạn.

Những tour du lịch biển đảo luôn là lựa chọn hàng đầu cho những chuyến nghỉ mát của nhiều gia đình. Do được truyền thông cảnh báo, hầu hết các gia đình đều căn dặn nhau tránh nguy cơ đuối nước. 

Cụ thể, các bậc phụ huynh cần để mắt đến con khi đến bất kỳ điểm du lịch nào có nước, đặc biệt cần cho trẻ sử dụng phao bơi ngay cả khi trẻ đã biết bơi. Song, đừng để trẻ ngâm nước quá lâu. Trẻ con rất thích nước nhưng đừng cố chiều ý bé vì cơ thể non nớt của bé không thể chịu lạnh quá 2 tiếng dưới nước. Điều này dẫn đến cảm sốt nặng rất nguy hiểm. 

Ngoài ra, mọi người không nên chủ quan hoặc do lười nên không mặc áo phao khi di chuyển bằng tàu đến những đảo, điểm du lịch.

Việc mặc áo phao cho con và cho mình cũng nên làm cẩn thận chứ không phải mặc cho có lệ. Yêu cầu nhân viên cung cấp áo phao ngay khi lên tàu, nếu tàu không có áo phao thì tuyệt đối không lên. Kiểm tra áo có bị rách hoặc xì hơi hay không.

Ngoài ra, để phòng không bị say nắng, nóng bạn cần cho trẻ làm quen với nhiệt độ ngoài trời trước khi cho trẻ tham gia các hoạt động. Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước ngay cả khi chưa thấy khát và đội nón, kính râm cho bé.

Để có được những chuyến đi vui trọn vẹn, cần nhớ phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tai nạn xảy ra rất nhanh và bất ngờ, vì thế tuyệt đối không cho trẻ chơi gần hồ ao, sông nước, chui vào bụi rậm (đề phòng côn trùng chích), cầm cây chạy nhảy (đề phòng đâm vào mắt…); đề phòng trẻ em bị phỏng do chủ quan của người lớn, nhất là lúc dùng các món lẩu hoặc nướng khô bằng cồn.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em bệnh, sốt đúng lúc gia đình du lịch cũng là một tình huống rất thường gặp đối với trẻ dưới 5 tuổi. Bởi lẽ, môi trường sống thay đổi, không khí hoàn cảnh xung quanh thay đổi, trẻ gặp nhiều người cũng có thể lây nhiễm bệnh, hay việc trẻ ăn phải thức ăn lạ, không đảm bảo cũng có thể khiến trẻ sốt, đau bụng…

 

Do vậy, để hạn chế tối đa các nguy cơ trên, khi cho bé đi du lịch, ba mẹ cần cố gắng giữ cho bé một môi trường ngủ, nghỉ, ăn uống gần như ở nhà. Chú ý, không nên cho bé tham gia các chuyến đi xa và phải di chuyển liên tục như các tour du lịch dành cho người lớn. Đặc biệt, chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ không cho con trẻ tham gia các chuyến du lịch mạo hiểm.

 

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh